22/03/2009 - 10:42

Truyện ngắn

Ván bida cuối cùng

NGUYỄN – KIM

Những năm trước bảy lăm, giới ăn chơi huyện Đông hầu như ai cũng biết Hai Phước. Tay cơ của anh là một tay cơ hiếm hoi lão luyện trong làng bida cá độ. Đường cơ hoa tay sắc sảo của Hai Phước coi như khắp địa phương không tìm ra đối thủ. Đánh thắng riết rồi người ta kiêng mặt anh. Có xem anh dợt mới thấy hết tài năng. Biểu diễn cầm cơ bằng một tay, anh thủng thỉnh đánh chính xác từng điểm một và khéo léo đưa dồn ba trái bi vào góc bàn, trọng tài đếm điểm hoài đến sốt ruột. Hai Phước độ tuổi trung niên, thường mặc cái áo ba túi cũ mèm, bộ vó lừng khừng... nhưng đã làm không ít các tay tập tành, chủ vựa cá, chủ xe đò... sạch túi!

Một buổi sáng, uống cà phê xong Hai Phước thả bộ lại tiệm bida của Sáu Trường chơi. Đang ngó bâng quơ thì một thanh niên lạ mặt trông khá đẹp trai, vai mang cái xắc nhỏ, bước vào mời Hai Phước điếu thuốc rồi thản nhiên nói:

- Tôi nghe tiếng ông anh sành điệu, có rảnh không? Sẵn bàn trống, mình giao hữu vài ván cho vui!

Hai Phước cười lạt:

- Chơi khơi khơi để... làm gì?

Uể oải máng cái xắc lên vách, anh thanh niên tặc lưỡi :

- Ừ... thì tùy ông anh, thằng này theo!

Nháy mắt với Sáu Trường vừa bước ra, Hai Phước nhếch mép buông thỏng :

- Đánh đồng từng sét một, mỗi ván một chỉ vàng hăm bốn. Sòng phẳng theo luật...

Không nói tiếng nào, anh thanh niên gật đầu rồi lại giá chọn cơ. Hai Phước búng tay gọi chủ tiệm đem bi ra, vào cuộc sát phạt...

Ván đầu Hai Phước thua. Mặc dù nhìn nhận Thành - người khách trẻ, chơi bida thuộc loại giỏi, nhưng anh tự cho rằng mình có lơi tay, chủ quan. Chẳng sao, đường còn dài! Ván thứ hai, anh tập trung vào sở trường đánh gom bi dễ lấy điểm nhanh hơn. Đường cơ khi thì trúng tuýt-xê nhẹ nhàng, khi dồn sức gõ đánh chát chính diện. Khéo léo đưa bi vào góc, Hai Phước điềm tĩnh nhịp từng điểm tới lúc thắng sét hai. Trước bao người vây quanh, Thành không tỏ ra nao núng và anh đề nghị đánh ba ván ăn thua dứt điểm để anh còn kịp xe về thành phố. Nhận xét tài nghệ của nhau ngang ngửa, nhưng đã chịu chơi thì phải chơi tới cùng, Hai Phước dốc túi và gọi bạn bè chung vốn với niềm tin tất thắng. Chú Sáu Trường xin được làm trọng tài, hồi hộp theo dõi từng trái bi lăn. Nhập trận lần này, Thành chuyên đánh bi rời mà cực hay. Những cú “côn-lê”, “đề trô”, tứ băng... anh chơi vững chãi và nếu đánh trượt anh thường gài cho Hai Phước kẹt vào tình huống xoay trở khó khăn. Ba ván kéo dài chỉ hơn bốn lăm phút thì Hai Phước trắng tay, anh gác cơ và nén tiếng thở dài. Riêng phần anh đã mất đứt tám chỉ vàng ky cóp bấy lâu nay. Rửa tay, điệu nghệ mời thuốc, cà phê mọi người xong, Thành mang lại cái xắc nhỏ và bước lại gần Hai Phước. Bỏ vào túi áo kẻ chiến bại chiếc khâu vàng hai chỉ, anh nắm chặt tay Hai Phước, khiêm tốn thấp giọng:

- Thắng bại lẽ thường có may rủi! Tôi mến phong độ chơi đầy kinh nghiệm của anh, hẹn có ngày mình gặp lại...

Hai Phước vẫn im lặng cho tới khi Thành ra cửa tiệm bida, anh mới như chợt tỉnh vội bước nhanh theo hỏi một câu:

- Chú mày cho biết hiện sống ở đâu?

- Khánh Hội, khu... Anh cứ hỏi Thành “bụi” là gặp ngay!

***

Gần bốn tháng trời không thấy Hạnh, đứa em gái duy nhất về, Hai Phước hơi nóng ruột và anh quyết định lên thành phố xem sao. Không phải anh vô tâm, nhưng việc vườn tược bề bộn và yên trí em mình đang sống nơi ổn định nên anh cứ lần lựa mãi. Cha mẹ mất từ lâu, hai anh em thương yêu, đùm bọc nhau, sống nhờ vào một mẫu vườn cây ăn trái trồng xen ao đìa... cũng tạm qua ngày. Thấy em thui thủi nên khi Hạnh xin được cùng mấy đứa bạn lên Sài Gòn làm cho một xí nghiệp may mặc, tá túc nhà bà dì ruột, anh miễn cưỡng đồng ý. Những lần trước, khoảng đôi tháng Hạnh lại về, sao kỳ này lâu quá.

Lên tới nơi, Hai Phước nghe bà dì phàn nàn rằng Hạnh đã rời đi với lý do nhà khá xa xí nghiệp, bất tiện giờ giấc làm việc. Hai Phước vội gọi honda ôm tới chỗ em làm. Hỏi thăm phờ người, anh đến được căn nhà lá lụp xụp ven rạch, trông đã ngán ngẩm. Gặp anh, Hạnh mừng mừng tủi tủi, nước mắt chảy dài. Liếc sơ qua đứa em gái tiều tụy, cổ nổi gân xanh, Hai Phước đoán có sự thay đổi nào đó nên gặng hỏi trong niềm âu lo, thương cảm. Không dám giấu anh, Hạnh thú thật là mình... lỡ yêu một thanh niên và hai người thuê nhà sống riêng nơi đây, anh ấy cũng cùng cảnh mồ côi cha mẹ. Sợ anh nghiêm khắc, Hạnh nấn ná thời gian và bây giờ đã... mang thai ba tháng! Hai Phước nghe lùng bùng lỗ tai, anh dằn lòng hỏi :

- Thằng đó đâu? tính nết nó ra sao?

Cô em gái lau nước mắt chưa kịp trả lời thì có người bước vào, vai vác túi gạo. Hai Phước đứng lên và đối diện với... Thành, kẻ đã thắng độ anh tám chỉ vàng hồi tháng trước. Nhìn hai người ngó sững nhau, Hạnh lo lắng gượng cười giới thiệu:

- Anh Thành... chồng em đó anh Hai! Còn đây là anh ruột của em vừa ở quê lên...

Qua phút ngỡ ngàng, chuyện trò rốt ráo, ba người trở nên gần gũi, thân mật nhau hơn. Biết Thành thật lòng yêu em gái mình, Hai Phước dần nguôi giận. Nghe Hạnh than thở về số tiền lương ít ỏi và thường bị chủ buộc may ca đêm, tăng giờ làm, sức khỏe giảm sút; anh chép miệng:

- Thân phận người làm thuê, đời nào cũng vậy thôi... à... thằng Thành mày làm ăn cũng giỏi lắm mà!

Bấm nhẹ tay anh vợ, Thành cười hiền hậu:

- Của thiên trả địa... anh Hai ơi! Em xin lỗi...

Ngủ nhà vợ chồng Hạnh một đêm, khuya sớm Hai Phước từ giã về. Đứng ở cửa, anh bồi hồi căn dặn:

- Cái duyên cái số đưa đẩy, anh không trách giận gì... nhưng tụi mày sắp có con thì phải gắng lo. Anh về sửa sang vườn tược, móc ao lên nền sẵn. Xong xuôi, anh gởi thơ lên nhắn về cùng tạo dựng cuộc sống, trên này coi vậy chớ tù túng, bấp bênh quá chừng!

Nhìn thẳng vào mắt Thành, anh trầm giọng:

- Tao độc thân, khỏi cần lo! Mày có đôi bạn rồi, cần thương yêu, chia sớt buồn vui và nhất là phải tròn bổn phận gia đình nghen!

***

...Dịp gần Tết, Thành cùng hai ông bạn ở Chợ Lớn phóng xe du lịch về thăm Hai Phước. Họ cứ nài anh đi Cần Thơ chơi, nơi ấy đang tập trung những độ cá cược bida rất xôm. Nếu Phước và Thành kết hợp nhau thì có khả năng thắng đậm. Dĩ nhiên tiền huê hồng “đánh thuê” không nhỏ. Hai Phước hơi xiêu lòng, đắn đo hỏi thêm em rể:

- Con Hạnh đang bụng mang dạ chửa, mày đi dài ngày thế này rồi nó...

Thành cười vui vẻ:

- Không sao đâu! Em bảo là về thăm anh, Hạnh mừng lắm và còn dặn nếu về trễ đôi ngày cũng được. Hạnh có gởi cho anh cái áo “bành-tô” mua ở chợ trời, sợ anh khuya sớm ra vườn lạnh lẽo. Thôi... anh Hai thay đồ rồi mình xuất quân ngay!

Thuê phòng ở khách sạn hai ngày, chưa làm mối được độ nào, Hai Phước thấp thỏm muốn về. Tây Đô rộn rịp trong những ngày cận Tết càng khiến anh nôn nao. Nhưng hai ông bạn Chợ Lớn thân thiện, bao biện hào phóng và nghe Thành hay nhắc về Hạnh và đứa con sắp ra đời nên Hai Phước tạm khuây khỏa. Đến ngày thứ ba cáp được độ lớn, đối thủ là hai tay chuyên nghiệp có danh nhiều năm, chắc cũng là dân “đánh thuê”. Sau một ván thăm dò giao hữu với cặp Hai Phước, họ hẹn tám giờ tối. Buổi chiều nằm dưỡng sức, Hai Phước cầu mong thắng độ này cho vợ chồng đứa em gái được chút tiền ăn Tết...

...Dưới ánh đèn sáng rực, cả gian phòng rộng đầy ắp người, nín thở chăm chú nhìn theo từng đường cơ, từng trái bi lăn chầm chậm quyết định cho ván ăn thua lớn đến chóng mặt. Cặp Phước - Thành rất ăn ý, hai người thay nhau đưa điểm lên, cẩn thận suy tính khi đến lượt chơi. Đối thủ cũng không vừa, họ lợi dụng ưu thế sân nhà và sự cổ vũ đầy thiên vị của đám đông dự khán, mong giành phần thắng cho ê-kíp. Mười một giờ đêm, cuộc chơi chưa ngã ngũ, đôi bên tạm nghỉ giải lao sau khi đã đặt tất cả tiền cược cho ván cuối cùng. Hớp ngụm cà phê đen, Hai Phước hội ý :

- Tôi muốn dốc sức đánh phủ đầu cho đối phương nhụt nhuệ khí, mất tinh thần, mình đừng tính đường chạy bi không ổn lắm... Được ăn cả, ngã về không, đồng ý?

Hai ông bạn Chợ Lớn nhìn nhau với sắc mặt căng thẳng rồi cùng lúc gật đầu. Thành lấy khăn tay lau mồ hôi trán, ngập ngừng:

- Anh Hai ơi! sao em cảm thấy nóng ruột lạ lùng quá, lại máy mắt hoài, cứ như có điều gì...

Hai Phước cau mày vỗ mạnh vai em rể, cười trấn an:

- Đừng vẩn vơ, quên hết mọi chuyện và chỉ tập trung tinh thần vào giây phút sắp tới. Mình phải thắng!

Trong ván cuối, phe kia dẫn điểm trước sau khi Thành hớ hênh đánh trượt hai cơ. Hai Phước gắng theo không kịp, anh nuốt nước bọt nhìn bảng điểm mình còn đến mười tám, đối phương chỉ vỏn vẹn năm điểm nữa là xong cuộc. Tới lượt Thành, anh chậm rãi lau bột phấn vào kẽ tay, mắt nhìn chằm chằm ba trái bi, môi mím chặt. Hai Phước kề tai nhắc nhở:

- Đưa được bi vào góc là còn hy vọng. Đánh không chạy, ráng dứt điểm rồi mình về Sài Gòn liền cho Hạnh nó mừng, chắc con nhỏ đang trông...

Từ lúc ấy, những người xem cứ xuýt xoa trầm trồ từng hồi với lối chơi nhuần nhuyễn đến xuất thần của Thành. Mười tám điểm liên tục không ngừng cơ của Thành đã chuyển bại thành thắng. Hai đối thủ buông cơ, giữ vẻ điềm tĩnh bắt tay Thành và Hai Phước, nói gọn hai tiếng “Tâm phục”! Cả gian phòng vang dội tiếng vỗ tay tán tụng...

***

Về tới nhà đã gần bốn giờ sáng, thấy cửa khóa ngoài Thành hỏi thăm nhà bên thì được biết khi tan ca về khoảng nửa đêm, Hạnh vô ý trượt ngã ở đầu hẻm. Có lẽ cô ngất khá lâu, nên khi có người phát hiện thì sức cô đã yếu đi nhiều. Những người hàng xóm tốt bụng tức tốc đưa cô vào bệnh viện và tìm địa chỉ báo cho bà dì là người thân gần nhất. Thành và Hai Phước điếng hồn vào thẳng bệnh viện để chứng kiến cảnh Hạnh hôn mê. Mười lăm phút sau cô tắt thở mang theo đứa con trong bụng. Bà dì nước mắt ràn rụa, nghẹn ngào khóc kể :

- Lúc hơi tỉnh, nó dặn đi dặn lại là nếu có mệnh hệ gì thì nhắn Thành về quê sống với anh Hai cho nó... an tâm nhắm mắt. Ôi trời ! nghe mà thương đứt ruột...

***

Mẹ con Hạnh được an táng nơi đất vườn nhà Hai Phước và Thành cũng về đây sinh sống theo lời trăn trối của vợ. Được hơn một năm, nhân lúc Hai Phước đi thành phố mua máy bơm nước, Thành mang số tiền bán vuông tôm của anh vợ tương đương cỡ ba lượng vàng nướng vào độ bida với một tay chơi sừng sỏ ở Cần Đước qua. Có lẽ xấu hổ với Hai Phước thì ít, nhưng với vong linh Hạnh thì nhiều nên Thành để thư lại bày tỏ sự ân hận rồi bỏ đi biệt tích. Giận, nhưng rồi Hai Phước cất công đi tìm và nhắn tin liên tục trên báo, đài vẫn không có phản hồi từ người em rể...

Những chiều bên mộ mẹ con Hạnh, Hai Phước vẫn hy vọng rằng ở đâu đó, nếu còn sống Thành hãy quay về và anh sẵn lòng bao dung, tha thứ như tấm lòng anh ngày nào với cô em gái vắn số bé bỏng, thân thương...

Chia sẻ bài viết