18/09/2022 - 04:53

Vua Charles III và dấu hỏi về tương lai Khối Thịnh vượng chung 

Một trong những lý do mà Khối Thịnh vượng chung vẫn tồn tại đến thời điểm này chính là tình cảm dành cho Nữ hoàng Elizabeth II, vị quân chủ tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh với hơn 70 năm liên tiếp trên ngai vàng. Nhưng với sự ra đi của bà cùng với sự gia tăng của tinh thần chống thực dân ở các thuộc địa cũ, tương lai của khối trở nên bất định hơn bao giờ hết.

Vua Charles III phát biểu trong buổi lễ tấn phong hôm 10-9. Ảnh: CNN

Vua Charles III phát biểu trong buổi lễ tấn phong hôm 10-9. Ảnh: CNN

Việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời đánh dấu sự khởi đầu triều đại của Vua Charles III. Đây là giai đoạn tế nhị đối với Khối Thịnh vượng chung, nơi 14 nước thuộc khối vẫn coi Quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia, vị trí được nêu rõ trong hiến pháp của những nước này.

Nỗ lực của 2  Nữ hoàng 

Khối Thịnh vượng chung gồm 56 quốc gia thành viên, phần lớn là thuộc địa cũ của Anh, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương. Ba quốc gia châu Âu là một phần của Khối Thịnh vượng chung gồm Síp, Malta và Vương quốc Anh. Khối này là nơi sinh sống của 2,5 tỉ người, chiếm 1/3 dân số thế giới. 14 trong số 56 quốc gia này cùng với Vương quốc Anh tạo thành “Vương quốc Thịnh vượng chung”, gồm Antigua và Barbuda, Úc, Bahamas, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu. Trong số 41 quốc gia thành viên còn lại, 36 nước đã trở thành các nền cộng hòa, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Trong khi đó, 5 nước còn lại, gồm Brunei, Lesotho, Malaysia, Eswatini và Tonga, đều có Quốc vương của riêng họ.

Khối Thịnh vượng chung được ra đời từ nỗ lực của Nữ hoàng Victoria nhằm duy trì quyền kiểm soát các thuộc địa khi các phong trào đòi độc lập ngày càng mạnh mẽ. Năm 1867 sau khi Canada bày tỏ sự thất vọng đối với sự giám sát của Hoàng gia Anh, Nữ hoàng Victoria đã đồng ý trao quy chế thống trị lãnh thổ cho Ottawa, tức là nước này sẽ có quyền tự trị nhưng Luân Đôn có thể phủ quyết các chính sách mà xứ sở lá phong đưa ra. Trong những thập niên tiếp theo, các thuộc địa khác của Anh, gồm Úc, New Zealand và Nam Phi, cũng dần trở nên tự trị. Sau Thế chiến thứ nhất, tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao trong các quốc gia tự trị đã dẫn đến nhiều thay đổi và vào năm 1926, Anh và các quốc gia tự trị nhất trí rằng họ sẽ bình đẳng về địa vị. Tuyên bố này sau đó được chính thức hóa thông qua Quy chế Westminster năm 1931, đánh dấu sự thành lập của Khối Thịnh vượng chung Anh.

Vào ngày 21-4-1947, nhân dịp sinh nhật lần thứ 21, Nữ hoàng Elizabeth II đã thể hiện sự cống hiến của mình dành cho khối khi nhấn mạnh: “Tôi tuyên bố trước tất cả các bạn rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ được cống hiến phục vụ các bạn và phục vụ Hoàng gia vĩ đại của chúng ta”. Sau khi lên ngôi vào ngày 6-2-1952, bà bắt đầu chuyến công du khối và được chào đón với nhiều nghi thức trang trọng và sự nhiệt tình. Trải qua thời gian trị vì lâu dài, Nữ hoàng đã đến thăm hơn 100 quốc gia và có lẽ là một trong những nguyên thủ quốc gia công du nhiều nhất trong lịch sử. Đặc biệt, nhiều chuyến công du của bà đã trở thành biểu tượng cho nền ngoại giao của Anh.

Song, điều quan trọng cần nhấn mạnh là Nữ hoàng Elizabeth II không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc điều hành của các quốc gia thành viên Khối Thịnh vượng chung hoặc các nước mà bà là nguyên thủ quốc gia. Tại một số nước, bà có một số nhiệm vụ hiến pháp, đặc biệt là phê duyệt việc thành lập chính phủ mới, đôi khi là cấp các danh hiệu nhà nước hoặc bổ nhiệm một số quan chức. Tuy nhiên, tất cả những vai trò này chỉ mang tính nghi lễ.

Rục rịch tiến lên nền cộng hòa

Sau ngày tạ thế của Nữ hoàng Elizabeth II, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc nước nào trong số các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung sẽ quyết định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Hoàng gia Anh và tiến lên nền cộng hòa của riêng họ. “Ngày càng có nhiều dấu hiệu bất mãn trong Khối Thịnh vượng chung. Nếu không có tình cảm và sự ngưỡng mộ cá nhân dành cho Nữ hoàng Elizabeth II, bao nhiêu quốc gia trong số này bây giờ sẽ chọn tách mình khỏi chế độ quân chủ và trở thành các nước cộng hòa” - nhà sử học Alastair Bellany tại Đại học Rutgers (Mỹ) nói với tờ Rutgers Today.

Thậm chí, ngay cả trước khi Nữ hoàng qua đời, một số quốc gia, gồm Jamaica, Belize, Bahamas, Antigua và Barbuda, đã lên kế hoạch từ bỏ chế độ quân chủ. Úc cũng từng có một số cuộc tranh luận về vấn đề trên, và lần cuối cùng nước này tổ chức trưng cầu dân ý để cân nhắc việc trở thành một nước cộng hòa là vào năm 1999. Vào thời điểm đó, 54,9% người dân nước này đã bỏ phiếu ủng hộ Nữ hoàng tiếp tục làm nguyên thủ quốc gia của họ. Tuy nhiên, xứ sở chuột túi đã chứng kiến một nỗ lực mới về ly khai Hoàng gia Anh sau khi ông Anthony Albanese nhậm chức thủ tướng hồi tháng 5. Ông Albanese hồi tháng 6 đã đề cử một chức vụ mới, gọi là “Trợ lý cho các vấn đề của nền cộng hòa”.

Giống như người đồng cấp Úc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ủng hộ việc chuyển đổi nước này sang nền cộng hòa. “Tôi đã nhiều lần làm cho quan điểm của mình trở nên rõ ràng. Tôi tin rằng đó là nơi mà New Zealand sẽ đến và tôi tin rằng điều đó có thể xảy ra trong cuộc đời tôi” - bà Ardern  cho biết.

Ngay sau khi Vua Charles III được xác nhận là nguyên thủ quốc gia của Antigua và Barbuda, Thủ tướng Gaston Browne cho biết ông sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành nước cộng hòa trong vòng 3 năm tới, động thái có thể khiến Vua Charles III bị loại khỏi cương vị nguyên thủ quốc gia. “Đây là vấn đề phải được đưa ra trưng cầu dân ý trong vòng có thể là 3 năm tới. Nó không đại diện cho hình thức thiếu tôn trọng nào đối với Quốc vương. Đây không phải là hành động thù địch hay bất kỳ sự khác biệt nào giữa Antigua và Barbuda và chế độ quân chủ. Đây là bước cuối cùng để hoàn thành vòng tròn độc lập để trở thành một quốc gia có chủ quyền thực sự” - ông Browne nói với ITV News.

Jamaica cũng đã có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý thành lập nước cộng hòa trước năm 2025. Trước đó, Barbados hồi tháng 11 năm ngoái đã rời bỏ chế độ quân chủ sau 30 năm dưới quyền trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Mauritius đã trở thành một nước cộng hòa vào năm 1992, còn Fiji ly khai Hoàng gia Anh vào năm 1987.

Khối Thịnh vượng chung là một hiệp hội liên chính phủ của các quốc gia có chủ quyền độc lập và bình đẳng, hợp tác hành động hướng đến mục tiêu chung là sự thịnh vượng, dân chủ và hòa bình cho các nước thành viên. Khối này không có hiến pháp và luật lệ chung, các thành viên không có nghĩa vụ pháp lý chính thức với nhau. Các thành viên liên hiệp và giao lưu với nhau dựa trên các giá trị tương đồng về lịch sử, văn hóa, dân chủ và nhân quyền, hơn là những lợi ích chung về chính trị, kinh tế. Khối hoạt động theo sự nhất trí liên chính phủ của các quốc gia thành viên được tổ chức thông qua Ban Thư ký Thịnh vượng chung và các tổ chức phi chính phủ được tổ chức thông qua Quỹ Thịnh vượng chung.

Tuy nhiên, Vương quốc Anh  thể hiện vai trò chủ chốt của mình trong nhiều hoạt động văn hóa, xã hội của Khối Thịnh vượng chung, hỗ trợ rất nhiều cho các thành viên nhỏ, chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu và có nhiều cản trở trong tiếp cận công nghệ và kết nối với thế giới, như các đảo quốc vùng Caribe và Thái Bình Dương. Đặc biệt, Luân Đôn cho phép công dân của hầu hết các nước thành viên khối (trừ các nước châu Phi và một vài nước khác) đến và ở lại Anh quốc với  mục đích du lịch hoặc học tập ngắn hạn lên đến 6 tháng mà không cần phải xin visa.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Nơi an nghỉ của Nữ hoàng Elizabeth II

Vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của Lâu đài Windsor.

Ngày mai (19-9), Vương quốc Anh chính thức tổ chức quốc tang cho Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster, phía Tây Cung điện Westminster ở thủ đô Luân Đôn. Sau đó, linh cữu của vị nguyên thủ mẫu nghi thiên hạ sẽ được an táng bên cạnh cha mẹ bà tại Nhà nguyện St George của Lâu đài Windsor.

Tòa lâu đài nằm trong vùng thị trấn Windsor thuộc hạt Berkshire, Đông Nam nước Anh. Dù không nằm trong trung tâm Luân Đôn hoa lệ nhưng đây chính là nơi gia đình Hoàng gia Anh lựa chọn để nghỉ ngơi và cũng chính là Hoàng thân Philip trút hơi thở cuối cùng. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, cho đến nay tòa lâu đài này vẫn là “ngôi nhà” ưa thích của Nữ hoàng Elizabeth II và cũng là công trình gắn bó với lịch sử quốc đảo Anh trong suốt 1.000 năm qua.

V.PHÚC

Chia sẻ bài viết