21/06/2010 - 20:29

Vướng mắc trong thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật

* CHẤN HƯNG - NGỌC MINH

Kỳ 1: Thực tiễn thi hành án: Vẫn còn nhiều bất cập !

Bà Huỳnh Thị Thắm bức xúc trình bày việc mình mua nhà của bà Quảng Thị Thu Hà từ năm 1973 đến nay mà chưa nhận được nhà.

Sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án (THA) không mong mỏi gì hơn ngoài việc được cơ quan THA sớm tổ chức thi hành. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực sau nhiều năm mà không thể thi hành được, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là thực trạng đã và đang tồn tại ở một số cơ quan THA dân sự trên địa bàn TP Cần Thơ, gây bức xúc cho người được THA, dẫn đến việc khiếu kiện dai dẳng, kéo dài. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng đau đầu trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm sớm tổ chức thi hành, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA...

* Bản án “treo”!

Năm 1973, bà Huỳnh Thị Thắm đã thỏa thuận mua căn nhà số 35/53 (đường Phạm Ngũ Lão, TP Cần Thơ cũ, nay thuộc phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) của bà Quảng Thị Thu Hà. Sau đó, bà Hà vẫn không chịu bàn giao căn nhà. Thế là, tranh chấp phát sinh. Vụ việc đã được TAND tỉnh Hậu Giang (cũ) xét xử sơ thẩm. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Hà có đơn kháng cáo và Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm bằng bản án số 90/DS-PT ngày 25-10-1977, với nội dung: “Tuyên bố việc mua bán căn nhà số 35/53 đường Phạm Ngũ Lão giữa bà Thắm và bà Hà là hợp pháp; bà Hà phải giao lại căn nhà 35/53 đường Phạm Ngũ Lão cho bà Thắm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm”. Thế nhưng, tính đến nay đã gần 33 năm, nhưng vì sao bà Thắm vẫn chưa được THA? Theo tìm hiểu của phóng viên: Ngày 26-2-1979 TAND TP Cần Thơ (thuộc tỉnh Hậu Giang cũ) đã ra quyết định THA, nhưng không rõ việc THA như thế nào. Sau đó, TAND tỉnh Hậu Giang (cũ) đã rút hồ sơ để tiếp tục việc THA (trong hồ sơ chỉ có biên bản làm việc của ông Trần Thanh An - Cán bộ Thi hành án của TAND tỉnh Hậu Giang với bà Hà vào ngày 28-7-1987). Đến năm 1999, bà Thắm có đơn khiếu nại và được Phòng THA dân sự tỉnh Cần Thơ (cũ) ra quyết định tiếp tục THA. Ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là vụ án tồn đọng, kéo dài từ khi thành lập cơ quan THA. Do bản án không tuyên diện tích nhà và diện tích khuôn viên đất là bao nhiêu. Đến nay, căn nhà cũ không còn, bà Hà đã xây dựng căn nhà mới. Do vậy, không có cơ sở để xác định diện tích căn nhà phải THA. Trong khi đó, bà Thắm yêu cầu được thi hành hết phần đất trong khuôn viên đất do bà Hà hiện đang quản lý và đã có xây dựng thêm một số căn nhà khác. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa các đương sự, nhưng không đạt được kết quả”.

Trước những vướng mắc trên, ngày 13-5-2010, đoàn công tác liên ngành, gồm đại diện TAND, VKSND thành phố và Cục THA dân sự TP Cần Thơ đã có buổi họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ. Kết thúc buổi họp, các đại biểu đã thống nhất phương án đề nghị Cục THA dân sự thành phố liên hệ TAND tối cao mượn hồ sơ xem giấy tờ mua bán nhà giữa bà Hà và bà Thắm trước đây có ghi rõ diện tích đất hay không, để tiếp tục xem xét giải quyết. Ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ, cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã có Công văn gởi Tổng cục THA dân sự xin ý kiến chỉ đạo dứt điểm vụ việc này, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA”.

Tương tự, Quyết định số 08/QĐ.THA.91 ngày 8-4-1991 của TAND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (cũ) về việc công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Trần Thanh Phong và bà Nguyễn Thị Việt Nga, cơ quan THA dân sự quận Cái Răng cũng “bó tay”, vì không thể tổ chức THA. Theo quyết định, ông Phong là người phải THA và người được THA là vợ và hai con của ông Phong là bà Nga, anh Nguyễn Thanh Trọng và anh Nguyễn Thanh Văn An. Các khoản ông Phong phải thi hành: “... ông Nguyễn Thanh Phong được tạm thời quản lý và sử dụng một căn nhà, 4.000m2 đất (thổ cư, vườn và 1 công một góc tư ruộng, tọa lạc tại ấp Tân Thạnh Đông, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành cũ, nay thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Khi các con trưởng thành (18 tuổi), ông Phong phải giao toàn bộ tài sản mà ông đang quản lý, sử dụng lại cho các con được quyền sở hữu...”. Theo ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ, vướng mắc trong việc THA là do Tòa án khi công nhận sự thỏa thuận giữa vợ, chồng ông Nguyễn Thanh Phong về tài sản không hướng dẫn rõ về quyền yêu cầu THA, thời gian yêu cầu THA... Do vậy, khi anh Trọng đến tuổi trưởng thành, thì anh An chưa đủ tuổi để yêu cầu THA. Trước sự việc trên, Cục THA dân sự thành phố đã có văn bản đề nghị Tổng Cục THA dân sự cho ý kiến chỉ đạo để Chi cục THA dân sự quận Cái Răng sớm thi hành xong quyết định của Tòa án...

Đó là 2 trong số 6 bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong nhiều năm liền mà cơ quan THA dân sự không thể thi hành được, nguyên nhân là do Tòa án tuyên không cụ thể và rõ ràng. Ngày 13-5-2010, TAND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với các ngành liên quan họp và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc THA đối với một số bản án, quyết định của Tòa án do tuyên án không cụ thể, không rõ ràng. Trước thực tế trên, cơ quan THA dân sự đã có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành cơ chế xem xét những bản án không THA được do Tòa án tuyên có sai sót, nhưng đến nay đã hết thời hiệu kháng giám đốc thẩm. Để hạn chế tình trạng này tiếp diễn, ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục THA dân sự TP Cần Thơ, cho biết: “Khi tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án, xét thấy có những điểm chưa rõ cần phải giải thích, cơ quan THA dân sự sẽ làm công văn yêu cầu Tòa án giải thích. Trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng TAND các cấp cần phối hợp nhịp nhàng hơn, để hạn chế xảy ra những trường hợp tương tự”.

* Nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ

Theo báo cáo của Cục THA dân sự TP Cần Thơ, tổng số án tồn đọng đến cuối tháng 4-2010 là 2.550 vụ việc, với tổng số tiền phải thi hành là 303,726 tỉ đồng. Trong đó, số vụ việc tồn đọng từ 10 năm trở lên là 29 vụ việc, tổng giá trị tài sản phải thi hành là 957,7 triệu đồng (thu cho ngân sách là 78,684 triệu đồng); số vụ việc tồn từ 5 năm đến dưới 10 năm là 188 vụ việc, tổng giá trị tài sản phải thi hành là 8,336 tỉ đồng và số vụ việc tồn đọng dưới 5 năm là 2.333 vụ việc, tổng giá trị tài sản phải thi hành là 294,725 tỉ đồng. Nguyên nhân là do quy trình giải quyết một vụ án phải mất nhiều tháng, đối với một địa phương có số án thụ lý mới bình quân hơn 600 vụ/tháng, thì số lượng án tồn nêu trên phần lớn là án thụ lý mới, còn trong thời gian tự nguyện THA hoặc trong quá trình vận động các đương sự tự nguyện THA mà chưa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Rất nhiều trường hợp kê biên, phát mãi tài sản là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản bán đấu giá nhiều lần nhưng không người đăng ký mua. Gần đây, có nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong việc mua bán, ủy quyền về nhà đất để vay nợ ngân hàng đến giai đoạn THA rất khó thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp cho ngân hàng. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức không thực hiện quyết định khấu trừ tiền của người phải THA theo quyết định của Chấp hành viên cho người được THA...

Như trường hợp Chi cục THA dân sự quận Cái Răng gặp khó khăn trong việc tổ chức thi hành bản án số 312/DSPT ngày 23-12-2008 của TAND TP Cần Thơ. Theo bản án này, ông Trương Thành Phú (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng) phải trả cho ông Lương Hoàng Minh (ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), với số tiền 200 triệu đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật, ông Minh, người được THA có đơn yêu cầu THA. Sau đó, cơ quan THA dân sự quận Cái Răng ra quyết định THA và ra thông báo cho ông Phú, người phải THA tự nguyện THA trong thời gian theo quy định. Hết thời gian tự nguyện, nhưng ông Phú vẫn chưa THA. Tính đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, nhưng ông Phú vẫn chưa thi hành. Từ đó, ông Minh có đơn khiếu nại.

Ông Trần Bá Quang, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận Cái Răng, cho biết: “Khi có đơn yêu cầu của ông Minh, ngày 3-2-2009, THA dân sự quận Cái Răng đã ra quyết định THA và ra thông báo cho ông Phú được tự nguyện THA trong vòng 30 ngày, để trả nợ cho người được THA. Hết thời gian tự nguyện THA, nhưng ông Phú vẫn không thi hành. Qua xác minh điều kiện THA của ông Phú thì được biết, ông không có tài sản. Và tại thời điểm đó, ông Phú là Giám đốc Công ty Minh Khoa, có hợp đồng bơm cát với Công ty cổ phần Xây dựng Công trình giao thông 586, tại Cần Thơ. Ngày 20-5-2009, cơ quan THA dân sự quận Cái Răng ra Quyết định số 12/QĐ.THA về việc khấu trừ vào tiền của người phải THA, do người thứ ba giữ để khấu trừ tiền bơm cát của ông Phú tại Công ty 586. Thế nhưng, phía Công ty 586 vẫn không thực hiện, gây khó khăn cho cơ quan THA trong quá trình tổ chức thi hành bản án có hiệu lực pháp luật. Sắp tới, chúng tôi sẽ có công văn gởi VKSND quận Cái Răng đề nghị về việc xử lý hành vi của Công ty 586, do không chấp hành quyết định của cơ quan THA...”.

Theo ghi nhận của phóng viên, một trong những điểm mới của Luật THA dân sự là người được THA phải cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện THA của người phải THA. Qua thực tiễn thực hiện Luật THA dân sự, nhiều rắc rối đã phát sinh từ quy định này. Ông Minh, người được THA, cho biết: “Theo quy định của Luật THA dân sự, tôi phải cung cấp các thông tin về tài sản của người phải THA. Điều này đã gây không ít khó khăn cho tôi trong việc xác minh điều kiện THA của người phải THA”. Nói về vấn đề này, ông Đặng Văn Buôl, Trưởng phòng Kiểm sát THA - VKSND TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức nhất là ngân hàng, Kho bạc Nhà nước ít chịu cung cấp thông tin xác minh về tài sản theo yêu cầu của người được THA, mặc dù, cơ quan THA dân sự đã có giấy giới thiệu. Trong trường hợp, người được THA không xác minh được thì có thể nhờ Chấp hành viên tiến hành xác minh giúp. Khi đó, người yêu cầu phải nộp lệ phí xác minh, nhưng không quy định mức thu tiền là bao nhiêu. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc tiêu cực trong lực lượng cán bộ ngành THA”...

Kỳ cuối: Bi hài từ việc mua tài sản phát mãi

Chia sẻ bài viết