25/06/2012 - 10:26

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về tự phê bình và phê bình

* NGUYỄN THỊ KIM THU
Phòng Giáo dục lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Thành ủy

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục cán bộ, đảng viên trong sử dụng vũ khí “tự phê bình và phê bình”, nhằm sửa chữa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố chính quyền cách mạng. Theo Bác: “Mục đích phê bình cốt lợi cho công việc chung”(1), “phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm”(2). Cho nên khi phê bình “người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa”(3). Người chỉ rõ: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ”(4), “phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm”(5).

Còn khi “tự phê bình” thì chúng ta cần thật thà, công khai những khuyết điểm, lỗi lầm của mình để tìm cách sửa chữa. Tuy nhiên, Người cũng chỉ ra: “điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó”(6). Nhưng khó thì mới phải làm, vì “tự phê rồi để sửa chữa, để tiến bộ”(7). Có thể nói, tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra trong bản thân mỗi con người chúng ta, là đấu tranh với chính bản thân mình. Tự xét mình đó là ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự phấn đấu, tự răn mình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của chế độ; rất cấp thiết trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng củng cố Nhà nước; trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về tự phê bình và phê bình, với phương châm “là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” (được nêu tại Đại hội VI), lần này Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm chấn chỉnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của cơ quan đơn vị. Để thực hiện công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các cấp ủy, tổ chức đảng trong thành phố Cần Thơ cần cụ thể theo từng đối tượng như sau:

- Đối với cá nhân: Cần nêu cao tinh thần tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; liên hệ trách nhiệm của cá nhân với những sai sót, khuyết điểm của tập thể trên tinh thần cầu thị, tự giác, trung thực soi xét mình trên các mặt như: tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,... Có mạnh dạn tự phê bình và phê bình thì chúng ta mới không sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm; mới đặt lợi ích chung lên trên hết; mới tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nhất là trong tình hình hiện nay, đối với cá nhân là cấp ủy viên, là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngoài nội dung tự phê bình và phê bình nêu trên cần liên hệ, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân tham gia cùng tập thể khi bàn và quyết các vấn đề liên quan đến việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình; liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới đặt ra. Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng cần xác định rõ trách nhiệm của bản thân về những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể và nêu lên phương hướng, biện pháp khắc phục.

- Đối với tập thể: Ngoài những nội dung làm rõ ưu điểm, hạn chế; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong công tác tự phê bình và phê bình thì cũng cần đi sâu vào một số nội dung sau:

Tự phê bình và phê bình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tư tưởng, chính trị, xây dựng lập trường chính trị của cán bộ, đảng viên; nghiêm túc thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và cán bộ đảng viên thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; đưa ra các hình thức, biện pháp thực hiện giáo dục, đấu tranh ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc cấp mình quản lý; xem xét các vấn đề: Nội bộ có mất đoàn kết không? Khi có tình hình, vụ việc sai sót, vi phạm xảy ra đã thực sự tự phê bình và phê bình chân thành, thẳng thắn chưa? Đã thật sự quyết tâm xem xét, giải quyết những sai sót, khuyết điểm nổi cộm, những vụ việc tham nhũng mà dư luận quan tâm, bức xúc chưa? Vận dụng chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trong tự phê bình và phê bình như thế nào? Nguyên nhân, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái.

Trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, thực hiện công tác tổ chức như thế nào? Kiểm điểm làm rõ những trường hợp bố trí cán bộ không đúng việc ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, lãnh đạo, quản lý và sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, của cá nhân về những thiếu sót, khuyết điểm và phương hướng khắc phục.

Trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong mối quan hệ với quyền hạn, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thế nào? Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân người đứng đầu có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng về tự phê bình và phê bình, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng thật tốt trong tự phê bình và phê bình. Làm được điều đó, mỗi cá nhân sẽ tự gột rửa mình để trở nên trong sạch hơn; mỗi cơ quan, đơn vị, từng chi bộ, đảng bộ sẽ tăng thêm sức chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng.

----------------

(1), (5) HCM toàn tập, tập 6, Nxb chính trị quốc gia, HN 1995, tr.241.
(2), (3), (4), Sđd, tr.242.
(6) Sđd, tr.209.
(7) Sđd, tr.210.

Chia sẻ bài viết