27/01/2019 - 10:46

Venezuela trong ván cờ của John Bolton 

Tình hình chính trị căng thẳng cực độ tại Venezuela không bất ngờ bùng nổ mà được phát triển nóng dần kể từ khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đăng đàn “điểm danh” 3 chính quyền cần bị “chống phá” là Cuba, Venezuela và Nicaragua hồi tháng 11-2018.

Hành trình chính trị       

Trong bài phát biểu tại Miami, nơi có đông người nhập cư Cuba và Venezuela, ông Bolton cam đoan rằng Mỹ sẽ triệt hạ “bộ ba chuyên chế” vùng Tây bán cầu. Thời điểm này, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn mơ hồ trước quyết định làm thế nào để đối đầu với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Chính ông Bolton đã bổ nhiệm Mauricio Claver-Carone làm cố vấn các vấn đề  Mỹ Latinh của Nhà Trắng. Người này nổi tiếng cứng rắn chống Cuba và cực lực phản đối cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama xích lại gần với Habana. Phó Tổng thống Mike Pence cũng hăng hái trong vấn đề Venezuela và đã thúc đẩy nhiều nghị sĩ diều hâu chống Maduro hưởng ứng, trong đó có thượng nghị sĩ Marco Rubio. Theo Reuters, ông Rubio được coi là nhân vật đóng vai trò trung tâm thuyết phục Tổng thống Trump gia tăng sức ép lên chính quyền Maduro.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người được coi có “trách nhiệm đặc biệt” trong vấn đề Venezuela. Ảnh: Getty Images

Trước khi Juan Guaido tự phong mình là “tổng thống lâm thời” của Venezuela hôm 23-1, nhiều quan chức cấp cao chính quyền Mỹ, bao gồm Pence, Bolton và Claver-Carone đã tất bật gọi điện cho hàng loạt lãnh đạo quốc gia Mỹ Latinh nhằm đảm bảo sự ủng hộ của họ dành cho nhà lãnh đạo trẻ mới 35 tuổi. Ông Guaido cũng gọi điện cho giới chức cấp cao Nhà Trắng và nhận được sự khích lệ cho ý định trở thành tổng thống. Vị kỹ sư công nghiệp từng tham gia phong trào chính trị do sinh viên lãnh đạo này mới được Quốc hội Venezuela (bị Tòa án Tối cao tuyên bố vô hiệu) bầu làm chủ tịch ngày 5-1. Theo hãng tin AP, ông Guaido hồi giữa tháng 12 năm ngoái cũng đã bí mật đi qua Mỹ, Colombia và Brazil để tìm kiếm sự hậu thuẫn cho chiến lược chính trị của mình khi Tổng thống Maduro nhậm chức nhiệm kỳ hai ngày 10-1. Giới chức tại Washington cho rằng dù vô danh trong đời sống chính trị tại Venezuela nhưng ông Guaido đáng được tin cậy và có thể hợp tác khi từng theo học tại Mỹ.

Việc chủ nhân Nhà Trắng vội vàng công nhận Guaido là “tổng thống lâm thời” của Venezuela và kêu gọi các nước khác làm điều tương tự cho thấy đây là bước đi quyết đoán khác thường so với những cách  tiếp cận lộn xộn của ông Trump trước các quyết sách đối ngoại như với Iran, Syria. Sự quyết liệt này của ông Trump được cho  bởi sự tác động mạnh của Cố vấn an ninh quốc gia Bolton, người cũng vừa đề xuất cần chuyển nguồn thu dầu mỏ của chính quyền Maduro sang cho chính quyền mới Guaido. Rõ ràng, sự bất ổn chính trị leo thang hiện nay tại Venezuela nằm trong ván cờ mà ông Bolton dựng ra cho Tây bán cầu cách đây vài tháng.

Lựa chọn khó khăn

Hiện tại, chính quyền Trump không mạo hiểm cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ. Việc chuyển nguồn thu dầu mỏ của Venezuela cho “tổng thống tự phong” Guaido lại rất phức tạp như thừa nhận của Cố vấn Bolton. Can thiệp quân sự được coi là giải pháp bất khả thi. Jason Marczak, Giám đốc trung tâm Mỹ Latinh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho rằng Washington nên hỗ trợ an ninh cho chính quyền Guaido và chờ thời cơ.

Phát biểu trước báo giới hôm 25-1, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador khẳng định nước này sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela để tìm kiếm đối thoại và giải pháp hòa bình trong trường hợp các bên liên quan ở Venezuela đề nghị. Mexico là một trong số những nước tại khu vực Mỹ Latinh không công nhận vai trò “tổng thống lâm thời” tự phong của ông Guaido. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ định nhà ngoại giao Elliott Abrams làm đặc phái viên cho tiến trình “khôi phục dân chủ” tại Venezuela. Trước mắt, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mong muốn có cuộc bầu cử mới ở Venezuela.

Giới phân tích cho rằng ông Guaido chỉ có thể lên nắm quyền khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, quân đội và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quân đội khó lòng thay đổi lập trường hậu thuẫn Tổng thống Maduro, truyền nhân của cố Tổng thống Hugo Chavez. Các tướng lĩnh quân đội Venezuela hiện giữ 9 trên tổng số 32 bộ trưởng nội các, trong đó có các bộ then chốt như quốc phòng, nội vụ, các cơ quan tình báo, nông nghiệp và lương thực, tập đoàn dầu mỏ quốc gia PDVSA. Tập đoàn này giữ vai trò cực kỳ quan trọng tại đất nước mà dầu thô chiếm tới 96% nguồn thu. Ngoài ra, quân đội có một kênh truyền hình, ngân hàng và nhà máy rắp ráp ô tô. Tổng thống Maduro còn nhận được sự tín nhiệm của Tòa án Tối cao, Hội đồng Lập hiến và Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Trên bình diện quốc tế, Mỹ đang ráo riết vận động thêm nhiều nước công nhận ông Guaido là tổng thống Venezuela nhân cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 26-1 với sự có mặt của Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza. Thế nhưng, sự ủng hộ chế độ Maduro của Nga và Trung Quốc sẽ rất mạnh mẽ, do trước hết Bắc Kinh đang sở hữu 20 tỉ USD tại Venezuela, trong khi Mát-xcơ-va là nhà tín dụng lớn thứ hai và là cung cấp vũ khí lớn nhất cho Caracas. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc chính sách của Mỹ đối với Venezuela mang tính “phá hoại”. Reuters ngày 26-1 cho biết Tổng thống Maduro hiện đang được các nhà thầu quân sự tư nhân Nga bảo vệ trước mối đe dọa an ninh từ thế lực tình báo bên ngoài.

Riêng ông Guaido đã bác bỏ đề xuất “đối thoại giả tạo” của Tổng thống Maduro và tiếp tục kêu gọi người dân tham gia chiến dịch biểu tình quy lớn. Xuống đường rầm rộ có thể cách ông Guaido khiêu khích lực lượng an ninh và từ đó có thể tạo ra bạo lực đẫm máu nhằm lôi kéo sự hỗ trợ thiết thực của Mỹ và các nước khác. Mỹ đã cảnh báo sẽ có hậu quả lớn nếu Venezuela sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết