26/09/2020 - 08:44

Vũ khí phương Tây châm ngòi xung đột ở Trung Đông 

Báo cáo do Trung tâm Chính sách Quốc tế (CIP) công bố cho thấy, lượng vũ khí mà Mỹ và các đồng minh châu Âu xuất sang Trung Đông và Bắc Phi trong 5 năm qua chiếm gần ¾ tổng số vũ khí khu vực này nhập khẩu. Giới chuyên gia cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến khu vực chìm trong xung đột.

Hiện trường một vụ tấn công của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen. Ảnh: DW

Hiện trường một vụ tấn công của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen. Ảnh: DW

Vũ khí Mỹ chiếm gần 50% tổng số vũ khí chuyển giao cho khu vực, vũ khí Nga đứng thứ hai và chiếm 17%, trong khi vũ khí Pháp, Anh, Ðức và Ý chiếm tổng cộng 24%. Theo CIP, vũ khí xuất sang Trung Ðông và Bắc Phi thường được mô tả như là “động lực cho sự ổn định, là cách để củng cố các liên minh, là giải pháp nhằm chống lại Iran và công cụ để tạo ra sự cân bằng quyền lực, giúp giảm xung đột”.

Trước đó, báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi tháng 3 cũng cho thấy Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu cho các khu vực xung đột và một lượng lớn vũ khí Mỹ đã được chuyển tới Trung Ðông. Chỉ riêng Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain, Oman và Qatar đã nhập khẩu tới 56% tổng số vũ khí Mỹ bán cho khu vực năm 2019.

William Hartung, tác giả báo cáo và Giám đốc dự án an ninh và vũ khí của CIP, cho biết các loại vũ khí nhỏ và viện trợ quân sự khác đã góp phần kéo dài xung đột trong khi các hệ thống vũ khí lớn tạo nên các cuộc hủy diệt hàng loạt tại khu vực. “Các cuộc oanh tạc trên không và tấn công bằng pháo tầm xa là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của hàng chục ngàn dân thường và gián tiếp khiến hàng trăm ngàn người bỏ mạng” - ông Hartung cho hay.

Ðơn cử như tại Yemen, máy bay, bom, tên lửa và xe bọc thép mà Mỹ và Anh chuyển giao cho Saudi Arabia và UAE đã góp phần tạo ra cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người. Còn tại Ai Cập, chiến đấu cơ, xe tăng và trực thăng do Mỹ cung cấp đã được sử dụng trong “hoạt động chống khủng bố ở phía Bắc Bán đảo Sinai nhưng trên thực tế nó đã trở thành cuộc chiến chống lại dân thường tại khu vực”.

Vũ khí của Mỹ cũng đã rơi vào tay phe đối lập trong các cuộc xung đột ở Iraq, Yemen, Syria và Libya, trong khi vũ khí của Nga đóng vai trò không nhỏ trong cuộc nội chiến ở Syria và Libya. Theo nhóm Khảo sát Vũ khí Nhỏ (Thụy Sĩ), vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Libya mà theo một số báo cáo, một số vũ khí trong số đó được sản xuất tại Mỹ. Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) hồi tháng 6 biện minh rằng sở dĩ Mỹ bán vũ khí cho nhiều nước Trung Ðông là nhằm giúp các nước trong khu vực giảm phụ thuộc vào khí tài quân sự của Nga và Trung Quốc.

SIPRI dự báo việc Mỹ bán vũ khí cho các “điểm nóng” xung đột ở Trung Ðông có khả năng vẫn ở mức cao trong thời gian tới, đặc biệt là khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang trở lại. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi năm ngoái cho rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ký kết thỏa thuận bán vũ khí trị giá 8 tỉ USD cho Saudi Arabia là cần thiết, bởi “hoạt động của Iran gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định của Trung Ðông cũng như an ninh quốc gia Mỹ”.

TRÍ VĂN (Theo DW, Inside Arabia)

Chia sẻ bài viết