14/01/2011 - 08:59

Vượt khó

Nhí tranh thủ ôn bài trước khi đi làm thêm. 

Giữa nghèo khó, bao vất vả mưu sinh, những bạn trẻ ấy vẫn kiên trì với mục tiêu vào đại học. Để có thể trụ vững trên giảng đường, họ phải tranh thủ từng giờ, từng phút làm việc cật lực để tự trang trải cuộc sống. Trong bao gian khó, những bạn trẻ ấy vẫn vững niềm tin vào tương lai tươi sáng...

Mẹ mất sớm, cha đi bước nữa nên Huỳnh Văn Nhí (Lớp Sư phạm Thể dục Thể thao K.34, Đại học Cần Thơ) từng trải qua những năm tháng vô cùng cơ cực trong căn chòi rách nát ở huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng). Ngoài giờ học, Nhí nhận làm bất cứ việc gì có thể để tự nuôi mình và em gái. Tốt nghiệp cấp ba nhưng không có tiền thi đại học, Nhí đi làm thợ hồ 2 năm để tích lũy tiền sang Cần Thơ luyện thi đại học. Với 1,3 triệu đồng lận lưng, Nhí phải tằn tiện hết mức để có tiền luyện thi 3 tháng. Dù chủ nhà trọ thương tình không lấy tiền trọ nhưng Nhí chỉ ăn cơm với chao và củ cải trắng kho mặn. Sự thiếu thốn đã đánh gục Nhí bằng ca nhập viện cấp cứu trước kỳ thi đại học. Hôm sau vừa hơi khỏe, Nhí trốn viện đi thi.

Hiền hái rau để sáng hôm sau đi chợ bán.

“Cảm động nhất là hôm thi môn năng khiếu. Cả nhà trọ đều kéo đi cổ vũ cho mình. Dù một chân sưng vù, rất đau đớn nhưng thấy vậy mình cũng ráng hết sức!” - Nhí bồi hồi nhớ lại. Từ khi Nhí đậu đại học đến nay, bác Nguyễn Thị Kiều Trang, chủ nhà trọ số 75 đường 3 Tháng 2, tiếp tục cho Nhí ở trọ miễn phí, còn chăm lo từng viên thuốc, miếng ăn cho Nhí. Bác Kiều Trang kể: “Thằng Nhí thật thà, siêng năng lắm. Mọi người ở đây đều rất quý mến nó. Tội nghiệp, nhà nghèo nên nó đi làm suốt không có thời gian nghỉ ngơi”.

Đã năm thứ hai đại học nhưng Nhí chưa có buổi tối nào vui chơi cùng bè bạn. Tan học về, Nhí cọc cạch đạp xe đi phát tờ rơi, giữ xe, phục vụ quán ăn, bốc vác... Hiện Nhí đang làm ở nhà hàng Du Thuyền dưới bến Ninh Kiều với mức lương 750.000 đồng/tháng. Hai năm nay Nhí tự trang trải toàn bộ chi phí ăn học của mình và đã 2 cái Tết Nhí ở lại Cần Thơ để đi làm thêm. Sức trai tráng lại là dân thể thao nhưng Nhí sống rất tiện tặn. Nhiều hôm tan ca về tới nhà trọ đã 11 giờ khuya, giặt đồ, ăn xong gói mì lót dạ thì đã qua ngày hôm khác. Cực khổ vậy nhưng Nhí luôn vui vẻ, lạc quan: “Bây giờ mọi chuyện đã vào quỹ đạo, không phải lo nhiều. Ra trường mình sẽ về quê để chăm sóc ba vì má sau đã bỏ ba. Mình còn phải lo cho hai đứa em nữa”.

Con đường vào đại học của Trương Thị Hiền (sinh viên năm thứ nhất, lớp Dược B, Đại học Y Dược Cần Thơ) cũng không kém gian nan. Cha Hiền mất sau một cơn bạo bệnh cách đây 15 năm, mẹ Hiền một mình bươn chải nuôi 3 con trong khi bản thân luôn bị chứng thoái hóa cột sống hành hạ. Năm 2005, Hiền vào Nam với số tiền mẹ vay của bà con để học trung cấp ở Trường Trung học Y tế Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ). Tốt nghiệp thủ khoa nhưng không xin được việc làm, Hiền đành tiếp tục những công việc từ thời sinh viên như: đi phụ việc ở quán cơm, bán quần áo, tiếp thị... và làm công nhân vệ sinh để có tiền giúp cậu em đang học cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh.

 Bé Như đang lấy nước đá cho khách.

Đầu năm 2010, mẹ Hiền vào Cần Thơ sống với con gái. Lúc này, Hiền cũng tìm được việc ở một bệnh viện nhưng đồng lương chỉ hơn một triệu đồng/tháng, không đủ trang trải nuôi mẹ, nuôi em. Tan ca, Hiền đi làm trình dược viên đến 10 giờ đêm mới về. May sao, chỗ Hiền trọ (hẻm 113 đường Vành đai phi trường) có khoảng đất trống. Người chủ tốt bụng cho hai mẹ con trồng rau lang, rau muống để mẹ đem ra chợ bán và mượn cái chuồng trống nuôi ba con heo. Vất vả mưu sinh nhưng Hiền vẫn kiên trì ôn luyện và thi đậu vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vào tháng 9-2010.

Để có tiền lo cuộc sống mỗi ngày, thuốc thang cho mẹ và đóng học phí, Hiền phải làm việc cật lực. Hàng ngày, từ 4 giờ sáng, Hiền dậy nấu cám cho heo, cho heo ăn, chuẩn bị rau cho mẹ ra chợ bán. Ngày nào không học 3 buổi thì Hiền ra chợ bán rau cùng mẹ, đi lấy hóa đơn ở các nhà thuốc. Đến Chủ nhật, Hiền mang đồ nghề làm bắp rang bơ bán ra chợ Hưng Lợi ngồi bán. Tranh thủ từng phút, từng giờ để làm việc nên lâu rồi Hiền chưa có một giấc ngủ trưa. Hiền tâm sự “Mình mong có sức khỏe để làm việc nuôi mẹ, nuôi em. Ráng thêm 4 năm nữa chắc đời mình sẽ bớt khổ!”.

Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, vậy mà Hoàng Thị Bé Như (lớp Hệ thống Thông tin K.36, Đại học Cần Thơ) cứ mong ngày dài thêm để làm được nhiều việc hơn. Cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu nên mẹ Như dù 56 tuổi vẫn còn đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh để nuôi con. Tốt nghiệp phổ thông, Như cũng đi làm thuê một năm để dành tiền ôn thi đại học. Đậu đại học, ngoài giờ lên lớp, Như tìm việc làm thêm gần như kín thời gian. Khi thì phụ bưng cà phê, lúc chạy bàn cho quán ăn. Một ngày của Như bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 22h30. Khi có thời gian rảnh, Như nhận làm luôn 2 ca ở hai nơi khác nhau. Làm nhiều nhưng ăn uống kham khổ nên không ít lần Như ngã bệnh. Chị Nguyễn Thị Quý, quản lý quán cà phê Cối Xay Gió 2 (đường 3 Tháng 2) cho biết: “Như rất giỏi giang. Tan ca ở đây là em xuống bến Ninh Kiều làm tiếp ca thứ hai. Vất vả thế nhưng chưa bao giờ chị nghe em nó than van”. Về tới phòng trọ, tắm giặt xong đã khuya, Như lại ngồi vào bàn học. Những lúc quá mệt mỏi, nhớ đến mẹ đang vất vả ở nơi xa xôi, Như lại vùng dậy và tự nhủ phải cố gắng học hành đàng hoàng để sau này lo cho mẹ và em.

Bài, ảnh: PHẠM VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết