04/11/2023 - 19:38

Vì sao Ấn Độ không “ngã về” phương Tây? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Sự mâu thuẫn sâu sắc giữa Canada và Ấn Ðộ sau khi Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng New Delhi phải chịu trách nhiệm về vụ thủ lĩnh ly khai theo đạo Sikh người Canada Hardeep Singh Nijjar bị sát hại hồi tháng 6 cho thấy một sự thật là mối quan tâm của phương Tây đối với nền dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phần lớn chỉ là lời nói suông.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 23-6. Ảnh: AP

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 23-6. Ảnh: AP

Theo đó, các đồng minh phương Tây của Canada đã đưa ra một số hỗ trợ dành cho Ottawa trong cuộc đối đầu với New Delhi nhưng chỉ ở mức rất hạn chế, bởi Ấn Ðộ hiện giữ vai trò rất quan trọng đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trong bối cảnh Ấn Ðộ đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới tính theo sức mua tương đương, Mỹ cố gắng chuyển hướng các nguồn lực và chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang Ấn Ðộ.

Theo giới phân tích, Ấn Ðộ như hiểu được điều này và đang tận dụng tối đa vị thế của mình trong ván cờ địa chính trị, cố gắng giành được sự ủng hộ từ phương Tây trong khi vẫn tập trung thúc đẩy lợi ích của nước này. Theo đó, Ấn Ðộ chấp nhận sự hỗ trợ về kinh tế, quân sự và công nghệ của phương Tây để nước này có thể thu hẹp khoảng cách to lớn về sự giàu có, cơ sở hạ tầng và sự phát triển tổng thể với Trung Quốc.

Song, Ấn Ðộ tỏ ra không quan tâm đối với việc duy trì sự thống trị của phương Tây trong hệ thống toàn cầu. Trái lại, New Delhi theo đuổi lợi ích riêng của nước này. Dù Ấn Ðộ và Trung Quốc có tranh chấp tại khu vực biên giới và thường xuyên xảy ra xung đột về mặt quân sự nhưng cả New Delhi và Bắc Kinh đều hiểu rằng họ vẫn sẽ mãi mãi là láng giềng và quan hệ của họ sẽ cùng có lợi nếu họ có thể tìm ra giải pháp ngoại giao cho xung đột. Dù điều này “nói dễ hơn làm” nhưng cả 2 nước trong quá khứ từng cho thấy sự cải thiện trong quan hệ đôi bên và có mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển. Hầu hết người dân Ấn Ðộ nhận thấy rằng việc trở thành đối thủ của Trung Quốc không mang lại lợi ích gì cho nước này. Ngược lại, quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo động lực cho Bắc Kinh cải thiện quan hệ với New Delhi.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng có thời điểm các quốc gia trong khu vực sẽ cảm thấy buộc phải đưa ra lựa chọn là đứng về phía Trung Quốc hoặc phía Mỹ nhưng mức độ mà cả 2 bên có thể đối đầu với bên kia sẽ ở một giới hạn nào đó. Căng thẳng giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc có lợi cho lợi ích của Mỹ. Nếu Mỹ thành công “lôi kéo” Ấn Ðộ thì cuối cùng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ Ấn Ðộ. Ngược lại, nếu New Delhi và Bắc Kinh có thể giải quyết được những khác biệt và chọn cách hợp tác cùng nhau hoặc ít nhất là không đối đầu nhau thì điều này sẽ làm phức tạp những lợi ích đó của Washington. Dù điều này hiện có vẻ khó xảy ra nhưng mối quan hệ hài hòa giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ thực sự có khả năng thành hiện thực.

Rõ ràng, Ấn Ðộ không chịu “ngã về” phương Tây và có tham vọng riêng trong khu vực.

Chia sẻ bài viết