14/08/2014 - 22:00

Văn hóa Cần Thơ và bài toán hội nhập

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã xác định: "Làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài". Thực hiện theo tinh thần này, nhiều năm qua, ngành văn hóa Cần Thơ luôn năng động hội nhập, giới thiệu những tinh hoa văn hóa cho bạn bè trong nước và thế giới.

* "Mang chuông đi đánh xứ người"

Giữa tháng 11-2013, Cần Thơ đại diện ĐBSCL làm chuyện chưa từng có là đem cả chợ nổi ra Hà Nội tại Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Du khách các vùng miền trong cả nước và rất đông du khách nước ngoài có cơ hội chiêm ngưỡng, thưởng thức không khí của phiên chợ nổi buổi sớm mai. Gần 30 phương tiện thủy đặc trưng ở chợ nổi Nam bộ như: ghe tam bản không mui, ghe tam bản mui xếp, ghe chài mui ống lớn, xuồng năm lá… treo bẹo trái cây, rau củ bập bềnh trên mặt hồ đã thu hút đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, tiếng rao chè, rao bánh chuối chiên, đá bào… ngọt lịm của các cô gái Cần Thơ đã chạm lòng du khách. Những câu hát tài tử, câu hò Cần Thơ là "đặc sản" của người Tây Đô cũng được tái hiện. Soạn giả Nhâm Hùng, tổng đạo diễn chương trình, nhớ lại: "Những món ăn trên chợ nổi tái hiện: chè, đá đậu, bánh chuối chiên… bán đắt như tôm tươi. Khách tham quan rất thích thú, mỗi buổi trình diễn đều có rất đông người đến xem và hòa cùng nhịp sống sông nước Cần Thơ". Còn bà Lương Thị Tuyết Hoa, nghệ nhân đàn ca tài tử, kể: "Mỗi buổi trình diễn đờn ca, rất nhiều người nước ngoài ngồi dọc bờ hồ nghe chúng tôi ca và cổ vũ nhiệt tình. Có nhiều người còn xin ca thử, chúng tôi sẵn lòng!".

Chương trình nghệ thuật chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia do Liên hiệp Các hội Hữu nghị TP Cần Thơ tổ chức.

Mới đây, cuối tháng 4-2014, ẩm thực Cần Thơ lại đại diện ĐBSCL "mang chuông đi đánh xứ người" tại "Hội chợ ẩm thực các dân tộc Việt Nam 2014" ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Cần Thơ giới thiệu hơn 30 loại bánh dân gian đặc trưng và những trái dâu Hạ Châu, cam Phong Điền, buồng dừa nước, mận Tân Lộc, rượu mận… Tất cả được bày trên những chiếc xuồng ba lá "rặt" miền Tây. Sự dân dã, bình dị trong cách bài trí, sự ngọt ngào, đậm đà trong dư vị đặc sản Cần Thơ đã giúp gian hàng Cần Thơ "ghi điểm".

Những chương trình giao lưu văn nghệ nhân kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước cũng là cơ hội để Cần Thơ quảng bá văn hóa địa phương. Một số chương trình giao lưu do Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tổ chức vừa qua như: Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia, chiếu phim Úc tại Đại học Cần Thơ… Điển hình như trong chương trình văn nghệ Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia có chủ đề "Dòng sông hữu nghị", lấy ý tưởng từ dòng sông Mê Công chảy qua hai nước, đem phù sa đến đồng ruộng, làm nên cuộc sống trù phú, biểu hiện tình hữu nghị đoàn kết keo sơn giữa nhân dân Việt Nam - Campuchia. Tất cả được chuyển tải qua các tiết mục sinh động, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

* Để tiếng chuông vang xa

Là một nhà nghiên cứu có thâm niên công tác văn hóa ở Cần Thơ, soạn giả Nhâm Hùng cho biết, khoảng 30 năm trước, đoàn nghệ thuật của tỉnh Hậu Giang (cũ) đã có những chuyến lưu diễn giao lưu ở các quốc gia như: Campuchia, Ukraina… và đã ghi dấu ấn riêng bởi văn hóa Cần Thơ nằm trong dòng chảy của Nam bộ nhưng lại định hình những loại hình rất riêng như: hò Cần Thơ, hát đưa em, văn hóa chợ nổi… Nói về lần đầu tái hiện chợ nổi Nam bộ ở Hà Nội, soạn giả Nhâm Hùng nhận định: "Việc người dân Hà Nội, Tây Bắc và khách nước ngoài bước xuống xuồng chèo ăn chén chè đậu đen nước cốt dừa hay những tiếng vỗ tay khi nghệ nhân dứt câu vọng cổ đã là một lần hội nhập văn hóa. Văn hóa luôn có sức mạnh vô hình để gắn kết con người với nhau".

Tuy nhiên, văn hóa Cần Thơ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế trong hội nhập do vẫn chưa định hình được những sản phẩm văn hóa mang tính đặc trưng. Những loại hình như: đờn ca tài tử, cải lương, ẩm thực…đều na ná các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ngay cả những món quà lưu niệm cũng cồng kềnh, không bắt mắt. Ông Hồ Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết thêm: Nhiều năm qua, ngành văn hóa Cần Thơ chưa chủ động hội nhập bằng cách tổ chức các chuyến giao lưu là do cơ sở vật chất như âm thanh, ánh sáng chưa chuẩn; nhân sự xáo trộn, không thu hút được nhân tài do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng... "Từ đó, ngành văn hóa Cần Thơ còn e dè, chưa dám "mang chuông đi đánh xứ người" bởi đã "đánh" thì phải ấn tượng, hoàn hảo, chuyên nghiệp" - ông Hồ Văn Hoàng nói.

Nhiều chuyên gia nhận định, phương tiện giới thiệu văn hóa gần gũi và dễ tiếp cận người khác nhất là ẩm thực và âm nhạc thông qua các chương trình, tour tuyến du lịch. Tuy nhiên, đến nay, Cần Thơ vẫn chưa định hình được một chương trình âm nhạc dân tộc đặc sắc, hấp dẫn để phục vụ du khách như cách nhiều địa phương khác đã làm. Soạn giả Nhâm Hùng nêu ví dụ: Chương trình văn nghệ phục vụ du lịch chỉ cần 10-15 phút, bao hàm nhiều loại hình. Không lê thê, dài dòng, chỉ cần hết 1 câu vọng cổ, hò cặp hò Cần Thơ hay 8 câu đầu trong bản Tứ Đại Oán… là đủ. Còn về ẩm thực thì việc quảng bá các thương hiệu ẩm thực đặc trưng của Cần Thơ như bánh tét lá cẩm, các nghệ nhân và loại bánh dân gian… vẫn chưa được quan tâm. Theo ông Hồ Văn Hoàng, thời gian tới, Cần Thơ sẽ phải mạnh dạn hơn trong giao lưu, ngoại giao văn hóa với các nước lân cận như: Campuchia, Lào trong khi chờ đầu tư về nhân sự, cơ sở vật chất cho các hoạt động dài hơi hơn. Về lâu dài, Cần Thơ rất cần đầu tư một đội ngũ văn nghệ sĩ cả về biểu diễn lẫn sáng tác, biên đạo… có tài, sáng tạo và năng động để đáp ứng yêu cầu quảng bá và hội nhập văn hóa của thành phố trung tâm ĐBSCL.

***

Những hoạt động hội nhập, giao lưu văn hóa không chỉ giúp nâng tầm vị thế của Cần Thơ - thành phố trung tâm vùng châu thổ Cửu Long mà còn khẳng định truyền thống văn hóa lâu đời, giàu bản sắc trên mảnh đất này. Hoạt động hội nhập văn hóa góp phần giúp bạn bè thế giới hiểu đầy đủ hơn về đất nước, con người Cần Thơ, là kênh quảng bá mở rộng thị trường, du lịch, vận động viện trợ… trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết