15/02/2021 - 09:19

Vững tin! 

Năm 2020, với hàng loạt “phép thử” của đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp TP Cần Thơ đã “tìm cơ trong nguy”, củng cố nội lực và sức đề kháng để chống chọi, vượt qua gian khó... Gặt hái được những thành công nhất định sau một năm đầy biến động, với sự hỗ trợ từ nhiều phía, các doanh nghiệp (DN) Tây Đô lại sẵn sàng cho một chặng hành trình mới…

Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô. Ảnh: MỸ THANH

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ:

Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; phát triển kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài. Song điều đặc biệt là tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu chiếm tỷ trọng khá lớn và đây cũng là các ngành hàng thế mạnh của TP Cần Thơ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, các sản phẩm xuất khẩu thiết yếu như hàng tiêu dùng,  hàng nông sản vẫn duy trì thị trường khá ổn định. Ngành Du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tâm lý ngại rủi ro nên hoạt động du lịch ra nước ngoài hoặc đón tiếp du khách nước ngoài sẽ vẫn khó khăn, nhưng du lịch nội địa sẽ tăng đáng kể. TP Cần Thơ được du khách lựa chọn như là một địa chỉ xanh, một điểm đến an toàn và tin cậy.

Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 0,5-3%/năm tùy theo từng nhóm đối tượng. Ðối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm xuống chỉ còn 4,5%/năm. Nhu cầu vốn của DN sẽ tăng trở lại khi DN bắt đầu khôi phục, mở rộng sản xuất kinh doanh, duy trì niềm tin thị trường. Khi được hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp, DN sẽ giảm giá hàng xuất khẩu, giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh. Với phép thử COVID-19, ngành Ngân hàng không chỉ đồng hành cung ứng vốn kịp thời cho DN mà còn tích cực đổi mới phương thức hoạt động, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển mạnh việc sử dụng tài khoản thẻ, ví điện tử, Internet banking… đáp ứng nhu cầu thanh toán an toàn và tiện lợi cho khách hàng.

Củng cố nội lực để tạo cạnh tranh

Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô:

Dịch COVID-19 làm cho ngành may bị ảnh hưởng nặng nề do bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Bối cảnh hiện nay, công ty xác định củng cố, phát huy nội lực vẫn là giải pháp sống còn. Nguồn nội lực này được thực hiện bằng các giải pháp trước mắt lẫn giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.

Năm nay, doanh thu của công ty chỉ đạt khoảng 80% so với năm  trước. Dù doanh thu sụt giảm nhưng công ty vẫn không cắt giảm lao động hay giảm giờ làm, thậm chí còn tăng thêm lương để giữ chân lao động. Bởi đây là nguồn lực quan trọng của công ty thời điểm này và hậu dịch bệnh. Ở mặt trận xuất khẩu, nhiều năm nay, công ty đã dày công xây dựng thương hiệu, gây dựng niềm tin và uy tín với khách hàng, thể hiện được trách nhiệm đối với xã hội. Ðặc biệt, công ty đáp ứng tốt hầu hết các tiêu chuẩn của các khách hàng lớn, ở các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu… Ðây là những ưu điểm vượt trội, tạo thế cạnh tranh đối với các DN khác.

Bên cạnh sự nỗ lực từ bản thân, chúng tôi cũng mong muốn thành phố tiếp sức cho DN khai thác, kích cầu thị trường nội địa thông qua tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp... 

Tìm cơ hội trong thách thức

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ:

Một khảo sát về động thái DN trên toàn quốc, VCCI ghi nhận đầu quý II/2020, thời điểm dịch bệnh diễn ra gay gắt, có 50% DN trả lời duy trì hoạt động không quá 6 tháng, 80% không quá 1 năm. Nhưng cuối quý III vừa qua, có 80% DN cho biết tiếp tục duy trì, thậm chí 18% tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ðiều này cho thấy bản lĩnh kiên cường, chủ động thích ứng của doanh nhân Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng trong bối cảnh thị trường biến động.

Dịch bệnh sẽ còn kéo dài và chưa có điểm dừng. Vì vậy, DN không thể cứ mãi chờ đợi mà phải hành động, tìm ra giải pháp, hướng đi để thích ứng với tình hình mới. ÐBSCL có ưu thế về chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm. Ðây là những ngành hàng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, DN cần tận dụng để phát triển ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu; mạnh dạn tái cấu trúc, huy động trí tuệ sáng tạo của con người và trí tuệ nhân tạo để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vào chiều sâu.

Với vai trò là tổ chức hỗ trợ cho DN, sắp tới, VCCI Cần Thơ sẽ phối hợp với Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh tế Tây Nam Bộ lần thứ nhất. Ðây là diễn đàn kinh tế quan trọng rất cần tiếng nói từ cộng đồng DN để bàn về các vấn đề phát triển của vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và DN từ đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Gieo niềm tin, gặt giá trị

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa (Pham Nghia Food):

Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chúng tôi xác định không thể chùn bước mà lấy đó làm động lực để làm tốt hơn nữa. Qua đó, công ty đã nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới hướng đến sự đa dạng và tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng. Tại thị trường nội địa, sản phẩm của Pham Nghia Food đã phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, kênh bán hàng online được công ty phát triển mạnh và được khách hàng ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ mở rộng kênh mua sắm hiện đại, công ty còn phát triển kênh phân phối cho nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể. Trong phiên chợ “Tuần nông sản an toàn thực phẩm và Tuần hàng Việt năm 2020”, sản phẩm cá thát lát rút xương của công ty đã đạt Giải Nhất cuộc thi “Sản phẩm nông sản tiêu biểu” do người tiêu dùng bình chọn. Ðây là một động lực để Pham Nghia Food tiếp tục nghiên cứu đa dạng thêm các dòng sản phẩm cũng như đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, Pham Nghia Food đã liên kết với đối tác nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường chính là Mỹ, Úc, Canada. Ðặc biệt là trong tháng 12-2020, công ty xuất khẩu đơn hàng đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. Thị trường xuất khẩu của công ty chưa đa dạng nhưng nhìn chung đều là thị trường khó tính, có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Song nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngày đầu thành lập, công ty có vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra và đạt tiêu chuẩn HACCP. Trong năm 2021, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới, liên kết với các đối tác để phát triển thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Ðặc biệt là tập trung vào các hoạt động tăng độ tin cậy, độ nhận diện của sản phẩm Pham Nghia Food đối với khách hàng trong và ngoài nước.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết