01/12/2012 - 16:48

Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS 1-12

Vì một thế giới “3 không”

Mọi nỗ lực ngăn ngừa và phòng chống HIV/AIDS đều hướng tới mục tiêu một thế giới không có AIDS. Ảnh: CNN

"Getting to zero"- "Hướng tới mục tiêu 3 không: không có ca nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không kỳ thị người có HIV/AIDS" là chủ đề mà chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) dùng cho các chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015. Trong một tín hiệu khả quan, báo cáo do UNAIDS công bố gần đây cho thấy, số ca lây nhiễm mới HIV/AIDS trong vòng 10 năm qua tại 25 quốc gia nghèo và thu nhập trung bình trên thế giới đã giảm gần một nửa và có xu hướng giảm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Những kết quả đáng khích lệ

Báo cáo về những tiến bộ đã đạt được trong công tác phòng chống "căn bệnh thế kỷ", các quan chức y tế quốc tế cho biết không chỉ số lượng các ca nhiễm HIV mới sụt giảm mà số bệnh nhân được tham gia điều trị căn bệnh này cũng gia tăng đáng kể, giúp giảm 1/3 số ca tử vong liên quan đến AIDS trong vòng 6 năm qua.

Theo UNAIDS, số người tử vong do AIDS trên toàn thế giới trong năm 2011 đã giảm 500.000 người so với năm 2005, trong đó nổi bật nhất là những dấu hiệu đáng lạc quan ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng từ HIV/AIDS nặng nề nhất thế giới. Cụ thể, tỷ lệ người nhiễm mới HIV đã giảm 73% ở Malawi, 71% ở Botswana, 68% ở Namibia, 58% ở Zambia, 50% ở Zimbabwe và 41% ở Nam Phi và Swaziland kể từ năm 2001. Bên cạnh đó, số lượng người tiếp nhận điều trị với chủng loại thuốc kháng vi-rút nhằm ngăn chặn HIV đã tăng lên khoảng 60% chỉ trong vòng 2 năm qua. Ở Nam Phi, người được điều trị đã tăng lên 75%, đồng nghĩa có thêm 1,7 triệu người được chăm sóc với những liệu pháp thích hợp. Ngoài ra, một số khu vực khác cũng đang làm tốt công tác phòng chống bệnh như Nam Phi và vùng Caribbe, Barbados, Campuchia, Cộng hòa Dominica, Éthiopie, Ấn Độ, Papua New Guinea...

Tiến sĩ Bernhard Schwartlander thuộc UNAIDS nói rằng, những con số trên "rất ấn tượng", đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp nhưng phải quản lý số lượng lớn các ca nhiễm HIV như Malawi. Theo ông, tiến bộ trên có được là nhờ đóng góp của các nguồn lực trong nước và quốc tế trong cam kết phòng chống HIV/AIDS cũng như việc đơn giản hóa các phương pháp điều trị nhằm giúp nhiều bệnh nhân tiếp cận với thuốc chữa bệnh giá rẻ. Ngoài tiếp tục ngăn chặn lây nhiễm ở các nhóm có nguy cơ cao như người có quan hệ đồng giới, gái mại dâm và người sử dụng ma túy, nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con cũng đạt kết quả tích cực, với số ca nhiễm mới HIV ở trẻ em trên toàn cầu giảm 24%, riêng một số quốc gia ở châu Phi giảm 40%, từ 550.000 xuống còn 330.000 ca.

Nhưng chưa thực sự bền vững

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, báo cáo thường niên của UNAIDS cũng cho rằng triển vọng giành thắng lợi trong cuộc chiến chống HIV/AIDS vẫn còn khá xa. Theo ước tính, trên thế giới hiện vẫn còn 34 triệu người sống chung với HIV/AIDS với 2,5 triệu ca nhiễm mới và 1,7 triệu ca tử vong/năm, trong khi chỉ có có 1,4 triệu bệnh nhân được tiếp nhận phương pháp điều trị lần đầu.

Có nhiều yếu tố khiến đại dịch vẫn phát triển và đe dọa thành quả có được. Thứ nhất là vấn đề chuẩn mực xã hội. Nguy cơ lây lan nhanh vẫn hiện hữu ở các quốc gia mà xã hội thường tội phạm hóa các hành vi phi truyền thống. Ví dụ, tại một số nước Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi, quan hệ đồng tính bị xem là bất hợp pháp, do đó, những người thuộc giới tính thứ 3 – đối tượng chiếm đa số trong các ca nhiễm mới – không dám công khai và không được tiếp cận các biện pháp phòng bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tăng cao ở khu vực Đông Âu và Trung Á chủ yếu là do vấn nạn ma túy vì ở những khu vực này, việc cai nghiện bằng methadone đôi khi bị xem là bất hợp pháp. Ngoài ra, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu hiểu biết về biện pháp phòng tránh cũng "đóng góp" không ít vào số ca nhiễm mới HIV/AIDS trên toàn cầu. Nỗ lực thay đổi hành vi của cộng đồng là vấn đề khó khăn và phức tạp bởi "nó liên quan đến kiến thức, động cơ và khả năng quyết định, những nhân tố thường bị tác động bởi các chuẩn mực văn hóa xã hội…", báo cáo nhận xét.

Thứ hai là vấn đề tài chính. Tại một số quốc gia đang gánh hậu quả nặng nề từ đại dịch HIV/AIDS, các chương trình nhằm thay đổi hành vi xã hội như phát bao cao su chỉ nhận được 5% nguồn vốn tài trợ. Một vấn đề nhức nhối nữa là phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS không nhận được thuốc kháng vi-rút trong giai đoạn cho con bú sau khi sinh dẫn đến kết quả có thêm 330.000 trẻ sơ sinh xét nghiệm dương tính với HIV, với 90% trong đó thuộc khu vực cận sa mạc Sahara. "Trong 10 năm qua, cuộc chiến chống HIV/AIDS đã có những tiến bộ, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả cao nhất. Và thật đáng buồn khi trở ngại lớn nhất liên quan đến tiền bạc" – Mitchell Warren, giám đốc điều hành nhóm vận động phòng chống AIDS AVAC cho biết. Được biết, hai nguồn tài trợ quan trọng nhất trong cuộc chiến này là từ Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét cùng với Quỹ Giảm nhẹ tác động do AIDS của Tổng thống Mỹ (PEPFAR). Năm ngoái, hai tổ chức này đóng góp 16,8 tỉ USD để phòng chống HIV/AIDS, trong khi nhu cầu thực tế ước tính cần tới 22-24 tỉ USD/năm.

Cần đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế căn bệnh

Trước những thách thức nêu trên, Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibé vẫn tin rằng chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để chuyển từ "thất vọng sang hy vọng". Theo ông, yếu tố quan trọng nhất để phòng chống HIV/AIDS không đơn thuần là treo áp phích hay khẩu hiệu tuyên truyền, mà nên đẩy mạnh hơn nữa việc tập trung ngăn ngừa và điều trị cho các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như trẻ em có mẹ nhiễm HIV, người đồng tính, người nghiện ma túy và gái mại dâm. Ngoài ra, cần tăng cường việc giáo dục về tình dục an toàn và sử dụng bao cao su như đã thành công ở một số nước từng chịu ảnh hưởng nặng nề như Kenya, Malawi, Mozambique, Namibia, Nigérie và Zambia.

Nỗ lực nghiên cứu thuốc ngăn ngừa và chữa bệnh đang có nhiều tiến triển. Công ty chăm sóc sức khỏe ViiV thuộc 2 hãng dược phẩm GlaxoSmithKline và Pfizer vừa công bố kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc dolutegravir của họ có khả năng ngăn chặn ADN của vi-rút tích hợp với các tế bào T, bước quan trọng trong chu kỳ sao chép của HIV. Hồi tháng 8, Cục quản lý Dược-Thực phẩm Mỹ đã phê chuẩn thuốc Stribild chứa đủ thành phần dược liệu nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt lượng thuốc phải uống mỗi ngày. Các nhà khoa học Úc mới đây còn phát hiện loại thuốc disulfiram trị chứng nghiện rượu có khả năng phát lộ các tế bào nhiễm HIV tiềm ẩn và đang nghiên cứu sâu hơn để tìm cách loại bỏ chúng. "Nghiên cứu này cung cấp thêm nhiều hiểu biết về tiềm năng đẩy lùi dịch bệnh cũng như nhắm tới mục tiêu phát triển nhanh liệu pháp kháng vi-rút (AVR) mới", Quỹ nghiên cứu AIDS Mỹ (amFAR) hy vọng.

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết