02/05/2020 - 10:14

Vợ chồng thời công nghệ 

Mạng xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị công nghệ thông minh ngày càng có nhiều tính năng và theo đó, cách thức tương tác, giao tiếp trong các mối quan hệ cũng dần thay đổi. Nhiều cặp đôi mê thế giới ảo đến mức quên cả sự hiện diện của vợ/chồng mình, quên cả trách nhiệm, tình cảm của mình trong đời sống thực. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến quan hệ hôn nhân tan vỡ.

Nhiều cặp đôi nhiệt tình tương tác trên mạng xã hội nhưng lại thiếu sự sẻ chia, giao tiếp với người bạn đời ngay bên cạnh mình!

►Cô đơn trong tổ ấm

Chị Trần Thị Bích Nguyệt, ở quận Cái Răng, kinh doanh quán cà phê, than phiền: “Chồng tôi mê game từ khi chưa cưới vợ. Sau khi cưới nhau, thời gian anh chơi game, lướt web, tham gia mạng xã hội ngày càng nhiều. Tệ hơn, khi tôi trông quán, nhờ anh giữ con, anh sẵn sàng “quăng” điện thoại, máy tính bảng cho con chơi để đỡ vướng tay chân. Từ lúc 3 tuổi, con tôi đã dính vào công nghệ. Gần đây, tôi thấy mắt con có vấn đề, lại thêm chậm biết nói, ít chịu giao tiếp với ai. Khi đưa đi khám thì phát hiện con bị bệnh mắt rất nặng, phải điều trị dài lâu. Đáng nói hơn là con tôi có dấu hiệu của tự kỷ”. Vì chuyện này mà vợ chồng chị Nguyệt xảy ra mâu thuẫn, chị Nguyệt ra tối hậu thư, chồng phải giảm thời gian sử dụng điện thoại, chơi game, phụ vợ trông con, công việc mua bán, nếu không sẽ ly hôn.

Tình cảm vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Mai, ở quận Cái Răng, cũng rạn nứt vì thiếu sự quan tâm chia sẻ. Khi nghe chồng đề nghị ly hôn, chị tá hỏa. Ông xã chị Mai làm kinh doanh, thường xuyên đi về giữa Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Gần đây, công việc làm ăn của ông xã chị có vấn đề, nhiều lần anh muốn chia sẻ cùng vợ nhưng chị Mai đều bận giao lưu mạng xã hội, “like” đều đặn những dòng trạng thái của bạn bè, thăm hỏi nhiệt tình mỗi khi thấy bạn bày tỏ tâm trạng trên Facebook... Có lần, chồng kể về công việc, chị gạt ngang: “Chuyện làm ăn của anh, em không hiểu nhiều nên không thể chia sẻ cùng anh”. Cũng từ đó, chồng chị Mai ít tâm sự với vợ. Tình cảm giữa hai người dần phai nhạt. Đến khi chồng chị đưa đơn ly hôn, chị mới phát hiện, thì ra sự vô tâm của chị đã đẩy anh vào vòng tay một phụ nữ khác mà anh gọi là “hồng nhan tri kỷ” đã cùng chia ngọt sẻ bùi trong thời gian anh thất chí.

►Thay đổi để gần nhau hơn

Chị Thùy Dung suýt chút nữa đã đánh rơi hạnh phúc vì “thói quen rất nhỏ”. Chị kể, chị và chồng là anh Hữu Đạt quen nhau từ lúc đi học, sau khi ra trường hai người cưới nhau và quyết định ở lại Cần Thơ lập nghiệp. Chị Thùy Dung là “tín đồ” của Facebook. Mỗi khi có bộ cánh mới, hay đơn giản chỉ vào quán ăn thưởng thức món ăn, thức uống nào, chị đều chụp ảnh đưa lên “phây”. Nếu chỉ là hành động nhỏ cho vui, chia sẻ với bạn bè thì không có gì đáng nói. Đằng này, chị Dung lạm dụng, nhất là từ khi có con trai đầu lòng, chị liên tục đưa ảnh con lên mạng, tham gia hội nhóm nuôi con trên mạng, chat đến khuya. Từ đó chị xao lãng việc quan tâm, chăm sóc gia đình, bỏ bê luôn chồng.

Khi nghe tin bạn thân báo, trông thấy anh Đạt đi uống nước, có cử chỉ thân mật với người phụ nữ khác, chị Dung bủn rủn tay chân. Nghe lời bạn thân khuyên can, chị bình tâm suy ngẫm, nhớ lại dạo gần đây, chị không còn nghe anh nhắc nhở chuyện lạm dụng mạng xã hội. Rồi thỉnh thoảng chị thấy anh tủm tỉm cười, “ôm” điện thoại trả lời tin nhắn... Thẳng thắn nói chuyện cùng chồng, anh Đạt xác nhận giữa anh và cô gái kia chỉ dừng lại ở việc nhắn tin chia sẻ công việc, chuyện buồn vui chứ chưa vượt quá giới hạn. Nghe chồng tâm sự, chị nhận ra, đã bao lâu mình không hỏi thăm chồng, không đi ra ngoài vui chơi cùng chồng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc anh Đạt thiếu thốn tình cảm, cần người sẻ chia.

Tuy chồng chị Dung hứa cắt đứt liên lạc với người phụ nữ kia, nhưng mọi chuyện không đơn giản bởi nhắn tin “tâm sự” qua điện thoại đã trở thành thói quen của hai người. Anh Đạt không chủ động liên lạc thì người phụ nữ kia liên tục nhắn tin; anh Đạt không trả lời, từ chối cuộc gọi, cô ta tìm đến tận nhà. Cuối cùng, vợ chồng chị Dung quyết định dọn hẳn về Sóc Trăng vì trước đó gia đình anh Đạt đã đánh tiếng muốn hai người về quản lý cơ sở kinh doanh của gia đình. Mặc dù phải thay đổi công việc nhưng chị Dung xem đó là một khởi đầu mới, sắp xếp lại cuộc sống của gia đình mình.  

Chị Trần Thị Bích Nguyệt kể, từ sau khi đưa con đi khám bác sĩ, nhận ra nguy cơ bệnh tật từ việc lạm dụng thiết bị công nghệ, chồng chị đã hạn chế cho con sử dụng. Bản thân anh cũng không còn “mê điện thoại hơn mê vợ”. Thời gian rảnh rỗi, anh Nam chơi với con, hướng dẫn con các trò chơi vận động, tập cho con nói chuyện, giao tiếp với mọi người xung quanh...

Các sản phẩm công nghệ, cũng như các mạng xã hội đều có ưu điểm và những điều bổ ích, thú vị nhưng không thể thay thế các mối quan hệ, sự tương tác, giao tiếp trong đời sống thực tế. Thay vì dành thời gian dán mắt vào màn hình thiết bị, sao ta không dành cho nhau những cử chỉ yêu thương, những lời nói sẻ chia, động viên... để hôn nhân càng thêm thi vị?!

Bài, ảnh: Tâm Khoa

Chia sẻ bài viết