28/08/2022 - 12:33

Về đất Sen Hồng nghe kể chuyện Bác Hồ 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Ðược khánh thành nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp) đón rất đông khách tham quan, tìm hiểu mỗi ngày. Về với quê hương Sen Hồng, nghe kể chuyện về Bác Hồ kính yêu là hành trình đầy nhân văn và ý nghĩa.

Khách tham quan Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Tháp cho biết: Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam được khởi công vào tháng 10-2018 và được khánh thành sau gần 4 năm thi công, tổng mức đầu tư trên 9,5 tỉ đồng. Nhà trưng bày có diện tích 600m2, với trên 200 hình ảnh, hiện vật, được trưng bày theo 6 chuyên đề, phản ánh một cách hệ thống cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

6 chuyên đề gồm: “Thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình đi tìm đường cứu nước (1890-1930)”; Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập chính Ðảng của giai cấp công nhân Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa (1930-1945)”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và sáng lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945)”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954-1969)”; “Ðảng bộ, nhân dân Ðồng Tháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

Có thể nói, nội dung trưng bày trong nhà trưng bày khái quát đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ quê hương xứ Nghệ, thuở ấu thơ của Bác Hồ đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước, rồi trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cho đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám... được thể hiện phong phú, hấp dẫn qua hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Ở chuyên đề thứ 6, khách tham quan được xem những câu chuyện về người Ðồng Tháp đã và đang học tập, làm theo gương Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Người đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi là tài sản tinh thần vô giá của Ðảng và nhân dân Việt Nam nói chung, người dân đất Sen Hồng nói riêng. Chị Lê Thị Thúy Diễm, khách tham quan đến từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Nội dung trong nhà trưng bày như một câu chuyện liền mạch, xúc động về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Tôi rất ấn tượng khi xem những hình ảnh giản dị, hiền từ mà cao quý của Người. Nhất là đoạn trưng bày lúc Bác Hồ qua đời, tấm lòng của người dân Việt Nam tiếc thương vị Cha già dân tộc, tôi xúc động lắm. Nhà trưng bày này thật ý nghĩa”.

Mô hình Nhà sàn Bác Hồ trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc.  

Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam được xây dựng ở một nơi thật ý nghĩa trên đất Sen Hồng. Ðó là Khu Di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - nơi an nghỉ của thân sinh Bác Hồ. Trong khuôn viên khu di tích, tỉnh Ðồng Tháp đã xây dựng tái hiện công trình Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch và Ao cá Bác Hồ. Mô hình Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng vào tháng 2-1990 và khánh thành đúng ngày sinh nhật Bác 19-5-1990, theo nguyên mẫu Nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội với tỷ lệ 1:1. Tất cả các hiện vật tại mô hình Nhà sàn Bác Hồ đều được phục chế và trưng bày giống với ngôi nhà Bác tại Hà Nội, từ chiếc mũ Bác đội để tránh bom đạn đến quạt máy, radio… Ðặc biệt, tại phòng làm việc mùa đông của Bác, trên ngăn giá sách cao nhất còn được đặt trang trọng chiếc hộp gỗ sơn mài màu đen, bên trong cất giữ hai bức ảnh chụp mộ Cụ Phó Bảng và ảnh Tiểu Ðoàn 311 trên đường ra viếng mộ Cụ Phó Bảng trước khi xuống tàu tập kết chuyển quân ra Bắc. Hai bức ảnh được Bác Hồ cất giữ trân trọng, nâng niu để tưởng nhớ về vị thân sinh đang yên giấc ngàn thu nơi quê hương Ðồng Tháp.

Cụm công trình về Bác Hồ trong khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc mang ý nghĩa to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào miền Nam, nếu không có dịp ra Hà Nội thăm ngôi nhà của Bác thì khi đến Ðồng Tháp, có thể hình dung được cuộc sống đơn sơ, giản dị của Người.

Chia sẻ bài viết