Truyện ngắn: Hồng Như
Ba mẹ dọn về nhà mới ngót đã ba năm, anh cũng thường xuyên về đây. Tết năm ngoái, trong lúc ít việc, anh cũng ở nhà cả tháng. Vậy mà, trong tất cả những giấc mơ chập chờn, anh chỉ thấy mình tại nhà cũ. Mọi chi tiết, ngóc ngách của căn nhà vẫn vẹn nguyên, hiển hiện trong anh.
“Không ngờ, lần đầu tiên xa nhà cũng là lần cuối cùng” - Anh cứ day dứt mãi như thế. Năm 18 tuổi, cầm giấy báo nhập học của ngôi trường danh tiếng bậc nhất thành phố, anh rời nhà, xa quê với biết bao háo hức và hoài bão. Ba mẹ kỳ vọng nhiều vào con trai, đều đặn gửi tiền học phí, sinh hoạt phí để những năm đầu ở phố, anh chỉ cần tập trung học tập.
Giữa năm hai đại học, anh nhận tin dữ. Sau nhiều lần thăm khám bởi những cơn đau kéo dài, bác sĩ kết luận mẹ anh đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh ung thư, cần chuyển lên tuyến trên để phẫu thuật kịp thời. Kết thúc cuộc gọi, ba nói: “Ba mẹ bán nhà, giá cả đã chốt xong!”. Khoảnh khắc ấy, anh chỉ biết “dạ”. Anh biết, nhà cửa đất đai ông bà tổ tiên để lại, ba mẹ quý lắm. Để đi đến quyết định này, chắc hẳn ba mẹ cũng đã cân nhắc và khó xử rất nhiều.
Hiện đã 10 năm anh xa nhà, 8 năm mẹ mắc bệnh, mọi thứ đã trở về quỹ đạo ban đầu. Nhờ chạy chữa kịp thời, mẹ may mắn vượt qua bệnh tật. Với sự cần cù, chịu cực của ba và tài vun vén, sắp xếp của mẹ, sau những năm ở trọ, ba mẹ đã mua được đất, cất được nhà mới, khang trang. Không ít lần anh nghĩ, dù có tấm bằng đại học loại giỏi, dù là kỹ sư, nhưng anh khó mà làm được như ba mẹ. Mua được căn chung cư ở ven thành phố đang là mục tiêu anh chưa thể chạm tới. Tuổi 28 anh vẫn chông chênh với nhiều dự định và những kế hoạch...
“Hay là về quê đi con, nhà cửa đã có, chịu khó chăm bón thì mảnh vườn nhỏ sau nhà cũng đủ để vợ chồng cơm ngày ba bữa”, đâu đó trong những cuộc gọi gần đây, mẹ cứ bóng gió chuyện vợ con rồi lại mong anh về nhà. Hơn ai hết, anh biết phố không dành cho anh, anh cũng không thuộc về nơi đây. 10 năm, cả học và làm trôi qua như cái chớp mắt. Khi thấy vài sợi tóc của mình ngả bạc, tóc ba tóc mẹ cũng ít dần những sợi đen, anh nhận ra những vội vã của thời gian.
* * *
Gần đây anh được cân nhắc lên vị trí quản lý, dưới anh cũng hơn 10 nhân sự, cuối năm các dự án nhiều và yêu cầu cao hơn nên cả công ty đều dồn hết tốc lực để hoàn thành. Những cuộc gọi về nhà cứ thưa dần, ba mẹ gọi đến anh cũng nghe qua loa rồi nói sẽ gọi lại sau. Nhưng sau đó, anh lại cần ngủ vì đã mệt nhoài mười mấy tiếng ở văn phòng, rồi phải xử lý báo cáo của đồng nghiệp, phải gặp khách hàng, cứ bị cuốn mãi với những công việc đính kèm từ “GẤP”.
Anh ngồi đó, giữa bàn tròn của cuộc họp, máy chiếu chuyển mãi những bản vẽ, những chi tiết kỹ thuật; đồng nghiệp luân phiên trình bày và phản biện; anh nhìn miết vào màn hình với ánh sáng và những hình ảnh chuyển động tuần tự. Đâu đó anh thấy mình của những ngày tuổi thơ, dưới ánh sáng gay gắt của nắng buổi trưa, anh đứng giữa vòng tròn của những đứa trẻ trong xóm, đưa tay bịt mắt đếm từ 1 đến 10, rồi quờ quạng kiếm tìm trong tiếng cười giòn giã. Nhiệm vụ của anh là tìm và nói đúng tên đứa bạn là “dê” để bạn đổi vai cho mình trong trò “Bịt mắt bắt dê”.
Hay với trò đánh trận giả, cứ cuối tuần cả đám trẻ sẽ trốn ngủ trưa, hẹn nhau trước bãi lau sậy trước nhà anh. Đứa nào cũng dùng hết sức lực để có thể bứt cả thân lẫn rễ của cây cỏ lau, làm cờ ra trận. Anh cứ luồn lách giữa đám cỏ, cố chọn nhánh cỏ vừa tay nhất để có thể vừa hiên ngang cầm “cờ” vừa “đánh trận” dù mình trần chân đất.
Nhưng rồi sau những trận thắng thật lớn, được bạn bè tôn sùng như “tướng quân”, khi trở về nhà anh lại lén lút, cố giấu mẹ những vết chi chít trên người. Cậu nhóc sáu, bảy tuổi năm đó luôn cảm thấy mình thật dũng cảm, khi nghiến chặt răng, xối dòng nước giếng mát lành lên thân hình đau rát những vết xước cỏ lau. Để đám trẻ thôi dang nắng, dầm mưa đánh trận, ba và các bác trong xóm đã chặt hết bãi cỏ và gieo xuống đám hoa mười giờ, sáng nở tối tàn.
Đâu đó, anh lại thấy mình nằm đong đưa trên chiếc võng vắt ngang nhà, tiếng mấy đứa bạn ồn ã, giục giã ngoài bờ rào. Sau hôm “xưng tướng”, không chỉ những vết xước ngoài da, anh còn sốt liền mấy ngày, khiến mẹ phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc. Vậy là ba mẹ cấm, không cho anh đi chơi, tan học phải về nhà ngay, phải ngủ trưa và phụ mẹ quét nhà, rửa chén, bắc nồi cơm. Anh khóc rấm rứt cả đêm đó nhưng cũng chẳng dám cãi lời.
Đâu đó trong những buổi trưa vắt vẻo, khó ngủ, anh đưa mắt đếm số miếng ngói trên nóc nhà, cây cột cây kèo cũng được anh đếm nốt. Bạn bè gọi mãi không được nên bỏ đi hết, anh lủi thủi làm hết việc mẹ giao rồi lại ra sân thủ thỉ, than vãn với cây mít, cây xoài ba trồng. Hôm thấy quả mít non đầu tiên thành hình, anh đã vui suốt buổi chiều. Ba mẹ vừa về đến bờ rào, anh đã vội chạy ra khoe: “Cây mít có trái là nhờ con tưới nước và trò chuyện mỗi ngày!”.
Những bữa cơm rôm rả chuyện trường lớp của anh, công việc của ba mẹ; những đêm dài trằn trọc, anh nghe tiếng mẹ tính toán chi tiêu, tiếng ba chậm rãi châm trà hay những hôm mưa to bất chợt, cả nhà cuống quýt tìm thau, tìm xô hứng nước… thi thoảng vẫn hiện về trong những giấc mơ của anh.
Giật mình vì tiếng gọi của đồng nghiệp hay tiếng báo thức vào mỗi sáng, anh thấy tim đập thật nhanh. Chới với và lạc lõng. Sau mỗi giấc mơ về tuổi thơ, về những kỷ niệm trong căn nhà cũ, anh cảm giác như vừa vụt mất một điều gì đó rất quan trọng và thiêng liêng của cuộc đời, phải mất một khoảng thật lâu anh mới bình tĩnh và tạm gác chúng lại.
Hương - bạn thân của anh và cũng là bác sĩ tâm lý, cho rằng anh đang gặp triệu chứng “Nostalgia”, hiểu nôm na theo nghĩa tiếng Việt là hoài niệm, là cảm giác khao khát những sự vật, sự việc thuộc về quá khứ. Hương nói: “Có thể là từ nội tâm, anh vừa mong muốn trở về nhà, nhưng vừa sợ rằng sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy nơi đó”. Và thật vậy, cảm giác lần đầu rời đi và không thể trở về được nữa là nỗi đau, nỗi ám ảnh lớn trong anh, suốt nhiều năm nay.
- Về nhà đi anh. Về nơi có ba, có mẹ, rồi sẽ có tất cả những điều anh mong.
Lời Hương nói cứ vang trong đầu anh.
Những mảnh ghép của tuổi thơ, những người bạn, những lần rượt đuổi, những ngóc ngách trong nhà, những cây mít, cây xoài, cái giếng, bờ rào, hình ảnh ba, mẹ những ngày cần lao; rồi những kế hoạch, dự định trong công việc, những mối quan hệ, những lời ngợi khen, những lần được vinh danh… tất cả cứ lần lượt, lần lượt cuộn về như những thước phim, có cả trắng đen và sắc nét nhiều màu. Anh biết, mắt mình dần khép lại, hơi thở dần đều, anh để mặc mọi thứ cứ tự nhiên hiển hiện...