Trải qua 12 phiên giao dịch, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK NN) chấp nhận Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamik (VNM) nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (ngày 20-7-2016), thì cổ phiếu VNM đã có đến 9 phiên khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, với tổng giá trị lên hơn 500 tỉ đồng, tương đương với hơn 3 triệu cổ phiếu. Nếu tính từ khi Tổng giám đốc VNM ký nới room ngoại lên 100% vào ngày 28-6-2016 đến nay thì thị giá của VNM đã tăng từ 136.000 đồng lên 160.000 đồng một cổ phiếu.
VNM là cổ phiếu từ lâu được khối nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nhưng tỷ lệ room (tỷ lệ cổ phần tối đa được sở hữu) dành cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ 49% và họ đã mua hết kể từ năm 2009. Kể từ khi niêm yết trên thị trường vào cuối năm 2006, cổ phiếu VNM luôn được nhà đầu tư nước ngoài săn đón và chưa đầy một năm sau đó, tỷ lệ sở hữu tối đa 30% của cổ phiếu VNM đã được khối này mua hết. Năm 2009, khi UBCK NN có chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu lên 49%, chỉ một thời gian ngắn sau, tỷ lệ 49% cũng đã được khối này mua hết. Từ đó đến nay, VNM luôn trong trạng thái hết room dành cho khối nhà đầu tư nước ngoài. Cũng từ năm 2009 đến nay, mỗi khi cổ phiếu này có dư room ra khi có lệnh bán là ngay lập tức trong phiên sẽ có lệnh mua khác mua hết ngay. Thậm chí, trong nhiều phiên giao dịch, cổ phiếu này chỉ có mua bán thỏa thuận nội khối nhà đầu tư nước ngoài với nhau mà room không hề bị hở ra.
|
Sản phẩm sữa đặc và Creamer đặc hiệu Driftwood của Vinamilk được bày bán tại các siêu thị Mỹ. Ảnh: Vinamilk |
Cổ phiếu VNM được khối nhà đầu tư nước ngoài săn đón do Vinamilk là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) hiện nay với giá trị xấp xỉ 190.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 8 tỉ USD và tỷ lệ chia cổ tức hằng năm của VNM cũng rất cao, trung bình khoảng 60-80%/năm. Cụ thể: Năm 2015 và 2016, VNM chia cổ tức 40% tiền mặt + 20% bằng cổ phiếu (ngày 19-8-2016 chốt quyền cổ tức năm 2015 và tạm ứng cổ tức năm 2016 của VNM) - một con số mà hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều mơ ước. Ngoài ra, VNM còn là doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao, trung bình từ 25-30%/năm kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay. Bên cạnh đó, chỉ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận) của VNM hiện nay cũng chỉ dao động trong khoảng từ 20-22 lần. Nếu so với thị trường chứng khoán London, cùng một doanh nghiệp tương đương như vậy thì P/E phải tầm 40 lần. Còn nếu so với thị trường chứng khoán Mỹ hoặc Châu Âu thì chỉ số này cũng không dưới 35 lần.
Cuối tháng 8-2016, ngày chốt danh mục review (thay đổi danh mục cổ phiếu đầu tư) của 2 Quỹ đầu tư chứng khoán ETF lớn nhất tại TTCK VN là Quỹ FTSE Vietnam Index ETF và Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M). Theo tính toán của các công ty chứng khoán, nhiều khả năng 2 quỹ này mua vào khoảng 12 triệu cổ phiếu của VNM nếu sau khi nới room thỏa mãn các điều kiện, như: room dành cho nhà đầu tư nước ngoài còn tối thiểu 5% trở lên, vốn hóa thị trường, thanh khoản và tỷ lệ freefoat (cổ phiếu được tự do giao dịch trên thị trường). Nếu tỷ lệ sở hữu của Nhà nước (SCIC) tại doanh nghiệp VNM vẫn duy trì ở mức 45% như hiện nay mà không bán ra, nhiều khả năng khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua hết lượng cổ phiếu freefoat của VNM chỉ sau một thời gian ngắn sau khi được nới room. Để đạt được chỉ số P/E khoảng 30 - 35 lần như các cổ phiếu lớn niêm yết trên các thị trường chứng khoán phát triển, với mức lợi nhuận đạt được hiện nay giá của VNM cũng không dưới 250.000 đồng/cổ phiếu, tức là sẽ có khoảng hơn 1 tỉ USD của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đổ vào để "tranh" mua hết 6% cổ phiếu freeloat của VNM trong thời gian tới. Qua đó, sẽ giúp thị trường sôi động hơn vì VNM là một cổ phiếu Blue-chips đầu đàn của thị trường hiện nay về mặt thị giá, vốn hóa và thanh khoản.
Bên cạnh đó, thượng tuần tháng 8, một quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore cũng công bố chi 600 triệu USD để mua 7% cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank -VCB) sẽ nối dài thêm mạch mua ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK VN trong hơn 3 tháng qua mà chưa có điểm dừng. Điều này góp phần giúp TTCK VN sớm vượt qua thị trường cận biên tiến tới đạt chuẩn thị trường chứng khoán mới nổi để thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế ngày càng nhiều hơn như kế hoạch của UBCK Nhà nước và Bộ Tài chính đề ra là nâng hạn thị trường vào cuối năm nay.
Trần Đăng