16/03/2024 - 18:36

Viện dưỡng lão cao cấp “nở rộ” ở Malaysia 

Khi số người giàu bước vào tuổi xế chiều ngày càng tăng lên, các viện dưỡng lão hạng sang ở Malaysia cũng bắt đầu “nở rộ”.
Xu hướng đó mang đến một sự lựa chọn cho người lớn tuổi nghỉ hưu, cũng như những người cần được chăm sóc sức khỏe hàng ngày.

Dịch vụ giải trí và chăm sóc sức khỏe sang trọng tại các nhà dưỡng lão cao cấp ở Malaysia.

Một cụ bà 102 tuổi vừa quyết định dành thời gian còn lại của mình để sống tại cơ sở chăm sóc người nghỉ hưu và hậu phẫu ReU Living, sau khi được đưa đến đây nghỉ dưỡng hồi tháng 7-2022. “Sau 2 tuần ở đây, mẹ không muốn về nhà nữa. Bà nói ở nhà cô đơn quá. Ở đây có nhiều người sống và bà thích không khí nơi này” - người con gái 78 tuổi của cụ cho biết.

Khai trương vào tháng 2-2022, trung tâm dưỡng lão cao cấp này nằm trong khách sạn nghỉ dưỡng MiCasa, cách Tháp đôi Petronas ở trung tâm thủ đô Kuala Lumpur không xa. Có khoảng 50 người đang sống tại ReU Living, đa số là lưu trú ngắn hạn trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật.

Chi phí sống tại ReU Living có giá từ 7.500 ringgit (gần 39,5 triệu đồng)/tháng hoặc 260 ringgit (1,3 triệu đồng)/đêm cho thời gian lưu trú ngắn ngày. Với mức giá đó, cư dân sống tại đây không phải động tay đến việc dọn dẹp và giặt giũ, trong khi được ở trong những dãy phòng sang trọng và hưởng các hoạt động xa hoa hằng ngày, các bữa ăn do khách sạn phục vụ, được sử dụng trung tâm vật lý trị liệu công nghệ cao và cả dịch vụ y học cổ truyền. ReU Living còn có đội điều dưỡng riêng và ở gần 8 bệnh viện.

Tương tự, viện dưỡng lão Acacia có mức giá 8.500 ringgit (gần 45 triệu đồng)/tháng, cung cấp các dịch vụ sang trọng như tập vật lý trị liệu, phòng tập thể dục, hồ bơi, nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp và bác sĩ thăm khám thường xuyên. Sau 1 tháng nghỉ dưỡng để phục hồi chấn thương vì gãy tay, bà Lee Chee Meng (74 tuổi) cho biết muốn ở lại Acacia lâu dài. “Nó như một kỳ nghỉ dưỡng tái tạo, được phục vụ những bữa ăn ngon, đội ngũ chăm sóc thì nhiệt tình hỗ trợ, khiến tôi cảm thấy vui vẻ và khỏe mạnh hơn” - bà nói.

Những nhà dưỡng lão như vậy xuất hiện ngày càng nhiều ở Malaysia trong vài năm qua, nhất là sau đại dịch COVID-19, khi những khách sạn kinh doanh thua lỗ hoặc phải đóng cửa đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh khác. Anna Chew, Giám đốc điều hành ReU Living, cho biết trong thời gian xảy ra đại dịch, bà bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng các cộng đồng dành cho người cao tuổi và người cần phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật, mang lại cho họ cảm giác thoải mái và tiện nghi.

Nhiều người nhận định những cơ sở nghỉ hưu cao cấp như vậy cũng mang đến cho cư dân cảm giác kết nối xã hội. Những người bận rộn với sự nghiệp riêng cũng sẵn lòng chi tiền để cha mẹ họ được sống trong một môi trường an toàn và vui vẻ. Ông Leonard Theng, tổng giám đốc trung tâm chăm sóc người cao tuổi Sunway Sanctuary, cho biết một số cụ có con đang làm việc ở nước ngoài nên ở đây một mình. Họ chọn nơi này nghỉ hưu để người thân yên tâm rằng họ đang được chăm sóc tốt.

Truyền thống người già ở cùng con cháu đang dần thay đổi

Ðược biết, Malaysia có khoảng 1.400 viện dưỡng lão tư nhân, nhưng theo truyền thống, các thành viên trong gia đình phải sống cùng nhau. Theo cuộc khảo sát năm 2014 của Ủy ban Phát triển Gia đình và Dân số Quốc gia Malaysia (thực hiện 10 năm/lần), 70% số người cao tuổi ở cùng con cái hoặc người thân, với 80% được con cái hỗ trợ tài chính. Nhưng kiểu sắp xếp cuộc sống tuổi xế chiều như vậy có thể thay đổi, khi nhóm dân số cao tuổi ngày càng giàu có hơn.

Ông Siva Shanker, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn bất động sản Rahim and Co International, nhận định tuy Malaysia có truyền thống hiếu thảo và các thành viên gia đình sống chung nhà, nhưng mọi thứ đang thay đổi. Các bậc cha mẹ trong tương lai có thể không muốn sống cùng hoặc được con cái chăm sóc, do đó, các viện dưỡng lão cao cấp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Hơn nữa, Malaysia cũng đang đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”, với khoảng 1,86 triệu người đang sống ở nước ngoài. “Sự phát triển của viện dưỡng lão là xu hướng tất yếu. Tôi biết nhiều gia đình có con đã rời đi và sẽ không bao giờ trở lại” - ông Shanker nói.

NGUYỆT CÁT (Theo Straits Times)

Chia sẻ bài viết