11/11/2009 - 08:13

"Vùng trũng" an ninh mới

Các lực lượng bộ binh và không quân Arabie Séoudite mới đây đã mở chiến dịch truy quét các tay súng nổi dậy ở miền Bắc Yemen nhằm trả đũa vụ tấn công trước đó của nhóm này vào bên trong lãnh thổ Arabie Séoudite làm 1 binh sĩ thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Đây là lần đầu tiên quân đội hoàng gia Arabie Séoudite can thiệp vào khu vực bất ổn của một quốc gia láng giềng kể từ khi tham gia liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu chống đạo quân Iraq tại Koweit năm 1990-1991. Đành rằng hành động của Riyadh có thể nhận được sự ủng hộ của chính quyền Yemen, nhưng điều này rất dễ bị các thế lực cực đoan lợi dụng nhằm phát động các cuộc trả đũa.

Các tay súng nổi dậy ở miền Bắc Yemen có tên là nhóm Houthi, thuộc cộng đồng người Zaydi theo dòng Hồi giáo Shiite. Nhiều thủ lĩnh của họ đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt và bắt sống kể từ khi nhóm này bắt đầu các hoạt động quân sự chống chính phủ năm 2004. Mục tiêu của họ là đòi quyền tự trị lớn hơn cho cộng đồng người Zaydi, tuy chiếm thiểu số ở Yemen nhưng lại là đa số tại vùng Tây Bắc, và chống bị phân biệt đối xử từ chính quyền trung ương. Người Zaydi từng cai trị Yemen trong 1.000 năm theo luật Hồi giáo, trước khi bị lật đổ vào năm 1962 dẫn tới cuộc nội chiến kéo dài 8 năm.

Yemen giữ vị trí an ninh quan trọng đối với Arabie Séoudite và Mỹ, nên Riyadh có thể được đồng minh Washington trao trọng trách hỗ trợ Sana’a hoàn thành chiến dịch tiêu diệt nhóm phiến quân Houthi, bắt đầu từ ngày 11-8. Chiến dịch này đã triệt hạ và bắt giữ hàng trăm tay súng nổi loạn, tịch thu nhiều kho vũ khí và khiến ít nhất 250.000 người phải chạy nạn, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu thành công, nếu không muốn nói là thất bại. Chính phủ Yemen không thể tập trung sức lực bình ổn miền Bắc khi cùng lúc phải đối đầu với phong trào ly khai ở miền Nam, chủ nghĩa khủng bố thân al-Qaeda ở miền Đông và tình hình suy thoái kinh tế trên toàn quốc.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Riyadh vào miền Bắc Yemen được xem là nước cờ mạo hiểm. Người ta có những lý do để tin rằng nhóm phiến quân Houthi có thể nhận được sự hậu thuẫn từ Iran, nước có đông người Hồi giáo dòng Shiite, để chống lại ảnh hưởng của Arabie Séoudite, quốc gia có đa số người Sunni. Mà lịch sử đã chứng minh rằng nơi nào có sự hậu thuẫn và kình địch từ bên ngoài đều dễ trở thành “vùng trũng” an ninh.

PHÚC GIA AN
(Theo BBC, The National, UPI)

PHÚC GIA AN (Theo BBC, The National, UPI)

Chia sẻ bài viết