08/04/2008 - 10:59

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Với quyết tâm cao, nước ta sẽ kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng bền vững

Phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Nam về các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, ngày 7-4 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng bền vững cũng như đảm bảo an sinh xã hội, duy trì ổn định kinh tế là việc hoàn toàn có khả năng làm được”, do vậy các địa phương cần nỗ lực cao nhất, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch UBND 32 tỉnh, thành phố phía Nam.

Thủ tướng nêu bật 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng bền vững; đồng thời chỉ ra các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó các tỉnh phía Nam chiếm tới trên 60% GDP của cả nước, lương thực và giá trị hàng xuất khẩu chiếm 70% cần phát huy lợi thế riêng nhằm giữ cho được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh phía Nam quán triệt, bám sát kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị về một số vấn đề về kinh tế-xã hội quí 1-2008 cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo điều hành, hoàn thành kế hoạch năm 2008. Theo đó, cùng với các giải pháp kiềm chế lạm phát, các tỉnh phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp chung, tiếp tục đầu tư cho những công trình trọng điểm như cảng biển, đường giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, chống tham nhũng, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn giao thông...; căn cứ vào mục tiêu mà phấn đấu, không vì khó khăn này mà làm ảnh hưởng tới sản xuất cũng như các mục tiêu tăng trưởng mà tỉnh đã đề ra. Thủ tướng cũng nêu bật các giải pháp hàng đầu nhằm kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, đầu tư những công trình cấp thiết, đặc biệt là đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải chú trọng phòng chống dịch bệnh trong nông nghiệp, đảm bảo năng suất lúa và chăn nuôi. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần rà soát lại các công trình đầu tư công, đánh giá tính hiệu quả của các công trình này, hủy bỏ các dự án chưa cấp thiết để dồn vốn cho những công trình thật cấp thiết; đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện giải pháp về tiết kiệm, cắt những khoản chi tiêu không cần thiết và đẩy mạnh quản lý về giá thị trường, nhất là quản lý về giá cả, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng tâm hiệp lực trong xã hội để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Tham luận của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đều thể hiện quyết tâm thực hiện 8 giải pháp của Chính phủ đã đề ra, mỗi địa phương đã chủ động bổ sung các giải pháp thích hợp với thực tiễn của mình để tháo gỡ khó khăn và bước đầu đạt kết quả nhất định. Cụ thể là: mức tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh, thành vẫn đạt ở mức cao như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Tháp... Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, một số đại biểu khu vực đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ lo ngại về giá cả biến động, gây khó khăn cho người sản xuất và doanh nghiệp, chẳng hạn như giá thành nuôi cá tra lên tới 17 ngàn đồng/kg trong khi giá thu mua chỉ có 14 ngàn đồng/kg...

Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, để kiềm chế lạm phát, các cơ quan hành chính của Nhà nước phải gương mẫu thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu từ xăng, xe, hội nghị, tiết kiệm điện... đến đình chỉ đầu tư các công trình công cộng chưa cần thiết để toàn dân, toàn xã hội noi theo; từng nhà, từng người dân phát huy tinh thần yêu nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, phát triển kinh tế. Kiềm chế lạm phát, bảo đảm duy trì tăng trưởng, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân ta nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, khắc phục khó khăn, phát huy các lợi thế, tiến tới ổn định và tăng trưởng bền vững trong các năm tới.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết