07/03/2019 - 05:42

Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu gạo “lạnh nhạt” thị trường nội địa? 

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo còn nhiều khó khăn, câu chuyện đẩy mạnh khai thác thị trường gạo nội địa đã được nhắc đến. Thế nhưng, vì sao những doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gạo lại “chê” phân khúc thị trường này?

Ai đang nắm giữ thị trường gạo nội địa?

Với dân số hơn 90 triệu người và gạo là loại lương thực chính được sử dụng, cho nên, hoạt động sản xuất và cung ứng gạo vào thị trường nội địa của nước ta vẫn diễn ra liên tục và khá sôi nổi, dù thị trường xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay đang rơi vào cảnh khó khăn. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra, đó là ai đang nắm giữ phân khúc thị trường này?

Phân khúc gạo thị trường gạo nội địa đang thiếu vắng bóng dáng doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu tham gia (Trong ảnh là sản phẩm gạo của một doanh nghiệp trưng bày tại một hội chợ). Ảnh: T.C

Phân khúc gạo thị trường gạo nội địa đang thiếu vắng bóng dáng doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu tham gia (Trong ảnh là sản phẩm gạo của một doanh nghiệp trưng bày tại một hội chợ). Ảnh: T.C

Dù chưa thấy có nhiều phân tích và báo cáo chuyên sâu, nhưng trao đổi với người viết, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc, đơn vị chuyên cung cấp gạo cho thị trường nội địa, khẳng định doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu gạo chưa thâm nhập được phân khúc thị trường này. “Bán gạo chợ (bán cho thị trường nội địa), thì doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trực tiếp tham gia xuất khẩu không bằng” - bà Yến nói.

Theo bà Yến, chiến lược của doanh nghiệp tham gia vào phân khúc xuất khẩu, đó là họ bán số lượng lớn, lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn tấn để kiếm lợi nhuận nhiều, trong khi đó, kinh doanh thị trường gạo nội địa có số lượng ít, chỉ vài tấn/vài trăm tấn, thậm chí vài trăm kí-lô-gam. “Còn xét về yếu tố chi phí, doanh nghiệp tham gia phân khúc xuất khẩu, chi phí của người ta lúc nào cũng cao hơn của hàng xáo kinh doanh gạo ở bên ngoài”, bà Yến dẫn chứng như gạo Đài Thơm 8, bà đang cung cấp với giá 8.100-8.200 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp tham gia phân khúc xuất khẩu không thể nào bán cạnh tranh được với giá đó.

Qua trao đổi với các thương lái/nhà máy chế biến gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho thấy, đường đi của hệ thống kênh phân phối gạo cho thị trường nội địa hiện đang được thực hiện chủ yếu như sau: Hộ nông dân- nhà máy xay xát- đại lý bán sỉ/lẻ- người tiêu dùng; hộ nông dân- nhà máy xay xát- thương lái bán buôn- đại lý bán sỉ/lẻ- người tiêu dùng. Điều này cũng khớp với khảo sát thực tế của của người viết khi các điểm bán lẻ gạo cho người tiêu dùng hầu như thiếu vắng các điểm bán và sản phẩm gạo của những tên tuổi có tham gia vào phân khúc thị trường xuất khẩu.

Nói như vậy không có nghĩa những tên tuổi tham gia vào phân khúc thị trường xuất khẩu hoàn toàn không có cửa hàng kinh doanh gạo nội địa, mà thực tế vẫn có. Thế nhưng, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, đơn vị trực tiếp tham gia xuất khẩu, cho rằng, những doanh nghiệp lớn như Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh hay những đơn vị có trực tiếp xuất khẩu khác cộng lại, thì ở khu vực TP Hồ Chí Minh có chưa đến 100 điểm bán gạo lẻ, trong khi có hàng nghìn cửa hàng, điểm bán gạo lẻ khắp ở các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh. “Điều này cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào phân khúc thị trường gạo nội địa là rất hạn chế” - ông Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp “lạnh nhạt” thị trường nội địa vì thuế

Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp xuất khẩu tham gia phân khúc gạo thị trường nội địa còn hạn chế, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thừa nhận, khai thác thị trường gạo nội địa khó hơn rất nhiều so với xuất khẩu. “Muốn cung cấp cho thị trường nội địa phải đầu tư lớn lắm và phải chỉn chu hơn nhiều so với xuất khẩu”, và ông giải thích doanh nghiệp phải đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị máy móc, rồi chủng loại, khẩu vị, tiêu chuẩn chất lượng…

“Ví dụ, hiện Tập đoàn Vingroup chọn Công ty Trung An cung cấp gạo để họ xây dựng thương hiệu gạo sạch Vineco, thì phải kiểm tra rất ngặt nghèo về vùng nguyên liệu trồng ở đâu và trồng theo tiêu chuẩn nào, quy trình ra làm sao, thì họ mới chọn”, và cho biết để bán được, thì đòi hỏi sản phẩm phải hợp khẩu vị của người tiêu dùng. “Sản phẩm sạch là tiêu chí đứng hàng đầu, nhưng nếu sạch mà gạo ăn cứng như đá, thì người tiêu dùng cũng đâu chọn”, ông Bình cho biết.

Ngoài đầu tư lớn, theo ông Bình, thuế cũng là một trong những yếu tố rất có ảnh hưởng đến câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào phân khúc thị trường gạo nội địa. “Bởi doanh nghiệp phải nộp thuế, còn ông hàng xáo không nộp thuế, thì ông hàng xáo vẫn tồn tại được”, cùng loại gạo Jasmine, doanh nghiệp bán 16.000 đồng/kg, trong khi hàng xáo bán 13.000 đồng/kg, cho nên, người tiêu dùng cũng đắn đo nên có bất lợi đó. “Vì vậy, nó là 1 trong những yếu tố khiến doanh nghiệp không mặn mà với thị trường nội địa”, ông Bình chia sẻ.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, cho biết thêm: Đối với phân khúc thị trường nội địa, thì hầu như những doanh nghiệp lớn không tham gia sâu vào được. “Các doanh nghiệp lớn giỏi lắm chỉ bán gạo vô siêu thị một ít và một ít mở của hàng bán lẻ nhưng tôi nghĩ số lượng đó không lớn”, ông nhận định.

“Vì sao họ không làm được?”, ông Tuấn nêu câu hỏi và khẳng định cái vướng mắc lớn nhất là thuế. “Bây giờ tụi tôi cũng sẵn sàng tham gia bằng cách cung ứng cho các đại lý bán gạo, nhưng mà bán không được bởi vì bán cho đại lý anh vẫn phải xuất hóa đơn 5%, trong khi những đơn vị này không phải là doanh nghiệp được khấu trừ thuế, mà là thuế khoán nên không đồng ý lấy hóa đơn”, ông cho biết và nói rằng, đó là lý do doanh nghiệp không tham gia được do giá bán ra không thể cạnh tranh với mức giá của hàng xáo.

Chính vì vậy, theo đề xuất của ông Tuấn, các đơn vị có liên quan cần có chính sách xem xét miễn, giảm 5% thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào phân khúc thị trường nội địa hoặc có cách xử lý thuế công bằng hơn giữa các đơn vị này với lực lượng hàng xáo bán gạo lẻ.

T.C

Chia sẻ bài viết