Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Vạt áo của Huyền nhẹ như ngọn gió lướt qua trong buổi họp lớp của tôi cách đây mười năm đã khiến tôi và em trở thành duyên nợ với nhau, dù Huyền chẳng phải là bạn học cùng chung lớp với tôi ngày xưa. Em chẳng liên quan gì với lớp học nhỏ của ngôi trường nhỏ nằm dưới tán những cây bã đậu trên một con đường vắng vẻ của thành phố.
Cuộc sống luôn có những đổi thay, ngôi trường đã được xây dựng lại, con đường cũng đã được mở rộng. Buổi gặp mặt gần như chẳng vắng một người nào. Khi Nguyệt gọi điện báo cho tôi sẽ có cuộc họp mặt sau bao nhiêu năm bạn bè không gặp nhau, tôi vui lắm. Sao không vui được, vì đó là cả khoảng đời xanh tươi hồn nhiên quá đỗi. Khi đó cuộc sống còn tinh khôi tiếng cười, lòng người nào có biết gian dối hay lừa lọc mưu toan.
Nguyệt là cô bạn ngồi bàn trước của tôi. Nguyệt học rất giỏi, nhất là môn Tiếng Anh. Thầy Hân dạy Anh văn hay ném những viên phấn đã viết mòn gấn hết, trúng ai thì trò đó giải đáp những câu hỏi bất ngờ của thầy. Tôi phải né những viên phấn ấy, còn Nguyệt thì giống như một cuốn tự điển sống, trả lời tất cả các câu hỏi. Ngày đó, tuổi học trò của tôi cũng có những mộng tưởng với cô bạn học cùng lớp. Nhưng tôi lại nhớ lời thầy Hân trong một tiết học: "Các anh lo học đi, đừng có dòm ngó các cô bạn. Học hành không đàng hoàng thì họ thành thầy của mình lúc nào không hay". Câu nói của thầy khiến tôi tỉnh ngộ, mà lao vào học, câu chuyện học trò ngày xưa với Nguyệt như thế là kết thúc dù chưa có bắt đầu.
Tôi gặp lại Nguyệt khi tôi đã ra trường kinh tế, may mắn có được một chỗ làm ở một công ty xuất khẩu thủy sản, còn Nguyệt cũng về làm việc ở đó sau tôi ít lâu. Nguyệt đã lập gia đình ngay sau khi tốt nghiệp đại học, già dặn hơn thuở học trò. Mặc dù làm chung một công ty, nhưng mỗi người một công việc nên cũng chẳng mấy khi gặp, trò chuyện với nhau. Ðiều kỳ lạ là Nguyệt rất áy náy về chuyện tôi vẫn sống độc thân, chẳng hề có một bóng phụ nữ nào bên cạnh. Có thể do trái tim của người phụ nữ thường nhạy cảm, nên Nguyệt mới có sự áy náy kỳ lạ đó. Còn tôi thì mải phấn đấu cho công việc, rồi còn phải không ngừng học, nhất là môn Tiếng Anh mà tôi vốn không giỏi vì công ty tôi chuyên xuất khẩu, phải làm việc với các đối tác nước ngoài. Tôi không còn thì giờ để yêu thương và tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện yêu thương cho đến khi vạt áo của Huyền chạm vào tôi vào cái ngày họp lớp. Hôm đó Huyền lái chiếc cúp 50 cổ điển, chở Nguyệt quá giang đến buổi gặp mặt...
Nguyệt đã nheo mắt, cười nói với tôi một cách thú vị: "Nhỏ Huyền là em họ của Nguyệt đó. Nhỏ chưa hề yêu ai bao giờ. Bạn đừng làm cho trái tim nhỏ tan vỡ đó". Nguyệt đã sắp đặt để tôi và Huyền quen nhau và lạ kỳ cho tôi chưa, tôi cứ tưởng rằng mình sẽ khó khăn để chọn cho mình một người thương, nhưng vạt áo Huyền đã chạm vào vạt áo của tôi rồi, tôi bỗng hoảng hốt phát hiện ra khi đêm về là lòng tôi lại dấy lên thương nhớ như thể Huyền đã trở thành một phần nỗi nhớ của tôi từ lâu lắm.
Tình yêu tất nhiên phải kết thúc bằng một đám cưới để được về ở cùng với người thương. Chúng tôi thành vợ chồng sáu tháng sau đó.
Ngày có Huyền về chung mái nhà, tôi tin mình là người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian này. Không hạnh phúc sao được khi Huyền rất đẹp, dễ thương, lãng mạn và đánh đàn piano rất hay. Có thời gian Huyền từng là nhạc công của đoàn ca múa nhạc tỉnh. Huyền cũng thẳng thắn: "Em cũng đã từng yêu sâu đậm một người khác, anh có ghen với quá khứ của em không?". Tôi lắc đầu: "Ai lại đi ghen với quá khứ bao giờ? Ðiều quan trọng là em hiện tại là của anh và mãi mãi là của anh". Tôi chẳng mấy quan tâm đến người đàn ông cũ nào đó đã từng làm cho Huyền của tôi chao đảo, tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện tại sao họ chia tay nhau. Có thể người đàn ông ấy đã không nhìn thấy nơi Huyền vẻ đẹp thuần khiết, chắc hẳn anh ta chưa đi cùng với Huyền trong một cơn mưa hay chở nhau trên chiếc xe cup 50 khắp phố.
Tôi hài lòng về cuộc gặp định mệnh và đám cưới cùng Huyền, nhưng tình yêu và hôn nhân lại là hai câu chuyện khác nhau. Chúng tôi có quá ít thời gian tìm hiểu nhau và tất nhiên không đủ kiên nhẫn mài đi những góc cạnh cá nhân để mà hòa hợp với nhau khi về chung một mái nhà. Ngày xưa, bạn bè trong lớp vẫn gọi tôi là chàng hiệp sĩ chỉ thích nghe tiếng gió kiếm. Tôi chẳng hiểu bạn bè muốn nói gì, cho đến khi tôi xem phim về những chàng hiệp sĩ ở Nhật, tôi mới hiểu là bạn bè nói tôi là một anh chàng sống phi thực tế. Cho đến khi quen Huyền, tôi vẫn chưa nếm trải trong cuộc đời mình mùi vị của tình yêu, thế mà đã quyết định cưới Huyền vì những rung động khi vạt áo chạm vào nhau, liệu có phi thực tế? Nhưng thời gian hôn nhân dần khiến tôi có cảm giác như đang gom vào lòng mình tất cả những cơn bão của thế gian.
Một hôm tôi trở về nhà, căn nhà của tôi đột ngột lạnh giá vì Huyền đã ra đi. Huyền chẳng buồn để lại cho tôi một lá thư nào. Tôi chạy khắp mọi nơi tìm cho đến khi tôi biết rằng Huyền đã rời đi cùng người đàn ông ngày xưa. Bà chủ nhà trọ nơi Huyền vẫn thường lui tới khi tôi vắng nhà hoặc khi tôi đang ở công ty, nói: "Anh là chồng của cô Huyền à? Thế anh không biết khi anh không có nhà cô Huyền vẫn đi gặp người khác sao?". Tôi hình dung ra người đàn ông đó rồi. Ðó là anh chàng có hàm râu quai món, giọng nói rổn rảng, được Huyền giới thiệu là ông anh họ ở quê ra đang chuẩn bị một chương trình ca nhạc gì đó. Tôi hoàn toàn không chút nghi ngờ gì về quan hệ của họ. Tôi cũng không thể nào hình dung ra đoạn cuối của cuộc tình "vạt áo chạm vào nhau" lại lạ lùng đến thế. Tôi trở thành con rối trong tay Huyền mà tôi cứ ngỡ rằng mình là người may mắn.
Biết chuyện, Nguyệt có ghé nhà tôi, đầy bối rối nói: "Mình thật có lỗi về chuyện này". Tôi chẳng trả lời Nguyệt. Tôi tiễn khách ra cổng mà lạ kỳ cho trái tim mình. Bởi tôi chẳng hề dấy lên lòng thù hận đối với Huyền mà chỉ thấy cảm thương.
Lâu lắm sau ngày Huyền ra đi, vào một buổi chiều tan việc, tôi thong thả phóng xe qua con đường đầy những chiếc lá vàng rơi rụng thì tôi gặp Huyền. Huyền đã đứng đợi tôi rất lâu rồi. Có thể em đã chần chừ bao nhiêu lần trước khi quyết định tìm gặp tôi. Nhìn Huyền tàn phai, tôi chẳng nỡ từ chối lời khẩn khoản gặp nhau một chút thôi của em.
Vẫn quán nước xưa, vẫn tôi và em. Huyền xoay mãi ly nước mà không nói được lời nào ngoài những dòng nước mắt. Huyền nói: "Anh ấy đã bỏ em theo người đàn bà khác rồi. Con em bị bệnh phổi rất nặng nhưng em không có tiền lo thuốc thang cho con...".
Tôi theo Huyền đưa con đến bệnh viện. Lo cho cháu nhập viện xong, tôi nói với Huyền: "Khi cháu xuất viện, em có thể đem con về lại căn nhà cũ tá túc tạm. Anh giờ đã chuyển chỗ ở mới". Huyền chỉ nói với tôi: "Em nhờ anh chở dùm em ra phố, rồi em bắt xe buýt về nhà trọ lấy đồ vào viện ở với con". Tôi chở Huyền như chở quá khứ sau lưng mình. Lạ kỳ cho tôi chưa, tôi nghe như vạt áo của tôi lại vừa chạm vạt áo em.