17/04/2022 - 18:55

Vì sao các chính khách Pakistan hay sử dụng “lá bài” chống Mỹ? 

HẠNH NGUYÊN (Theo DW)

Cựu Thủ tướng Imran Khan không phải là chính trị gia duy nhất ở Pakistan khai thác tâm lý thù oán Mỹ của dư luận nước này. Chỉ trích Washington lâu nay được cho là chiến lược hữu hiệu đối với giới lãnh đạo tại quốc gia Nam Á.

Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan biểu tình phản đối Mỹ tại thành phố Lahore. Ảnh: AP

Trước khi bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pakistan ngày 10-4, cựu Thủ tướng Imran Khan đã cố gắng duy trì quyền lực bằng cách tuyên bố một âm mưu do Mỹ hậu thuẫn đang tìm cách lật đổ chính phủ của ông. Kế hoạch này bất thành, nhưng lời lẽ chống Mỹ của ông đã thành công khi nhiều người ủng hộ xuống đường biểu tình phản đối “sự can thiệp từ nước ngoài”.

Sau khi mất chức, ông Khan cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ liên minh đối lập ở Pakistan thực hiện âm mưu “thay đổi chế độ”. Ông Khan còn mô tả ông Shehbaz Sharif, thủ tướng mới của Pakistan, là “con rối của Mỹ”. Ðáp lại, Washington bác bỏ những cáo buộc trên, trong khi phe đối lập tố ông Khan đưa ra những lời vu khống chính trị. Ðược biết, tân Thủ tướng Sharif đã cam kết tái cân bằng quan hệ với Mỹ.

Trong những thập niên qua, nhiều nhà lãnh đạo Pakistan đã cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước. Hồi thập niên 1970, Thủ tướng Zulfiqar Ali Bhutto từng cho rằng Mỹ vạch ra âm mưu nhằm phế truất ông. Ðến năm 2007, đỉnh điểm của “cuộc chiến chống khủng bố”, Tổng thống Pervez Musharraf lại đổ lỗi Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng an ninh tại các khu vực bộ lạc của Pakistan. Vụ đặc nhiệm Mỹ đơn phương đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Abbottabad năm 2011 càng làm mất lòng tin trong dân chúng Pakistan. Phía Washington tố ngược quân đội Pakistan chứa chấp tên khủng bố bị Mỹ truy nã gắt gao nhất này. Các đảng tôn giáo của Pakistan thì coi Mỹ là mối đe dọa đối với thế giới Hồi giáo.

Husain Haqqani, Giám đốc phụ trách khu vực Nam và Trung Á tại Viện Hudson (Mỹ), nhận định lời lẽ chống Mỹ thường được sử dụng để chuyển hướng quan tâm của dư luận sang mối đe dọa bên ngoài, thay vì những thất bại trong nước. “Các thuyết âm mưu thịnh hành bởi vì chúng giúp những người thiếu năng lực cảm thấy sự bất lực của họ không phải do bản thân không hoàn thành nhiệm vụ mà bởi ai đó khiến cho họ trở nên như thế”, ông Haqqani lý giải.

Cựu Thủ tướng Khan đã đẩy mạnh những phát biểu chống Mỹ ở thời điểm kinh tế Pakistan đang lao dốc. Phe đối lập cáo buộc ông Khan có hành vi tham nhũng và sai lầm trong điều hành kinh tế đất nước, khiến đồng tiền Pakistan suy yếu và gây ra lạm phát. Cựu lãnh đạo 69 tuổi này phủ nhận mọi cáo buộc.

Với việc Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành đồng minh thân cận nhất của Pakistan, đồng thời Bắc Kinh cũng là đối thủ chính của Mỹ, chưa rõ quan hệ Washington - Islamabad sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngờ thái độ “không thân thiện” với Mỹ ở Pakistan sẽ gây khó cho quan hệ song phương trong thời gian dài.

Chia sẻ bài viết