03/01/2015 - 09:01

ĐỊNH AN

Vững bước xây dựng nông thôn mới

Định An là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nhờ địa phương thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nên chất lượng cuộc sống của bà con dân tộc trên địa bàn được nâng lên.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Định An, thời gian qua, Định An đã thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc nên cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào nâng lên rõ nét. Chẳng hạn, thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, xã đã xây dựng được 133 căn nhà với tổng kinh phí hơn 2,6 tỉ đồng cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Đồng thời, hỗ trợ cho hộ khó khăn vay hơn 200 triệu đồng với lãi suất 0%. Thực hiện Quyết định 74/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hơn 4,6 tỉ đồng đã được triển khai cho các hộ vay để ổn định đất ở, nhà ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề…. Bên cạnh đó, xã cũng tập trung nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc hỗ trợ tập viết, học bổng, miễn giảm học phí, xã còn đẩy mạnh công tác vận động học sinh ra lớp. Bà Kiều Oanh cho biết: "UBND xã chỉ đạo các đoàn thể, cơ sở phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, kiên quyết không để học sinh vì khó khăn mà bỏ học. Khi trường báo học sinh ở ấp nào bỏ học thì cán bộ ấp kết hợp cùng giáo viên đến nhà tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học. Nếu học sinh thiếu tập thì hỗ trợ tập, thiếu phương tiện đến trường thì vận động mạnh thường quân hỗ trợ xe đạp… Nhờ vậy, ý thức học tập của học sinh được nâng lên rõ nét, tỷ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi ra lớp của xã luôn đạt trên 98%".

Trụ sở UBND xã Định An vừa được xây dựng mới.

Trình độ dân trí được nâng lên nên việc triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được thực hiện dễ dàng hơn. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Bà Oanh phấn khởi: "Thực hiện các tiêu chí văn hóa nên các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa dần. Toàn xã hiện có 92% hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa, trên 90% hộ có phương tiện nghe nhìn, 96,4% hộ sử dụng nước sạch, trên 98% hộ sử dụng điện an toàn, 48% có xe gắn máy,… tất cả các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao luôn được phát huy và giữ vững thành tích ở hội thi cấp cao hơn". Trình độ dân trí cũng là nền tảng để bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Thạch Tâm, ấp An Thọ, xã Định An, nói: "Tôi thường học từ chương trình khuyến nông trên tivi hay hội thảo đầu bờ rồi thực hiện trên ruộng của mình. Nhờ vậy, tôi sử dụng ít thuốc, phân bón hóa học mà vẫn phòng chống các loại dịch bệnh trên cây lúa thành công, năng suất, chất lượng vẫn đảm bảo".

Thành công nữa ở Định An chính là việc được người dân đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới. Hơn 3 năm triển khai thực hiện cùng với việc lồng ghép các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc, diện mạo nông thôn Định An đã thực sự thay đổi. Bà Oanh chia sẻ: "Người dân hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công làm đường, xây cầu, nạo vét thủy lợi nội đồng… Nhờ vậy, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã cơ bản được cứng hóa đạt chuẩn trên 93%, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong hai mùa mưa nắng. Đặc biệt, những cây cầu tạm đã được thay bằng cầu bê tông vững vàng cho người dân lưu thông. Bà Thị Hiệp, ấp An Trung, xã Định An, nói: "Đường sá, cầu kỳ thông thương nên học sinh đến trường thuận lợi. Hàng nông sản mang đi bán cũng dễ hơn nên có đồng ra đồng vào, gia đình tôi thấy thoải mái hơn trước".

Những chuyển biến ở Định An đã mang đến kết quả khả quan, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 6,95%. Đây là tiền đề để xã Định An đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới khi hiện tại xã đã đạt 12/19 tiêu chí.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết