10/09/2024 - 12:03

Vĩnh Long xã hội hóa trồng cây xanh bảo vệ môi trường 

Bên cạnh đầu tư của chính quyền, những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Vĩnh Long hưởng ứng tích cực phong trào trồng cây xanh, qua đó góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho môi trường xung quanh, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Anh Nguyễn Văn Tốt (57 tuổi, ở ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) chuyển đổi 5 công ruộng lên liếp trồng cam sành đã được 2 năm tuổi, anh cho hay vì thấy bờ bao xung quanh khu vườn trống trải nên anh đã mua gần 900 cây tràm con về trồng với mật độ dày trên bờ bao, vừa để chắn gió, che mát vườn cam, vừa góp phần bảo vệ môi trường và có thêm nguồn gỗ cây tràm thu hoạch sau này. Đó là một trong nhiều trường hợp người dân tự trồng cây xanh bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường.

Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, cho hay, tỉnh có diện tích đất phần lớn là đất nông nghiệp với hơn 119.570ha, chiếm 78,3% diện tích đất tự nhiên, không có quy hoạch diện tích đất rừng, nhưng những năm qua, phong trào trồng cây lâm nghiệp, cây xanh phân tán được triển khai rộng rãi. Việc trồng cây lâm nghiệp, cây xanh phân tán trong tỉnh được phát động thông qua phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm, chương trình xây dựng nông thôn mới hay được lồng ghép vào chương trình phát triển đô thị tại các đô thị trong tỉnh và xã hội hóa, được hưởng ứng tích cực bởi nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân. Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách, còn có nguồn xã hội hóa, vận động các tổ chức hỗ trợ tài chính và nhân dân để trồng cây xanh, cây phân tán.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, năm 2023 đã vận động Công ty TNHH MTV Xã hội MangLub Việt Nam triển khai trồng 5.000 cây bần trên diện tích 2ha bãi bồi ven sông Cổ Chiên, thuộc 2 ấp Đại Nghĩa, Phú An (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) nhằm hạn chế sạt lở bờ cho sông này; vận động Ngân hàng Vietcombank Vĩnh Long tặng 1.000 cây kèn hồng với tổng trị giá 250 triệu đồng, trồng dọc theo tuyến kè sông Cổ Chiên (phường 9, TP Vĩnh Long). Trong 8 tháng đầu năm 2024, tiếp tục vận động Công ty Manglub Việt Nam trồng 1.500 cây bần trên bãi bồi sông Cổ Chiên, đoạn thuộc xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm). Bên cạnh, triển khai kế hoạch trồng 500.000 cây xanh phân tán giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 đến hết tháng 7-2024, Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Vĩnh Long (thuộc Sở NN&PTNT) đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai trồng được 394.415 cây xanh phân tán, đạt 78,8% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Ngoài nguồn vốn của Nhà nước và vận động các doanh nghiệp đầu tư vào trồng cây xanh, những năm qua, người dân trong tỉnh đã tự đầu tư trồng rất nhiều cây xanh phân tán, cây lâm nghiệp. Cây xanh được trồng phổ biến trên đất nông nghiệp, trên đê bao, bờ ruộng, ven 2 bên các tuyến đường nông thôn, các khu vực đất công cộng, đất trống hoặc đất trồng cây ăn trái không hiệu quả, tại các trụ sở cơ quan, trường học, đặc biệt tại các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao… nhằm mục đích nâng tỷ lệ phủ xanh, cải thiện cảnh quan, hạn chế sạt lở và có sản phẩm để sử dụng. Chủng loại cây trồng phổ biến là cây sao, dầu, bằng lăng, tràm (trong đó, cây tràm chiếm tỷ lệ cao nhất 93%).

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2021-2023, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu cây lâm nghiệp, cây xanh phân tán được trồng. Bên cạnh hiệu quả về môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp kết hợp phòng, chống sạt lở bờ sông, ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại, phát triển cây xanh trong thời gian qua còn mang lại hiệu quả kinh tế một phần cho tỉnh, góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ trồng từ khai thác gỗ, củi. Hằng năm, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 10.000m3 và sản lượng củi khai thác đạt gần 300.000 ste.

Đối với việc trồng cây xanh chống sạt lở bờ sông, trồng cây xanh để xây dựng bờ kè sinh thái cũng được tỉnh quan tâm thực hiện và được xem là giải pháp mềm tạo hiệu ứng tốt đối với tình hình sạt lở bờ sông hiện nay. Cũng theo ông Văn Hữu Huệ, từ giữa tháng 2-2024, Sở NN&PTNT tỉnh đã triển khai kế hoạch phát động phong trào trồng cây xanh phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030 đã được UBND tỉnh ban hành. Đây cũng là cơ sở thuận lợi để mở rộng việc trồng cây xanh, vừa góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trong tỉnh, vừa là giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông ngòi, kênh rạch trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh bằng biện pháp thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030 có từ 50% trở lên các tuyến bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở được phát động trồng cây phòng, chống sạt lở.l

Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết