Ngày 31-3 năm nay là ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Một chặng đường trên nửa thế kỷ, vượt qua bao khó khăn từ khởi đầu gian nan cho đến sự phát triển, thành tựu hôm nay. Kết quả này cũng là mục tiêu đã được đặt ra ngay từ khi sáng lập ra Viện ĐHCT, tiền thân của Trường.
Cuộc vận động thành lập viện đại học miền Tây
Tòa Viện trưởng trên đường Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu sưu tầm
Từ năm 1965, các giáo sư đại học, giới chức trong ngành giáo dục ở Sài Gòn, nhất là các vị xuất thân từ các trường trung học ở miền Nam đã bắt tay vào công cuộc vận động thành lập một viện đại học ở miền Tây. Công việc tiến hành rất nhanh, thông qua báo chí và nhất là hệ thống các trường trung học ở khắp miền Tây. Các tờ báo tại Sài Gòn tuy ban đầu có nhiều ý kiến trái chiều song sau cùng, ý muốn “Miền Tây tất yếu phải có một đại học” trở thành đa số.
Đề xướng của các giáo sư ở Sài Gòn nhanh chóng lan truyền đến các phụ huynh học sinh và giáo chức miền Tây. Qua vận động, giáo chức ở mỗi trường phối hợp cùng hội phụ huynh học sinh trường mình đều tham gia vào ban vận động chung của cả miền Tây. Riêng Cần Thơ, giáo chức và hội phụ huynh học sinh nơi đây có nhiệm vụ đặc biệt hơn, vì trung tâm của cuộc vận động phải là Cần Thơ và ban vận động phải được đặt tại Trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Bác sĩ Lê Văn Thuấn, một trí thức của Cần Thơ và cũng là Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh 2 trường trung học là Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ, được mời tham gia cuộc vận động này, sau đó đã chủ trì tổ chức đại hội vận động thành lập viện đại học miền Tây.
Đại hội vận động thành lập diễn ra ngày 6-3-1966 tại hội trường Trường Trung học Phan Thanh Giản, đến dự có phụ huynh học sinh và giáo chức miền Tây, các giáo sư đại học ở Sài Gòn... với hơn 200 đại biểu. Trong diễn văn khai mạc, bác sĩ Lê Văn Thuấn nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đợi, chúng ta chỉ cần giúp đỡ thầy dạy. Trò chúng ta đã có. Chỗ học chúng ta phải có. Miễn là chúng ta đoàn kết và quyết tâm làm”. Nhà giáo Nguyễn Trung Quân, Giám học Trường Trung học Phan Thanh Giản, trong đề tài thuyết trình “Hướng về một viện đại học miền Tây”, nhận định: “Người dân Miền Tây ôn hòa và trầm tĩnh đã vô cùng hữu lý khi nhận xét rằng: Trì hoãn việc thiết lập viện đại học miền Tây là đi trái với đường lối thực thi chính sách công bằng xã hội” và “Cơ quan văn hóa này chẳng những liên hệ mật thiết đến đà tiến triển của người dân miền Tây mà còn là của cả dân tộc nữa”.
Ngày 31-3-1966, Viện ĐHCT chính thức được thiết lập, gồm đủ các phân khoa của một viện đại học quốc gia và những trường cao đẳng chuyên môn cần thiết cho việc phát triển miền Tây trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Chỉ 1 ngày sau đó, một buổi lễ công bố sắc lệnh thiết lập Viện ĐHCT được cử hành long trọng tại Công trường Tự Do, đường Hùng Vương, Cần Thơ.
Những thành quả đầu tiên
Về cơ sở vật chất của Viện ĐHCT những ngày đầu thành lập, có thể khái quát như sau:
Viện ĐHCT được chuyển giao khu đất cạnh đài phát thanh trên đường Mạc Tử Sanh (hướng Cần Thơ đi Cái Răng). Về sau, Viện ĐHCT ký với Ban Trung Đình Tân An hợp đồng mướn dài hạn gần 6ha đất trong thời gian 30 năm; ngoài ra còn thuê thêm vài thửa đất của tư nhân kế cận để lập nên Khu Đại học I và Khu thực hành nông trại. Hiện khu này là khu I, nằm trên đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều.
Tòa nhà Ký nhi viện mới đưa vào hoạt động tại số 1, đường Hòa Bình được chỉnh trang thành tòa nhà 3 tầng dùng làm Tòa Viện Trưởng, gồm văn phòng viện trưởng, 6 văn phòng khoa trưởng, giám đốc và tổng thơ ký, phòng hành chánh và phòng sinh viên vụ.
Tòa cao ốc 3 tầng là ký túc xá nam sinh vừa xây xong tại Khu Văn Hóa đường Tự Đức được sửa sang thành khu giảng đường gồm 1 hội trường và 5 phòng học, 1 phòng đọc sách và 1 thư viện. Khu này cũng được xây thêm dãy phòng thí nghiệm. Nơi đây hiện là khu III, nằm trên đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều.
Ngày 5-4-1967, Viện ĐHCT được cho phép sử dụng một khu đất rộng 87ha nằm ở ngọn rạch Cái Khế để làm Khu Đại học II. Hiện đây là khu II, nằm trên đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều.
Nhà điều hành Trường ĐHCT bây giờ. Ảnh: DUY KHÔI
Ngày 30-9-1966, lễ khai giảng năm học đầu tiên và lễ tấn phong GS Phạm Hoàng Hộ làm Viện trưởng đầu tiên diễn ra long trọng. Ngày 15-10-1966, buổi diễn giảng được tổ chức với sự tham dự của nhiều giáo sư, giảng sư từ Viện Đại học Sài Gòn, có 200 sinh viên đại diện các phân khoa đầu tiên dự.
Ban đầu Viện ĐHCT có 5 phân khoa: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm, Nông nghiệp. Vì khó kiếm người đảm nhiệm các khoa nên có vị phải kiêm nhiệm: GS Phạm Hoàng Hộ, Viện trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại học Khoa học (theo cách gọi lúc bấy giờ). GS Nguyễn Duy Xuân, Khoa Trưởng Đại học Luật và Khoa học Xã hội. GS Lê Văn Diệm, Khoa Trưởng Đại học Văn khoa kiêm Khoa Trưởng Đại học Sư Phạm. Kỹ sư Phan Lương Báu là Giám đốc trường Cao đẳng Nông nghiệp.
Qua một niên học, thấy được những khó khăn cũng như chiều hướng tương lai cho Viện ĐHCT, Viện trưởng Phạm Hoàng Hộ đã kêu gọi sự cộng tác của phụ huynh học sinh trong vấn đề giáo dục con em hằng ngày về phương diện đào tạo con người: “Dạy không phải chỉ cắt nghĩa một định lý này, giải một bài toán nọ, đó chỉ là giúp đỡ. Dạy là tìm hiểu và giúp trong sự phát triển nhân phẩm, cá tính, khả năng. Dạy là giúp đỡ nhiều về tinh thần, mà có gì làm cho con em vui bằng theo dõi học tập của họ, chú ý đến việc làm của họ”.
Đến năm học thứ ba, Viện ĐHCT khai giảng thêm Trường Cao đẳng Nông nghiệp, rồi năm thứ tư, thứ năm... lần lượt mở ra với nhiều tiến triển và phát triển tốt đẹp. Đến lễ khai giảng niên khóa 1970-1971, cũng là lễ xuất trường cho 78 sinh viên tốt nghiệp các phân khoa khóa đầu tiên 1966-1970, gồm: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Kinh tế, Văn khoa. Đến năm 1972, Viện ĐHCT có 32 sinh viên tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp.
Sau ngày 30-4-1975, Viện ĐHCT đổi tên thành Trường ĐHCT. Viện ĐHCT rồi Trường ĐHCT đã mạnh dạn theo đường lối giáo dục thực tiễn, đóng góp hữu hiệu những kiến thức, cùng nhân lực cho phát triển ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt trong những năm đầu thành lập, Viện ĐHCT đã thực hiện “Chương trình Mekong” mang lại lợi ích cho cư dân ở tận thượng nguồn sông Mekong. Đây là lần đầu tiên một viện đại học tại Việt Nam đứng ra đảm trách một chương trình khảo cứu thiết thực cho vấn đề phát triển, so với các khảo cứu kinh điển của các đại học khác đương thời. Ngoài ra với việc áp dụng chế độ thi cử theo hệ thống tín chỉ, Viện ĐHCT đã đi tiên phong trong chương trình cải cách giảng dạy và thi cử ở bậc đại học nước ta thời đó.
Sinh viên Trường ĐHCT trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: DUY KHÔI
Phan Lương Minh