Truyện ngắn: Hồ Kiên Giang
“A lô Trung à. Cha con... mất rồi...” - giọng má nghẹn lại, “Con xin phép thủ trưởng đơn vị về để tang cha nghen”. “Dạ!” - tiếng anh tôi rất nhỏ giữa những tiếng khóc kìm nén.
Mấy mươi năm làm vợ, làm mẹ, chưa bao giờ má đứng trước cảnh tình khổ sở như lúc này. Quê má trên Vĩnh Hòa, lấy chồng về Vĩnh Hưng mang theo cả nghề dạy học. Tuy cùng huyện nhưng khác xã, giống như “anh ở đầu sông em cuối sông”. Năm đó, má hai mươi bảy tuổi, không đẹp sắc sảo nhưng mặn mòi, là cô giáo, còn đảm đang bếp núc, ruộng đồng. Còn cha bốn mốt, cụt hai chân lên tới đầu gối do vướng mìn hồi đi bộ đội chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Trong đầu cha còn miểng bom hay miểng pháo gì nữa, bác sĩ nói nếu mổ sẽ ảnh hưởng tới thần kinh nên để vậy. Ông bà ngoại không chịu gả, sợ má cực thân. Má thủ thỉ với bà ngoại: “Ảnh không chỉ hiền mà còn giỏi. Chăm sóc mẹ già rất chu đáo, quán xuyến mười công ruộng chớ không mướn ai. Ảnh gắn chân giả, đi lại không thuận tiện như người lành lặn, nhưng ảnh lo trong nhà ngoài ruộng đâu ra đó...”. Bà ngoại đem chuyện má tỉ tê với ông ngoại. Ông xuôi: “Tự con lựa chọn, nên sống cho vui vầy!”.
Bà con hàng xóm tới dự đám cưới má rất đông, chủ yếu xem mặt anh thương binh tóc lấm tấm những sợi bạc tài giỏi tới mức nào mà “cua” được cô giáo hiền lành, tháo vát của xã. Có lần tôi hỏi má: “Hồi xưa ai mai mối cha với má vậy?”. Má cười: “Cậu Ba con chớ ai. Lúc đó cậu xuống Vĩnh Hưng chơi, gặp rồi mê mợ con. Cậu tới lui với mợ nên biết cha con, mới giới thiệu cho má. Cậu rước con gái Vĩnh Hưng về thì phải trả con gái Vĩnh Hòa cho có qua có lại”. Tôi gật gật đầu như đã hiểu nhưng mãi sau này mới ngộ ra trong tình yêu có những chuyện nói giỡn thành thiệt.
Lấy chồng rồi, má vẫn đi dạy học. Hằng ngày, má dậy sớm quét dọn nhà cửa, nấu cơm sáng, rồi tới trường. Cha ra ruộng. Nội coi nhà. Má chủ nhiệm lớp năm nên ngày cuối tuần phải sinh hoạt, có khi về đến nhà trời đứng bóng, nội chuẩn bị sẵn cơm canh đợi má về ăn chung. Bấy nhiêu đó đã làm má hạnh phúc. Những ngày không đi dạy, cha kêu má nấu vài món ngon, nhắn cậu Ba xuống thăm gia đình bên vợ, tiện thể lai rai với cha. Má với cậu gặp hoài nên cũng đỡ nhớ nhà ngoại. Má hay nói: “Cha con thương má, nhưng không bằng bà nội đâu nghen. Nhiều lúc má tưởng mình là con gái chớ hổng phải con dâu. Lúc má có bầu anh hai con, nội không cho má làm việc nhà, mà giao hết cho cha con. Vậy là phải nối thêm cán chổi quét nhà cho vừa tầm vì cha con không khom lưng được. Rồi đến lượt con ra đời cũng vậy”.
Người ta nói “thương con trai thương cả con dâu”, với nội có lẽ tình thương dành cho má nhiều hơn lẽ thường. Ngày xưa, chiến tranh ác liệt phủ tràn thôn xóm, mình bà nuôi cha vò võ chờ tin ông nội ở chiến khu. Nhưng ngày thống nhất, ông vĩnh viễn không về bởi một viên đạn kẻ thù lúc ông vượt Lộ Vòng Cung. Nối tiếp ông, cha tình nguyện đi bộ đội, theo đoàn quân tình nguyện giúp đất nước láng giềng thoát họa diệt chủng. Mười năm cha xa quê là ngần ấy năm nội trông ngóng, khóc thầm. Cha về, trở thành thương binh làm nội đau xót, nhưng lại mừng vì cha còn đó để sớm hôm trò chuyện, hủ hỉ với bà. Bà dìu cha tập đi trên đôi chân giả của đồng đội góp lại tặng, như thể lúc nhỏ bà tập cho cha những bước đầu đời. Rồi cha quen dần, tự chăm sóc bản thân và công việc đồng áng. Nhiều lúc nội buồn vì chưa kiếm được cho cha một người vợ thấu hiểu. Nhiều năm chờ mai mối, đến khi cưới má về, thấy con trai hạnh phúc là ước nguyện lớn nhất trong phần đời còn lại của nội.
* * *
Anh Trung lớn hơn tôi hai tuổi, giống cha hiền lành và chịu khó. Từ nhỏ, sau giờ học là anh theo cha ra ruộng. Khi thì anh đem về xâu cá đủ loại lớn nhỏ, lúc bó rau kèo nèo, rau muống. Cha nói đó là thành quả cả buổi chiều của anh. Ðược khen, anh vui lắm. Buổi tối anh mới ôn bài, những gì chưa hiểu anh hỏi má. Một lần, khi đang phác cỏ ruộng, cái miểng trong đầu “cựa quậy” làm cha choáng váng, anh dìu cha về, làm nội và má hoảng hốt. Từ đó, thỉnh thoảng nó “nhúc nhích” nên má không cho cha đi ruộng một mình. Anh Trung bắt đầu quen với việc dìu cha vượt qua đường trơn khó nhọc từ khi anh chưa đầy mười tuổi. Anh thông minh, học giỏi, luôn được khen thưởng hằng năm. Tốt nghiệp cấp ba, anh xin: “Nội với cha má cho con đăng ký đi bộ đội nghen. Vô đó rèn luyện hai năm rồi về con đi học tiếp”. Bà nội lo: “Con đi rồi ai đưa cha con đi đây đi đó, ruộng đồng ai coi”. Cha ôn tồn nói: “Con thấy cũng được đó má. Khi nào đi ruộng thì kêu Hiếu đi với con, việc nặng nhắn cậu Ba nó xuống giúp. Thằng Trung đi có hai năm. Giờ thời bình rồi má, chớp mắt là về rồi”. Nghe đến tên, tôi giả bộ giãy nảy: “Con gái đi ruộng đen da xấu lắm cha ơi!”. Cha cười: “Ừ, da trắng chắc no bụng hén con. Nè, ý em sao?”. Má thì tỉnh bơ: “Anh tính đi. Miễn con làm việc nó thích và có ý nghĩa là được”. Thật ra, má cũng như nội đều không muốn anh đi xa, nhưng bao giờ má cũng để cha quyết định.
Hơn một tuần cha tâm sự, phân tích, giải thích, bà nội đồng ý. Gần ngày anh Trung lên đường, vết thương tái phát khiến cha nhập viện điều trị ba ngày. Anh có vẻ lưỡng lự: “Cha, hay là con xin dời lại...”. Anh chưa nói hết câu, cha cắt ngang: “Cha còn khỏe, chỉ khi trái gió trở trời ảnh hưởng chút đỉnh thôi. Con cứ yên tâm nhập ngũ đi”. Và anh đi. Căn nhà bỗng trở nên trống trải, cha luôn pha trò, nói chuyện này chuyện kia với má, với nội, cho quên sự thiếu vắng anh. Nhưng tôi biết cha cố kìm nén nỗi nhớ anh mỗi khi một mình trầm tư ngó về hướng chợ. Anh cũng thường gọi điện thoại về hỏi thăm nhà cửa đồng ruộng, dặn tôi thường xuyên nhắc ba uống thuốc đúng giờ, hái nhãn lồng phơi khô nấu nước cho nội uống để được giấc ngủ sâu, má đừng thức quá khuya soạn giáo án... Bữa anh gọi điện báo tin kết quả huấn luyện đạt giỏi, được đơn vị tặng giấy khen, cha vui mấy ngày liền, khoe với các chú bác trong xóm...
* * *
Sau nhiều ngày ở trong nhà thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, cha muốn đi coi ruộng lúa vì nghe nói hình như có đợt rầy phá hoại. Có lẽ sau những ngày ở yên trong nhà được má lo kỹ, cha nghĩ mình khỏe, nên không gọi tôi. Khi tôi hay cha không có nhà, chạy ra đồng kiếm thì cha đã nằm trên bờ đê, người còn ấm nhưng gọi không trả lời. Ðưa cha đến bệnh viện, bác sĩ nói cha mất do vết thương tái phát.
Cuối cùng anh Trung không thể về chịu tang cha do dịch bệnh vẫn hoành hành. Anh nhắn tôi chụp hình cha gửi qua Zalo để anh làm hình cha, lập bàn thờ vọng bái ở đơn vị. Vì giãn cách xã hội nên đám tang cha cũng chỉ có người nhà nội, ngoại cùng vài chú bác hàng xóm. Lúc nhìn mặt cha lần cuối trước khi khâm liệm, má thủ thỉ: “Ngày xưa, khi người lính chiến đấu bảo vệ nước nhà, nếu có người thân qua đời cũng không thể về quê chịu tang là vì chữ trung, chỉ lập hương án vọng bái cho tròn đạo hiếu. Giờ không có con bên cạnh, anh đừng trách con nghen. Anh phù hộ cho con luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện đúng tâm nguyện của anh...”. Bỗng dưng, gương mặt cha giãn ra. Cậu Ba thốt lên: “Chị Hai, anh đang nghe chị nói kìa!”. Tôi đã kịp chụp lại hình ảnh ấy bằng điện thoại và gửi lên đơn vị cho anh Trung để anh biết cha luôn bên cạnh động viên, khích lệ từng bước anh đi trên chặng đường phía trước.