Từ ngày 1/7/2025, toàn quốc chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã). Theo đó, cả nước có 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã đi vào hoạt động.
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp là bước đi đúng đắn và mang tính chiến lược lâu dài, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, các thế lực xấu tiếp tục tung ra luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, giở trò “hội luận”, “đối thoại”, “phân tích chuyên gia” để đả kích Đảng, Nhà nước ta.
Trên trang mạng của các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động rêu rao việc “luận bàn mô hình chính quyền hai cấp”, tạo cớ cho các đối tượng chống đối xuyên tạc, bôi nhọ. Các đối tượng khoác áo “chuyên gia” là những kẻ chống phá ở hải ngoại, gắn mác “lý luận” nhưng thực chất là sự nguỵ biện bằng việc trích chép không đầy đủ, sai lệch về chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước ta để hướng lái thành chuyện “đấu đá nội bộ”, “tinh gọn để tạo phe cánh, loại đối thủ”…

Các thế lực xấu tung lên mạng luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ việc hợp nhất địa giới hành chính, triển khai chính quyền địa phương hai cấp.
Trang Việt Tân đăng bài đả kích việc sáp nhập tỉnh, thành, phường, xã mới rồi rêu rao rằng, tình hình hiện tại “rối như canh hẹ”, cán bộ đón chào việc sáp nhập bằng cách “hối hả đốt tài liệu”. Bài viết xuyên tạc việc sáp nhập “không theo bất cứ quy định nào”, từ đó cho rằng việc sắp xếp bộ máy mới ở địa phương là “chiến dịch bố trí nhân sự” tạo ê kíp, phe cánh. Các đối tượng đưa ra thông tin sai trái rằng, cuộc sáp nhập diễn ra khi Quốc hội chưa ban hành luật mới về tổ chức chính quyền địa phương dẫn tới nhiều địa phương sau khi hợp nhất đã “rơi vào trạng thái hỗn loạn”; tung tin các bộ phận chuyên môn không được hướng dẫn rõ ràng nên trì trệ trong công việc, hồ sơ chồng chất nhưng không ai dám giải quyết, nhân sự dôi dư không biết sắp xếp thế nào còn người dân “không biết đi đâu để giải quyết thủ tục hành chính”…
Chúng quy kết việc hợp nhất “không chỉ là sự lúng túng về mặt kỹ thuật mà còn là biểu hiện của việc làm chính sách thiếu chuẩn bị, nóng vội và đầy rủi ro”. Từ đó rêu rao “sáp nhập hay cưỡng bức hoá quyền lực cá nhân”, xuyên tạc việc hợp nhất trở thành vỏ bọc để cá nhân hoá quyền lực, làm lệch hướng cải cách bộ máy nhà nước…
Một số đối tượng cũng lợi dụng vấn đề này để tung ra những luận điệu chống phá “công dụng của sáp nhập là xáo bài, đổi nhân sự”, giả giọng “hiến kế” để nguỵ biện rằng, muốn công cuộc sáp nhập thành công thì “phải cắt đuôi định hướng XHCN”… Trên một số diễn đàn, các đối tượng mượn danh “hội luận”, “toạ đàm” để đưa ra các lý lẽ sai lệch, các thông tin bị cắt ghép, đánh tráo bản chất, từ đó vẽ ra viễn cảnh “hỗn loạn do sáp nhập”, “cán bộ rối như canh hẹ” nhằm đánh vào tâm lý người đọc, gây hoang mang dư luận.
Trước những luận điệu sai trái, gây nhiễu trên mạng xã hội đòi hỏi mỗi người khi tiếp nhận thông tin cần tỉnh táo, nhận diện chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng xấu. Trong công cuộc tinh gọn bộ máy, sáp nhận đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện, cần nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như quá trình triển khai, cụ thể là:
Thứ nhất, tính tất yếu việc hợp nhất tỉnh, thành phố, hợp nhất cấp xã, triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp của hệ thống chính trị để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, những thành tựu phát triển hạ tầng kỹ thuật đặt ra thách thức lớn về đổi mới thể chế vận hành nền kinh tế mà cơ sở thực hiện là tổ chức bộ máy và không gian phát triển mới. Nhận thức rõ vấn đề này, ngay từ năm 2017, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18 - NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trong nhiều bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đến nay đã hội đủ các điều kiện chín muồi và coi đây là một cuộc cách mạng, tác động sâu rộng, cần tiến hành khẩn trương, theo cách “vừa chạy, vừa xếp hàng”, đòi hỏi sự quyết tâm, hy sinh quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…
Việc thay đổi và vận hành thể chế có liên quan mật thiết với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Chính vì thế, chỉ trong thời gian ngắn, Đảng ta ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là công việc đòi hỏi phải làm mạnh mẽ, quyết liệt như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định “chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.
Do đó, cần nhận diện, đấu tranh với các luận điệu sai trái của đối tượng xấu khi chúng đưa ra các thông tin sai lệch, xuyên tạc hòng gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự nghi ngờ, tâm lý lo lắng, hoang mang trong tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục đích, ý nghĩa công cuộc sáp nhập, tinh gọn bộ máy.
Thứ hai, tinh gọn bộ máy, sáp nhập địa giới hành chính tỉnh, thành phố và địa giới cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là việc làm khoa học, đảm bảo tính chặt chẽ. Hoàn toàn không phải là nôn nóng, vội vàng, chụp giật… như luận điệu các đối tượng xấu rêu rao. Không có chuyện sáp nhập diễn ra khi Quốc hội chưa ban hành Hiến pháp sửa đổi và luật mới về tổ chức chính quyền địa phương.
Thực tế, các vấn đề pháp lý cho việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã được Quốc hội thảo luận và ban hành đảm bảo tính chặt chẽ, dân chủ. Cụ thể, sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Điều 110 của Hiến pháp được sửa đổi như sau: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được tổ chức thành hai cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do luật định. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập”.
Tiếp đó, ngày 16/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Trên cơ sở các nguyên tắc phân định thẩm quyền, luật đã thiết kế lại toàn diện nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), bảo đảm phân định rõ, không trùng lắp, chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp chính quyền, phù hợp với mô hình quản trị địa phương hiện đại. Đồng thời, luật sửa đổi tạo cơ sở pháp lý để các luật chuyên ngành quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Thứ ba, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và hợp nhất tỉnh, thành phố, hợp nhất địa giới hành chính cấp xã nhận được sự đồng thuận rất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo dõi vấn đề này trên mạng xã hội cho thấy, người dân bày tỏ sự ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị hành chính quốc gia, giảm các tầng nấc hành chính trung gian, mở rộng không gian phát triển mới…
Không có chuyện “người dân bức xúc, phản đối, chống đối” như luận điệu kẻ xấu rêu rao. Điều này thể hiện rõ qua việc lấy ý kiến góp ý của người dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Bắc Ninh ngày 5/7, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc xây dựng chính quyền địa phương hai cấp rất hợp lòng dân, tỷ lệ ủng hộ của người dân gần như tuyệt đối. Với những gì còn vướng mắc thì Chính phủ sẽ lắng nghe các địa phương phản ánh để có chính sách phù hợp, đảm bảo chính quyền mới vận hành trơn tru.
Thứ tư, việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp do đã được chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch chặt chẽ, khoa học nên đến nay cơ bản các khâu đều thông suốt, không có chuyện “cán bộ bỏ bê, rối loạn, nhân dân không biết làm thủ tục hành chính ở đâu” như luận điệu các thế lực xấu. Chiều 1/7, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác của Trung ương đã đi thăm, kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp tại một số địa điểm ở Hà Nội.
Tại các nơi đến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kiểm tra thực tế cơ sở hạ tầng và việc ứng dụng làm việc trên môi trường mạng trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp sống làm việc trên địa bàn. Đánh giá bước đầu cho thấy, hoạt động của các đơn vị hành chính mới liên tục, thông suốt, mọi thủ tục của người dân đều được cán bộ tiếp nhận, xử lý thông suốt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới đang đặt ra yêu cầu rất cao về đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Tổng Bí thư chỉ đạo đội ngũ cán bộ công chức tiếp tục triển khai thực hiện các công việc không để gián đoạn, bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính hoạt động thông suốt đảm bảo lấy người dân là trung tâm.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, việc giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và xã đã hoạt động thông suốt, liên tục. Cùng việc giải quyết hồ sơ trực tuyến thì các lĩnh vực giải quyết trực tiếp vẫn tiến hành đúng quy định. Người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trực tiếp tại các địa điểm được tiếp nhận, giải quyết (tính đến chiều 3/7 có 59,3% hồ sơ trực tuyến và 40,7% hồ sơ nộp trực tiếp).
Về cổng dịch vụ công quốc gia, người dân chỉ cần thông qua máy tính, điện thoại di động kết nối Internet là có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Như vậy, không có cái gọi là “tình hình rối loạn”, “người dân hoang mang không biết nộp hồ sơ ở đâu”; những thủ tục hành chính đều đảm bảo vận hành thông suốt và bộ máy vận hành của cơ quan chức năng được đảm bảo. Đương nhiên, trong thời gian đầu vận hành không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh, những vấn đề đó sẽ được các cơ quan, tổ chức rà soát để xử lý như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Nguyễn Thành (Báo Công an Nhân dân)