30/09/2024 - 13:04

Về quê khởi nghiệp 

“Từng trải qua hơn 15 năm tha hương mưu sinh, tôi thấu hiểu nỗi niềm không đâu bằng quê nhà. Vì vậy, khi có điều kiện, tôi vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp, mở cơ sở may gia công để tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho người lao động”. Anh Võ Trầm Hương, 36 tuổi, chủ cơ sở may gia công, ấp Thới Bình A2, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, bộc bạch về “cơ duyên” với nghề.   

 

Anh Trầm Hương (bên phải) giới thiệu sản phẩm cơ sở nhận may gia công.

Vừa đôn đốc công nhân may khẩn trương để kịp giao hàng đợt chiều, anh Hương kiểm tra kỹ lưỡng từng sản phẩm mới đưa sang bộ phận đóng gói. Theo anh Hương, để đảm bảo chất lượng, uy tín, khâu kiểm tra thành phẩm rất quan trọng. Nếu sản phẩm bị lỗi, anh Hương giao công nhân chỉnh sửa lại, bởi có như vậy, việc hợp tác gia công hàng mới lâu dài, bền vững. Anh Hương kể, do gia cảnh khó khăn nên việc học hành dở dang. Năm 18 tuổi, anh rời quê đến các tỉnh, thành tìm việc làm. Anh Hương làm công nhân, rồi quản lý xưởng may cho công ty ở TP Hồ Chí Minh. Sau biến cố gia đình, anh Hương trở về quê trông coi nhà cửa, vào làm quản lý cho công ty may ở khu công nghiệp Trà Nóc gần 2 năm thì nghỉ việc, chuẩn bị thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.

Đầu năm 2024, với số vốn tích lũy, kỹ thuật nghề, kinh nghiệm quản lý, anh Hương mở cơ sở gia công tại nhà. Do nguồn vốn hạn chế nên anh tập trung trang bị dàn máy may công nghiệp, một số thiết bị, vật dụng cần thiết. Đồng thời, anh tuyển lao động có hoặc chưa có tay nghề, anh trực tiếp hướng dẫn từ việc sử dụng máy, chi tiết may công đoạn đến đóng gói thành phẩm. Anh Hương chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi gặp một số khó khăn, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục, vay vốn ưu đãi 70 triệu đồng, thông tin tuyển lao động nên hoạt động dần đi vào nền nếp”.

Hiện anh Hương quản lý trên 40 lao động gia công đơn hàng áo thun cho một công ty may mặc. Theo hợp đồng, mỗi ngày, cơ sở phải giao 3 đợt, với 1.200 sản phẩm. Để đảm bảo tiến độ, anh Hương yêu cầu công nhân tuân thủ một số quy định về giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ phép, tăng ca… Khoảng 3 tháng nay, chị Lê Thị Kim Huệ, ấp Thới Bình B, thường xuyên tăng ca để kịp tiến độ giao hàng. Chị Huệ kể, trước đây, chị làm kế toán hợp tác xã nông nghiệp nhưng đã giải thể nên chị Huệ lâm cảnh mất việc. Do biết nghề may, chị Huệ nhận ráp giỏ xách để có đồng ra đồng vào, chờ tìm việc làm khác. Chị vào làm ở cơ sở may anh Hương từ lúc mới thành lập. Chị Huệ cho biết: “Làm việc gần nhà ít chi tiêu tốn kém, tôi chịu khó tăng ca nên thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng. Tôi rất vui vì có việc làm, thu nhập chăm lo gia đình, các con ăn học”.

Anh Hương cho biết, mấy tháng nay, anh thuê mặt bằng nhà đối diện để lắp đặt dàn máy may, đảm bảo tiến độ, năng suất lao động. Thấu hiểu tâm lý và để “giữ chân” người lao động, anh Hương luôn tạo không khí làm việc vui vẻ, thoải mái và đảm bảo thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, tùy tay nghề. Anh Hương tổ chức phục vụ bữa cơm chiều cho người lao động tăng ca. Theo anh Hương, nguồn hàng gia công hiện đều đặn, dồi dào. Thời gian tới, công ty đề nghị cơ sở tăng sản lượng từ 1.600-1.700 sản phẩm/ngày, nên cần tuyển thêm 15 lao động. Anh Hương mong muốn được ngành chức năng hỗ trợ tăng nguồn vốn vay để có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất, đảm bảo năng suất, tạo việc làm cho nhiều lao động.    

Ông Phạm Văn Kiệt, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Lai, cho biết: “Cơ sở may gia công của anh Hương đã phát huy hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, giúp nhiều lao động trên địa bàn xã có việc làm, thu nhập ổn định. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sớm phối hợp hội, đoàn thể xã giải quyết nhu cầu tăng vốn vay để anh Hương mở rộng cơ sở, mua sắm thiết bị, vật dụng, thu hút thêm nhiều lao động tại chỗ”.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết