03/08/2012 - 22:48

Báo Mỹ Wall Street Journal

"Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là chính trị, chớ không phải kinh tế"

Dân số đông và ngày càng già đi là một trong những thách thức kinh tế lớn của chính phủ Trung Quốc trong tương lai. Ảnh: AP

Martin Feldstein, người từng là chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế dưới thời chính quyền cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và hiện là giáo sư Đại học Harvard, vừa có bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) cho rằng những vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc đang đối mặt là chính trị, chớ không phải kinh tế.

* Còn đó những khó khăn kinh tế

Trung Quốc dường như đã đối phó thành công những vấn đề kinh tế trước mắt như nguy cơ tuột dốc nhanh sau thời kỳ tăng trưởng mạnh, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 3% do giá lương thực và năng lượng của thế giới đã chững lại, giá bất động sản tuy vẫn ở mức cao nhưng đã ngừng tăng nhờ hàng loạt chính sách hạn chế đầu cơ nhà đất. Tuy nhiên, những khó khăn trong dài hạn vẫn còn đó.

Dân số đang già nhanh là hệ quả của chính sách một con sẽ tạo ra vấn đề tài chính trong lĩnh vực an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ hưu trí tương lai. Kế hoạch phát triển 5 năm mới sắp tới của Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và dịch chuyển cân bằng nền kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho lao động nông thôn đang có thu nhập thấp, giúp cải thiện quá trình chia sẻ thành quả phát triển của đất nước thông qua lương và tiêu dùng. Biện pháp này có thể làm giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng vốn đang đang gây ra ô nhiễm môi trường và thiếu thốn nguồn nước. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước đồng thời làm giảm sự phụ thuộc vào ngành xuất khẩu đầy may rủi. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy kế hoạch như vậy đòi hỏi phải vượt qua nhiều thử thách lớn.

* Những thách thức chính trị nghiêm trọng

Các khó khăn kinh tế trong dài hạn đã lớn, nhưng những thách thức chính trị thì nghiêm trọng hơn nhiều, trong đó có các vấn đề nội bộ hàng đầu là tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập và khả năng quản lý của ban lãnh đạo.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận tham nhũng đang phát triển lan tràn và xảy ra không chỉ ở quan chức cấp thấp mà cả cán bộ cấp cao. Vấn đề tham nhũng tương tác với sự lo ngại của công chúng về phân phối thu nhập. Bên cạnh những tài sản kếch sù có được nhờ các nỗ lực kinh doanh là sự giàu có bất thường của giới chức cấp cao và con cái của họ vốn được coi là kết quả của tình trạng tham ô và nhận hối lộ. Hàng ngàn vụ xung đột tại nông thôn mỗi năm phản ánh việc các quan chức địa phương tịch thu đất đai và bán lại cho giới đầu tư bất động sản. Người Trung Quốc nhớ đến câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình “làm giàu là vinh quang”, nhưng không có nghĩa là phải bằng tham nhũng.

Ban lãnh đạo Trung Quốc, từ Hội đồng nhà nước đến Bộ Chính trị, dường như đang trong tâm trạng bất an sau khi vỡ lở ra những vụ án chấn động liên quan đến Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, và những người thân trong gia đình ông ta. Kết cục của nhà họ Bạc là một minh họa xung đột đầy thảm kịch trong nội bộ ban lãnh đạo và “tầm vóc bẩn thỉu” của nó.

Sau các nỗ lực đóng cửa các quán cà phê Internet cách đây một thập niên, các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao Trung Quốc giờ đây khi đọc các trang điện tử trên mạng mới cảm nhận sự bất mãn của người dân. Họ lo lắng sự bất đồng của công chúng và lo sợ bất kỳ cuộc biểu tình nào có thể biến thành một bi kịch kiểu Thiên An Môn. Tiềm ẩn cho sự bất ổn nguy hiểm đang tăng nhanh còn là khoảng cách lớn về tỷ lệ nam-nữ. Số trẻ em nam nhiều hơn số trẻ em nữ tới 13% sẽ khiến hàng triệu giới trẻ nam không có cơ hội tìm được vợ.

* Tự hủy hoại hình ảnh

Những vấn đề nội tại của Trung Quốc bây giờ đang bị bên ngoài soi rọi. Trước đây, Trung Quốc ít đụng chạm với thế giới để tập trung phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay, họ bị dư luận khắp thế giới coi là kẻ hung hăng, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải và tài nguyên của nước khác trên Biển Đông, thậm chí là tại quần đảo truyền thống của Nhật Bản. Hành vi của Bắc Kinh có thể nhằm lôi kéo sự ủng hộ của những người theo đường lối dân tộc bành trướng và làm xao nhãng các vấn đề đầy căng thẳng xảy ra trong nước, nhưng đã khiến các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines giận dữ. Trung Quốc sử dụng sức mạnh hải quân để đe dọa và hành động cưỡng bức, khiến các nước này phải tìm kiếm sự ủng hộ của các cường quốc khác, trong đó có Mỹ.

Bắc Kinh đang bị phần lớn thế giới cáo buộc dùng tin tặc ăn cắp bí mật quốc gia, công nghệ khoa học, kế hoạch đàm phán và chiến lược phát triển của các công ty công nghiệp từ các nước khác. Giới lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn Trung Quốc không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của họ. Ngoài ra, nhiều nước cũng phê phán chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu thặng dư thương mại quá đáng của Trung Quốc.

Đối mặt với vô số thách thức kinh tế và chính trị hết sức nghiêm trọng kể trên, thế hệ lãnh đạo mới 10 năm tới ở Trung Quốc phải thay đổi rất nhiều nếu muốn đất nước đông dân nhất hành tinh này tiếp tục phát triển và “trỗi dậy hòa bình” trong nền kinh tế toàn cầu.

ĐỨC TRUNG (Lược dịch từ Wall Street Journal)

Dân số đông và ngày càng già đi là một trong những thách thức kinh tế lớn của chính phủ Trung Quốc trong tương lai. Ảnh:

Chia sẻ bài viết