Bến Tre không chỉ được biết đến vì cây lành trái ngọt mà còn được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sinh ra bao người con ưu tú cho đất nước. Dịp về huyện Giồng Trôm, tôi được nghe những câu chuyện về vị tướng lĩnh đầu tiên của xứ Dừa Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng mà dân gian quen gọi là Lãnh binh Thăng hoặc Ông Lãnh.
Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, cách TP Bến Tre non 7km, theo tỉnh lộ 855. Đền thờ cổ kính, rêu phong nằm khuất dưới những gốc cổ thụ trăm năm. Đền thờ là nơi thờ người anh hùng kháng Pháp nổi danh với “Đồn Cây Mai” và “chiến thuật Mù U”, trở thành niềm tự hào bao đời của người dân sống bên bờ Hàm Luông.
Theo sử sách và các vị cao niên ở làng Mỹ Thạnh kể lại, ông Nguyễn Ngọc Thăng sinh năm 1798 tại ấp Giồng Keo, làng Mỹ Thạnh, huyện Tân An, tỉnh Kiến Hòa (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) trong một gia đình nông dân. Từ nhỏ, ông Thăng đã sớm bộc lộ sự thông minh, tính tình bộc trực, khẳng khái. Ngoài theo các thầy đồ trong làng học chữ Nho, ông còn tìm đến các lò võ để học. Lớn lên, Nguyễn Ngọc Thăng chiêu mộ dân chúng, nhất là những người từ miền Trung lưu lạc vào khai ấp lập làng, mở rộng vùng Bảo Hựu (thuộc trấn Vĩnh Thanh xưa). Ông xin gia nhập lính triều đình dưới thời vua Thiệu Trị, làm đến chức Cai Cơ. Năm 1848, dưới thời vua Tự Đức ông Nguyễn Ngọc Thăng được thăng chức Lãnh binh.
Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Hộ đốc trấn giữ thành là Võ Duy Ninh thất thủ và tuẫn tiết. Lãnh binh Thăng được giao nhiệm vụ đóng giữ đồn Cây Mai một căn cứ chính yếu của Gia Định. Do lực lượng quá mỏng, đồn Cây Mai bị giặc chiếm, Lãnh binh Thăng rút quân về vùng Gò Công. Sau khi anh hùng Trương Định bị tên việt gian Huỳnh Văn Tấn chỉ điểm cho quân Pháp sát hại, Lãnh binh Thăng thay ông chỉ huy kháng chiến vùng Gò Công. Cùng với hai mũi giáp công khác là vùng Đồng Tháp Mười do Thiên hộ Võ Duy Dương chỉ huy và vùng Tây Ninh do Trương Quyền (con trai Trương Định) lãnh đạo, tạo nên một gọng kiềm ngăn bước quân Pháp đánh sâu vào các tỉnh Nam Kỳ.
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng được nhắc nhiều về chiến thuật quân sự khá độc đáo - “Chiến thuật Mù u”. Đoán đường giặc sẽ càn qua, ông cho quân lính hái trái mù u về đổ xuống đường rồi nấp vào bụi rậm phục kích. Quân Pháp bị té nháo nhào vì giẫm trái mù u. Thừa lúc đó, đội quân của ông tiến ra đánh úp.
Ngày 27-6-1866 (nhằm ngày Rằm tháng Năm năm Bính Dần), trong một trận giao chiến, Lãnh binh Thăng tử trận. Thi hài ông được thuộc hạ và nghĩa quân dùng ghe đưa về quê hương và quàn tại đình làng Mỹ Lung để dân chúng trong vùng đến viếng. Cảm khái người anh hùng xả thân vì việc nước, vua Tự Đức đã phong sắc, áo, mão và gươm cho ông.
***
Có thể nói, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng là một trong những người đứng lên chống Pháp sớm nhất ở đất Kiến Hòa (xưa). Ông đã nêu cao khí tiết, lòng yêu nước và căm thù trước bọn giặc xâm lăng và bè lũ tay sai bán nước. Tên tuổi Lãnh binh Thăng có thể sánh ngang với những sĩ phu yêu nước ở Nam bộ thời bấy giờ như: Thiên hộ Võ Duy Dương, Trương Định, Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn... Cũng có thể coi Lãnh binh là người đã có công khai phá và mở mang đất đai, thổ trạch một vùng rộng lớn của Bến Tre ngày nay. Người dân Giồng Trôm vẫn còn truyền tụng những câu chuyện về công đức và tấm lòng nhân nghĩa của ông như bênh vực, giúp đỡ kẻ nghèo khó, thế cô; chỉ dạy bà con cách làm ăn, sản xuất. Tương truyền, gia đình Lãnh binh Thăng là người gốc miền Trung vào đây sinh cơ lập nghiệp từ khá sớm nên kinh tế ổn định. Vậy là những thế hệ đến sau được ông và gia đình ông tận tâm giúp đỡ như câu ca dao xưa:
“Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
 |
Đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. |
Nước sông trong không lộn nước sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây”
Tiếng thơm về phẩm hạnh và tài ba của Lãnh binh Thăng đã lưu truyền lại hậu thế muôn đời. Ít có tên vị sĩ phu yêu nước nào lại được chọn đặt địa danh nhiều và nổi tiếng như Lãnh binh Thăng. Tại khu vực Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh nơi đồn Cây Mai đóng năm xưa có rất nhiều địa danh gắn với cuộc đời ông. Trong đó, nổi danh nhất là cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Ông Lãnh. Nguyên do đó là chiếc cầu do chính tay ông dựng nên bằng gỗ giúp bà con qua lại dễ dàng. Nhớ ơn ông, bà con đặt tên là cầu Ông Lãnh (gọi tắt từ chức Lãnh binh). Sau đó, nơi này dựng nên một cái chợ chuyên bán trái cây tươi, nên gọi luôn là chợ Cầu Ông Lãnh (cũng nên phân biệt các địa danh này với địa danh Cao Lãnh ở tỉnh Đồng Tháp chỉ tên người). Ngoài ra, ở cả tỉnh Bến Tre quê hương ông và ở TP Hồ Chí Minh có nhiều con đường, trường học, công trình công cộng đặt tên “Lãnh Binh Thăng”. Nức tiếng hơn cả là công trình Nhà thi đấu Lãnh binh Thăng với quy mô lớn nhất nhì ở TP Hồ Chí Minh. Chính những điều này đã minh chứng tình cảm mà nhân dân thời đó và cả hôm nay dành cho ông Lãnh binh lớn biết bao.
Tuy nhiên, một điều mà ít có tài liệu nào nhắc đến là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng đã từng được triều Nguyễn phong chức Phán sự hạng nhứt (một chức vụ của Tòa bố Pháp) kiêm Thị giảng học sĩ (thầy giáo trong triều đình). Bằng chứng là bên hương án của Đền thờ ở Giồng Trôm, có một tờ chứng nhận của Bộ Lại triều đình Huế soạn thảo vào tháng 12 năm 1923, công nhận những chức tước mà các vua triều Nguyễn đời trước đã phong cho Nguyễn Ngọc Thăng. Nguyên văn tờ chứng nhận được viết bằng chữ Hán trên giấy dó như sau:
“Lại bộ vi tuân lục.
Chỉ sự bổn nguyệt nhật phụng Chuẩn sứ tòa Thăng tác nhứt hạng Phán sự tiết kim nhân dữ Thị giảng mông nhân cứ thử tùng.
Sao chỉ phụng tu chí tuân chỉ dã.
Hữu tuân lục Hàn lâm viện thị giảng sứ tòa Nhứt hạng Phán sự Thăng kim nhân cứ thử.
Khải Định bát niên thập nhị nguyệt (? không rõ) nhật”.
Tạm dịch:
“Nay Bộ Lại kính chép rằng
Thời gian trước đây đã có chỉ dụ ban cho sứ tòa Thăng làm Phán sự hạng nhứt kiêm Thị giảng học sĩ.
Nay sao lục bản này
Giao cho Hàn lâm viện thị độc sứ tòa nhứt hạng Phán sự Thăng làm bằng chứng để chấp chiếu.
Khải Định năm thứ 8, ngày (?), tháng 12".
Qua đó cho thấy, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng không chỉ là một nhà quân sự mà còn có công đào tạo quan quân, những người thuộc dòng dõi hoàng thất và lại là một nhà hùng biện pháp luật. Tuy nhiên, điều này cần các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử dành nhiều thời gian giải mã để hiểu rõ thêm.
***
Từ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, những hạt giống của tinh thần yêu nước vẫn tiếp tục nảy nở và sinh hoa kết trái trên mảnh đất Giồng Trôm như: nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Tướng Đồng Văn Cống, Anh hùng Nguyễn Thành Trung...
Phần mộ và đền thờ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở Giồng Trôm đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia ngày 7 tháng 5 năm 1997. Hằng năm đến ngày hội Kỳ yên và ngày giỗ Rằm tháng Năm, nhân dân nô nức hội tụ về đây, thắp nén nhang lòng tưởng nhớ công lao của vị tướng lĩnh đầu tiên trên quê hướng xứ Dừa.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Tài liệu tham khảo:
1. Kiến Hòa xưa, Huỳnh Minh, NXB Thanh Niên, 2001.
2. www.bentre.gov.vn