21/04/2008 - 22:51

Vì sao ít doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn ?

Trong 2 năm (2001-2002) có 4 doanh nghiệp đầu tiên ở TP Cần Thơ (Xí nghiệp đường Vị Thanh, Công ty Thuốc sát trùng Cần Thơ, Công ty Giày Cần Thơ và Công ty Liên doanh Xi măng Hà Tiên II – Cần Thơ) đã thành công trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH). Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có thêm một doanh nghiệp nào áp dụng chương trình này. Vì sao SXSH chưa được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp?

CƠ QUAN CHỨC NĂNG, NGÂN HÀNG CHƯA HỖ TRỢ TỐT

Ông Trần Kiến Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên hiệp Kim Xuân, cho biết khi nhận được thư mời dự hội thảo về môi trường, ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác liền nghĩ ngay đến chuyện doanh nghiệp phải đầu tư thật nhiều tiền để áp dụng SXSH. Ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng Phòng phát triển sản xuất của Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ, nhớ lại: “Năm 2001, chấp hành sự phân công của lãnh đạo đơn vị, tôi tham dự đợt tập huấn về SXSH tại Trường Đại học Cần Thơ. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ tham dự cho vui, vì đơn vị khó có đủ tiền để áp dụng SXSH. Thế nhưng, chính đợt tập huấn này và các bước thực hiện tiếp theo đã giúp công ty chúng tôi tiết kiệm được nguyên vật liệu, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường ISO 14000”.

 Khuôn viên Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 - Cần Thơ rợp mát bóng cây xanh.

Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” đến chuyện áp dụng SXSH cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận là từ trước đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thường sử dụng biện pháp kiểm tra và xử lý các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Riêng việc giải thích, động viên và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường thì chưa được quan tâm đúng mức. Ông Minh kể: “Có một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc phải đầu tư khoảng 6 tỉ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 3.000m3/ngày đêm. Hàng tháng, doanh nghiệp này phải tốn gần 100 triệu đồng tiền điện để vận hành hệ thống này. Sau đó, một doanh nghiệp khác chỉ cần đầu tư 2 tỉ đồng là xây dựng được hệ thống xử lý nươc thải 3.000m3/ngày, tiền điện hàng tháng chỉ khoảng 20 triệu đồng”. Theo ông Minh, những rủi ro nói trên của doanh nghiệp do phải “tự bơi” trong chuyện lo vốn và chọn lựa công nghệ vì không được cơ quan chức năng tư vấn, giúp đỡ. Mặt khác, không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngại đầu tư vào các trang thiết bị bảo vệ môi trường mà hầu hết các ngân hàng cũng không “mặn mà” với việc cho vay vốn đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- Trường Đại học Cần Thơ, là người trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tiên ở Cần Thơ áp dụng chương trình SXSH. Thạc sĩ Hoàng nhận xét: “Chương trình SXSH chưa được sự hỗ trợ tốt từ chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan quản lý môi trường, quản lý công nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt cho các danh nghiệp tham gia”.

NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ NHÂN RỘNG

Hội thảo “Công nghiệp TP Cần Thơ áp dụng SXSH” diễn ra ngày 18-4-2008 thu hút đông đảo các nhà khoa học, những người làm công tác quản lý và các doanh nghiệp cùng tham dự. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cùng cho rằng doanh nghiệp không phải đầu tư quá nhiều tiền để áp dụng chương trình SXSH. Khi tham gia chương trình này, doanh nghiệp sẽ thu được hiệu quả kinh tế thiết thực từ việc sử dụng các loại nguyên, nhiên vật liệu hợp lý. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí xử lý môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động. Khi doanh nghiệp đạt được các mục đích trên sẽ là điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay.

Ông Trần Kiến Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên hiệp Kim Xuân, nói: “Những thông tin từ Hội thảo Công nghiệp TP Cần Thơ áp dụng SXSH giúp tôi hiểu rõ hơn về những lợi ích thiết thực khi tham gia chương trình SXSH. Doanh nghiệp chúng tôi sẽ áp dụng chương trình này trong thời gian tới. Cũng tại hội thảo này, tôi và Tiến sĩ Chế Đình Lý của Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã ký “hợp đồng miệng” trong việc hợp tác nghiên cứu sử dụng phế phẩm trong sản xuất đinh, để sản xuất ra một loại vật liệu xây dựng mới”. Ngoài Công ty Cổ phần Liên hiệp Kim Xuân, đại diện các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty liên doanh Thép Tây Đô, Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải cũng đã bày tỏ quyết tâm xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án trình UBND TP Cần Thơ hỗ trợ cho doanh nghiệp 50% chi phí áp dụng chương trình SXSH. Ông Lê Quang Minh cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc động viên, hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng SXSH”.

Bài, ảnh: Nhật Chánh

Theo Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), SXSH được hình thành đầu tiên trên thế giới vào khoảng năm 1990 bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc. SXSH là áp dụng liên tục chiến lược môi trường có tính phòng ngừa và tổng hợp đối với các tiến trình, các sản phẩm và các dịch vụ, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu những thiệt hại, rủi ro đối với con người và môi trường…

Chia sẻ bài viết