25/01/2014 - 13:37

Vững vàng nơi đầu sóng

* Ghi chép: QUỐC THÁI

Bài 2: ÁNH SAO GIỮA TRÙNG KHƠI

"Đảo là nhà, biển cả là quê hương" - điều đó thể hiện rõ trong lời nói, hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc. Với người lính biển, sự bình yên, phát triển của biển đảo là động lực thôi thúc mỗi người càng nêu cao cảnh giác, ra sức thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Xứng danh đơn vị anh hùng

Thượng úy Nguyễn Văn Tùng - Đại đội trưởng Đại đội 24 (đóng trên đảo Thổ Chu, tỉnh Cà Mau) cho biết, quần đảo Thổ Chu cách đảo Phú Quốc 54 hải lý (100km), cách đất liền 120 hải lý (200km), gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, như: đảo Thổ Chu, Hòn Từ, Hòn Cao Cát, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Xanh, Hòn Cái Bàn, Hòn Đá Bạc, với tổng diện tích khoảng 16,5km2. Trong đó, đảo Thổ Chu có diện tích lớn nhất với 14km2, cao 164 m so với mặt nước biển. Với vị trí chiến lược trên, đảo Thổ Chu được xem là đảo tiền tiêu có vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng biển Tây Nam nước ta.

Dẫn chúng tôi tham quan trận địa diễn tập, Thượng úy Tùng tự hào kể: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị đã từng tiêu diệt 41 máy bay, 7 tàu chiến địch, 3 xe tăng, 12 tên ngụy và bắt sống 1 giặc lái". Với những thành tích đó, năm 1973, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang. Kế thừa truyền thống vẻ vang đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 24 luôn động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, tích cực học tập, nghiên cứu và huấn luyện tốt để bắt kịp những kỹ thuật mới của các loại vũ khí tiên tiến hiện nay. Dù hoạt động trong điều kiện rất khó khăn, nhất là thiếu nước sinh hoạt, nhưng các cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thượng úy Tùng cho biết: "Trong năm, đơn vị chia thành nhiều đợt huấn luyện với tiêu chí một người đảm nhiệm nhiều vị trí, đảm bảo sự cơ động của từng chiến sĩ nhằm ứng phó với mọi tình huống đấu tranh với mọi thế lực xâm phạm vùng biển, vùng trời của Tổ quốc".

Thi đua huấn luyện giỏi

Gặp Trung úy Đỗ Văn Liêm - nhân viên quân lực Tiểu đoàn 553 Pháo phòng không, đúng lúc anh đang tất bật huấn luyện chiến sĩ mới. Từ xa có thể nghe thấy tiếng anh hướng dẫn chiến sĩ điều khiển mô hình máy bay không người lái xen lẫn âm thanh inh ỏi phát ra từ những chiếc máy bay mô hình. Lại gần có thể trông thấy hàng chục mô hình máy bay không người lái được sắp xếp ngay ngắn ở thao trường. Anh Liêm cho biết đây chính là những chiếc M94, M96 được anh cải tiến cho phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện và theo dõi các mục tiêu trên không. Mô hình này đã được anh tổ chức bay thử tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đây là kết quả nhiều tháng anh mày mò nghiên cứu sau khi tham dự lớp tập huấn kỹ thuật do Bộ Tổng Tham mưu Hải quân tổ chức. Ngoài hỗ trợ công tác huấn luyện, mô hình này có thể giúp các trinh sát theo dõi các phương tiện di chuyển trên biển, trên không khá hiệu quả. Anh Liêm cho biết, thực hiện phong trào sáng tạo phục vụ công tác huấn luyện, mỗi năm cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn thực hiện từ 80 đến 90 mô hình, trong đó có nhiều sáng kiến được đánh giá cao, không chỉ đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện mà còn phục vụ chiến đấu lâu dài.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 84 thi đua huấn luyện giỏi, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tây Nam Tổ quốc. Ảnh: Q. THÁI

Là đơn vị nhiều năm liền được Quân chủng Hải quân công nhận là đơn vị huấn luyện giỏi, đơn vị Quyết thắng, cán bộ, chỉ huy tiểu đoàn luôn đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong học tập và huấn luyện nhằm nâng cao sức chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trung tá Trần Văn Bình - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 553 pháo phòng không, trong đợt diễn tập có thực tập tại đảo Thổ Chu năm 2013, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi bắn rơi 2 chiếc máy bay. Mỗi năm, tiểu đoàn tổ chức 1 đợt diễn tập, nhằm tạo môi trường thực tiễn để cán bộ, chiến sĩ cọ xát, nâng cao kỹ năng tác chiến trong mọi tình huống.

Tại thao trường của Đại đội 84 - Tiểu đoàn 553 pháo phòng không, không khí tập luyện diễn ra rất nghiêm túc. Các chiến sĩ thực hiện các bài tập thao tác khí tài như: súng, pháo phòng không một cách thuần thục. Trung úy Nguyễn Xuân Tú - Chính trị viên Đại đội 84, cho biết hầu hết các chiến sĩ đều thể hiện tinh thần vượt khó, quyết tâm cao trong huấn luyện, nhất là trong điều kiện nắng gió khắc nghiệt, thiếu nước thường xuyên. Đơn vị cũng chú trọng rèn luyện tính kỷ luật, đạo đức lối sống của chiến sĩ theo gương Bác Hồ, phấn đấu mỗi người là tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng vì tập thể, sống gắn bó, chan hòa với nhân dân.

Khi lính biển là thợ xây

Là đơn vị công binh duy nhất của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Tiểu đoàn Công binh 556 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho một số đơn vị khác. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, công việc của người lính công binh không khác một thợ xây cần mẫn, từ xây công sự tập luyện, xây đường đến xây nhà thực hành, trường học, đến giúp dân xây chuồng trại chăn nuôi… Binh nhất Phạm Hồng Duy - Đại đội 28, Tiểu đoàn 556, một trong những chiến sĩ được đánh giá có tay nghề khá, từng tham gia xây dựng nhiều công trình, dẫn chúng tôi tham quan công trình huấn luyện cơ điện của Lữ đoàn 127. Duy từng là công nhân may ở Bình Dương, sau hơn một năm nhập ngũ, Duy đã trở thành lính xây dựng khá chuyên nghiệp. Duy tâm sự: " Cuộc sống của người dân ở đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên giúp được việc gì chúng tôi đều cố gắng hết sức".

Nhớ về chuyến công tác 6 tháng trong năm 2010 tại Trường Sa, Đại úy Nguyễn Văn Hành bộc bạch: "Ở Trường Sa chủ yếu là các đảo nhỏ, đảo ngầm, điều kiện thời tiết khắc nghiệt cộng với thủy triều thay đổi thường xuyên nên để việc xây dựng công trình gặp nhiều khó khăn". Anh Hành kể, vào mùa biển động, sóng to gió lớn, anh em chiến sĩ phải làm việc gấp đôi so với bình thường mới kịp tiến độ. Việc vận chuyển xây dựng, lương thực, thực phẩm hết sức khó khăn, vậy mà anh em vẫn kiên trì bám trụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. "Cuộc sống gian khó nhưng nếu được chọn tôi sẽ lại tình nguyện ra Trường Sa" - Đại úy Hành tâm sự. Còn Đại úy Nguyễn Hữu Khước, Đại đội trưởng Đại đội 28 cùng ra công tác ở Trường Sa với anh Hành, kể: "Hồi ở đảo Trường Sa Đông, để hoàn thành công việc đúng tiến độ, anh và đồng đội đã làm việc liên tục, có khi đến tận sáng mới nghỉ". Chuyến đi giúp anh hiểu rõ sự vất vả, kiên trung của đồng đội mình ở nơi đầu sóng ngọn gió. Những kỷ niệm đẹp, tình đồng chí luôn giúp đỡ lẫn nhau trong gian khó là động lực giúp những người lính biển vượt qua mọi gian nguy, thử thách…

"Mắt thần" giữ biển

Đại úy Tống Văn Dũng - Trưởng ngành ra đa đảo Hòn Khoai đưa xuồng cao tốc ra rước chúng tôi vào bờ, bởi vùng biển ở đây cạn, tàu hải quân không thể cập bến. Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền hơn 8 hải lý và cách đảo Thổ Chu hơn 100 hải lý. Đường lên đỉnh Hòn Khoai cheo leo khó đi, có nhiều vách đá nguy hiểm, chúng tôi phải mất một giờ mới đến Trạm ra đa 595. Theo Trung úy Nguyễn Thọ Trường, vùng biển Cà Mau có vị trí rất quan trọng, nối liền Biển Đông với vùng biển Tây Nam nước ta, có vùng chồng lấn giữa Việt Nam và
Malaysia và đường hàng hải quốc tế. Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền quốc tế ngày càng nhiều, đó là chưa kể tất cả tàu thuyền từ Biển Đông qua Vịnh Thái Lan đều phải đi ngang vùng biển này. Anh Trường bộc bạch: "Tất cả các mục tiêu trên vùng biển, vùng trời, chúng tôi đều quan sát, theo dõi, báo cáo kịp thời với cấp trên. Cán bộ, chiến sĩ Trạm luôn đề cao cảnh giác, tích cực tham gia huấn luyện, học tập bổ sung kiến thức, kỹ thuật mới…". Trung úy Nguyễn Thọ Trường - người lính ra đa có thâm niên 20 năm tuổi quân, cho biết: Trạm trực gác nằm ở độ cao 318m so với mực nước biển, phải mất hàng tiếng đồng hồ leo ngược lên những triền đá cao vút mới tới được Trạm. Vậy nhưng từ nhiều năm nay, những người lính đóng quân ở đảo này ngày nào cũng phải lên - xuống để thực hiện nhiệm vụ, vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu. Đứng trên đài quan sát của trạm, anh cho biết, mùa biển động, gió thổi rất mạnh nhưng đối với anh em đó là chuyện bình thường. Những ngày sương mù nhiều, tầm nhìn hạn chế, anh em vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ quan sát của mình. Để đảm bảo theo dõi chặt chẽ các mục tiêu trên không, trên biển, cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau trực gác bất kể ngày hay đêm. Việc sử dụng nước hết sức tiết kiệm, mùa mưa thì cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị lu, kiệu tích trữ nước, còn mùa khô có khi phải chờ tàu từ đất liền ra mới đủ nước sử dụng.

Thượng úy Đinh Quý Toản - Trạm ra đa 625 đóng trên đảo Hòn Đốc luôn tâm đắc lời dạy của Bác "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó". Anh Toản kể: Hòn Đốc xưa kia người dân địa phương gọi là quần đảo Hải Tặc, bởi có nhiều cướp biển hoành hành nên tình hình trên biển khá phức tạp. Để tăng cường quản lý vùng biển này, năm 2003 Trạm ra đa 625 được thành lập, nhằm báo cáo kịp thời mọi diễn biến trên biển hằng ngày về cấp trên. Chuyến thăm những người lính ra đa ở các đảo vào những ngày cuối năm giúp chúng tôi càng hiểu và cảm phục ý chí kiên cường, tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tây Nam. Những việc làm thầm lặng của các anh góp phần quan trọng vào việc giữ gìn vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Bài cuối: Tình yêu son sắt với biển đảo

 

Chia sẻ bài viết