“Nghệ Tĩnh mình ơi sông Lam rọi núi Hồng. Bạn về theo bạn đào núi ngăn sông. Đất trời như vẫn vang vang lời trống giục. Mặt hồ lay động nên sóng mênh mông. Từng đàn cá lội cây lúa thêm nặng bông...”. Theo lời ca “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, chúng tôi tìm về hồ Kẻ Gỗ...
“Đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt”
Từ TP Vinh, tỉnh Nghệ An, mất khoảng 1 giờ 30 phút ngồi xe, chúng tôi đã đến với hồ Kẻ Gỗ. Trước mắt chúng tôi là mênh mông nước, mênh mông trời, mênh mông rừng núi, đúng như những gì mà vị nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý đã miêu tả.
Nét đẹp hồ Kẻ Gỗ.
Anh Lưu Như Hải, quản lý Trạm công trình đầu mối Kẻ Gỗ, Công ty TNHH MTV Nam Hà Tĩnh, đội mưa ra chào và dẫn chúng tôi tham quan hồ Kẻ Gỗ. Anh Hải nói: “Tiếc quá, các bác từ Cần Thơ ra nhưng lại không đúng mùa nước cao, lòng hồ giờ cạn lắm. Khi mực nước đạt đỉnh, nước mênh mông, cảnh vật thơ mộng như tranh các bác ạ!”. Chẳng sao, với chúng tôi - những người lần đầu đến hồ Kẻ Gỗ, cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, mênh mông và hùng vĩ đã đủ choáng ngợp.
Được biết, việc xây hồ Kẻ Gỗ đã được người Pháp thiết kế và chuẩn bị xây dựng vào những năm 1930 nhưng không thể thực hiện. Đến cuối năm 1974, giữa lúc chiến tranh ác liệt ở giai đoạn “nước rút”, Chính phủ đã có tầm nhìn chiến lược khi ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ xây dựng hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Đầu năm 1976, sau khi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, lãnh đạo địa phương đã quyết tâm thực hiện giấc mơ “giải khát” cho một vùng rộng lớn đất cằn khô với dự án hồ Kẻ Gỗ. Ngày 26-3-1976, công trình hồ Kẻ Gỗ chính thức được khởi công. Hàng vạn người đã về đại công trình Kẻ Gỗ, háo hức thi đua ngày đêm, với hoài bão: “Đắp hồ xây đập ta nuôi dòng nước ngọt. Để đàn mương nhỏ tắm mát quanh năm. Ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm”.
Lực lượng tham gia xây hồ Kẻ Gỗ từ Thanh niên xung phong (TNXP) đến bộ đội, từ cơ giới đến thủ công, từ kỹ sư, sinh viên đến công nhân, nông dân... Ai cũng chung tay gắng sức cho công trình, phấn đấu vượt tiến độ đề ra, dù điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhóm đào đất đắp đê, nhóm rền vang tiếng máy xúc, máy ủi, “tay anh phá đá, tay em đào sỏi”... Để đào hố cọc, thay vì máy ép, khoan, nhồi cọc như bây giờ, toàn bộ các thợ đào giếng ở Nghệ Tĩnh được huy động để đào hố cọc. Chẳng ai nề hà cực khổ, than phiền khó nhọc hay toan tính thiệt hơn, vì một lẽ: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn. Mà đời không ngại đào mấy con kênh”. Nhờ đó, đập tràn, đập phụ, cống xả... từng hạng mục dần hoàn thành.
Công trình mà người Pháp dự định làm trong 20 năm, lúc đầu nước ta định làm trong 10 năm, sau rút xuống dần và kết quả là ngày 3-2-1979, nghĩa là chỉ gần 3 năm, lễ mở nước đợt đầu tiên của hồ Kẻ Gỗ đã được tiến hành, dòng nước ngọt chảy tràn về các địa phương vốn khô cằn của Nghệ Tĩnh, ai cũng tràn đầy niềm vui.
Anh Lưu Như Hải cho biết, hiện nay, hồ Kẻ Gỗ có dung tích 345 triệu mét khối. Hồ có chiều dài khoảng 27km, chỗ có chiều ngang dài nhất khoảng 3km, gồm 1 đập chính và 10 đập phụ. Chức năng của hồ, ngoài cung cấp nước tưới phục vụ nông nghiệp và nước sạch phục vụ sinh hoạt, còn đảm bảo công tác phòng lũ, xả lũ, giảm lũ, xói mòn vùng hạ du. Ngoài ra, khi xả lũ tưới thì sẽ tận dụng kết hợp làm thủy điện. Do hồ Kẻ Gỗ nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nên hiện có sự tham gia quản lý của các đơn vị: Thủy lợi, Bảo tồn thiên nhiên và Kiểm lâm.
“Uống nước nhớ nguồn”
Và có một chức năng nữa của hồ Kẻ Gỗ mà khi khởi công, chắc hẳn ít ai nghĩ đến, đó chính là trở thành một chốn non bồng do thiên nhiên và con người tác tạo. Để hôm nay, hồ Kẻ Gỗ là danh thắng nổi tiếng của quê hương Hà Tĩnh, là điểm đến du lịch đầy quyến rũ đối với du khách gần xa. Đến hồ Kẻ Gỗ, sự bao la, hùng vĩ, ngút ngàn của khung cảnh thiên nhiên là điểm ấn tượng nhất. Giữa hồ, có những hòn đảo xanh rì, những chiếc thuyền nhấp nhô sóng nước, gió lồng lộng, núi sừng sững chắn đỡ phía xa. Ai đó trong đoàn chúng tôi thốt lên rằng: Đẹp như một cảnh tiên ở hạ giới!
Đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn ở hồ Kẻ Gỗ.
Anh Lưu Như Hải cho biết, hồ có nhiều cá tự nhiên, toàn cá lớn, thịt chắc và ăn rất ngon. Vì vậy, nhiều người chọn đến hồ để câu cá. Thậm chí, có đoàn “bám trụ” ở hồ dài ngày để chinh phục những đàn cá ở Kẻ Gỗ. Dịch vụ ở hồ không nhiều, chủ yếu do nhân viên các đơn vị quản lý hồ mở ra quán ăn, uống, bãi giữ xe... để phục vụ khách, với giá cả bình dân, đơn giản như họ mời cơm khách.
Dừng chân ở một quán nước bên hồ Kẻ Gỗ, chúng tôi thấy một chiếc cầu dài hàng trăm mét nối từ bờ ra một hòn đảo nhỏ. Đầu cầu ghi bảng “Cầu Lê Duẩn”. Hỏi ra mới hay, Tổng Bí thư Lê Duẩn có công lao to lớn trong việc xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ. Trong suốt quá trình thi công, với vai trò là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đặc biệt quan tâm sát sao đến công việc. Nhờ đó, công trình đã hoàn thành sớm so với kế hoạch gấp hơn 3 lần. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi lối cầu Lê Duẩn, tìm đến hòn đảo giữa hồ Kẻ Gỗ, nơi có Đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đền thờ có hình bát giác, chính điện có tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn ngồi trang nghiêm. Đền thờ đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, là minh chứng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Nghệ Tĩnh và cũng là điểm đến ý nghĩa với những du khách khi tham quan hồ Kẻ Gỗ. Và thật ý nghĩa hơn khi biết rằng, hòn đảo nhỏ này nay còn được người dân trong vùng quen gọi “đảo cụ Duẩn”.
Một câu chuyện xúc động khác mà chúng tôi được nghe ở hồ Kẻ Gỗ là giữa năm 2023 này, Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ đã được khánh thành. Nơi đây, ngoài đền thờ còn có bia ghi danh liệt sĩ hy sinh tại sân bay Libi và các hạng mục phụ trợ. Trên tấm bia đó hiện khắc tên 62 liệt sĩ, và điều làm chúng tôi chú ý là phần nhiều trong số đó, đều hy sinh cùng 1 ngày, 7-1-1973, khi hầu hết tuổi đời mới đôi mươi.
Hướng ra cầu Lê Duẩn, bên tay phải là hồ chứa nước Kẻ Gỗ.
Tìm hiểu mới hay thời kháng chiến chống Mỹ, khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ là chiến trường ác liệt. Tại nơi này, quân đội ta cho xây dựng sân bay dã chiến Libi và các tuyến đường bí mật nhằm tăng khả năng chi viện cho chiến trường miền Nam. Những công trình này ghi dấu sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của các TNXP, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Tại đây, không quân của địch từng tập kích ác liệt, gây cho ta nhiều thương vong, trong đó đặc biệt là trận tập kích đêm 7-1-1973, đã khiến nhiều chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, TNXP hy sinh, sân bay dã chiến Libi bị phá hủy hoàn toàn khi chưa có một chuyến bay nào được cất cánh. Sau ngày hòa bình, tỉnh Nghệ Tĩnh bắt đầu khởi công hồ Kẻ Gỗ, mặt nước mênh mông che lấp dấu tích một thời oanh liệt. Nhưng với sự tâm huyết của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cùng các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm, trước đây ngôi miếu thờ đã được lập nên và nay là đền thờ trang nghiêm, thành kính.
Giờ đây, khi nước lòng hồ Kẻ Gỗ trơ đáy, dấu tích của sân bay Libi và tuyến đường 22 vẫn còn. Danh sách 62 liệt sĩ được khắc bia đá chỉ là tạm thời, biết đâu còn có những người con anh dũng của Tổ quốc đang mãi mãi nằm yên dưới lòng hồ Kẻ Gỗ, được ấp ôm, chở che bởi dòng nước ngọt lành. 62 liệt sĩ được ghi danh, người đã xác định được đầy đủ thông tin, người chỉ xác định được tên, có người thiếu thông tin quê quán, họ tên đầy đủ hay năm sinh... Tên các liệt sĩ đã thành tên sông núi, tuổi các liệt sĩ mãi mãi tuổi thanh xuân. Hồ Kẻ Gỗ dù khi nước dâng hay nước cạn, vẫn mãi vỗ yên bãi bờ, ru giấc ngủ ngàn thu.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH