07/08/2013 - 14:39

Vạch lộ trình để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Người dân tham gia xây dựng cầu trên địa bàn
xã Trung An, huyện Cờ Đỏ.

Nhằm đánh giá lại công tác tổ chức thực hiện, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong  triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU  của Thành ủy Cần Thơ  về  xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Thành ủy Cần Thơ thành lập Đoàn giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện chương trình XDNTM tại các xã: Trung An (huyện Cờ Đỏ), Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh) và Giai Xuân (huyện Phong Điền). Qua các buổi giám sát, Đoàn đã đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, sát sườn thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ XDNTM trên địa bàn các xã.

Chuyển biến từ nhận thức

Bắt tay vào XDNTM, các xã tổ chức bộ máy vận hành, chỉ đạo XDNTM thông qua thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý XDNTM và Ban Phát triển ấp. Đồng thời, các xã đã đưa nhiệm vụ XDNTM vào kế hoạch hàng năm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đề ra giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện các tiêu chí. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư xã Trung An, để phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các tiêu chí về XDNTM, xã thành lập 3 tiểu ban: tiểu ban tuyên truyền có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của XDNTM; tiểu ban xóa đói giảm nghèo thực hiện các dự án hỗ trợ hộ nghèo như: giải quyết nhu cầu về nhà ở, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất…; tiểu ban cảnh quan môi trường có nhiệm vụ tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp ở xã.

Song song với lập quy hoạch, viết đề án XDNTM, các xã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về XDNTM. Ông Phạm Văn Chín, Phó Bí thư xã Giai Xuân, nhấn mạnh: “XDNTM là công việc của cộng đồng dân cư, có sự hỗ trợ và định hướng của chính quyền các cấp. Giai Xuân bám sát phương châm “làm từ ngoài đồng ruộng về ấp, từ hộ gia đình ra xóm, từ xóm ấp lên xã. Xã đầu tư các công trình của xã, các ấp vận động nhân dân đóng góp xây dựng công trình của xóm ấp. Mỗi hộ dân tăng gia sản xuất; cải tạo vườn cây, ao cá; chỉnh trang hàng rào, cột cờ… ”. Ngoài ra, các phong trào “Cần Thơ chung sức XDNTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn XDNTM đã lan tỏa đến từng địa phương, từng hộ gia đình và được thể hiện trong nếp nghĩ, cách làm...

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về XDNTM có sự chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện qua sự chung tay, góp sức XDNTM của người dân nông thôn. Điển hình như xã Giai Xuân, nhân dân đóng góp trên 4,91 tỉ đồng; trong đó, hiến đất, hoa màu làm lộ giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng trên 4,82 tỉ đồng; còn lại là đóng góp ngày công lao động giặm vá đường giao thông… Người dân xã Thạnh Thắng đã chung tay giặm vá, bê-tông hóa, trải cát núi hàng chục km đường giao thông nông thôn; xây dựng đê bao tiểu vùng, làm thủy lợi mùa khô; chỉnh trang, sửa chữa nhà ở dân cư...

Thực tế cho thấy, công cuộc XDNTM ở xã Giai Xuân, Trung An và Thạnh Thắng đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ ngân sách hạn hẹp; đội ngũ cán bộ xã, ấp chưa có kinh nghiệm nên công tác XDNTM còn gặp khó khăn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành… đã ảnh hưởng đến định hướng chung, làm trì hoãn tiến độ XDNTM trên địa bàn.

Vạch lộ trình cụ thể

Theo lộ trình vạch ra, từ nay đến cuối năm 2013, xã Giai Xuân phấn đấu đạt thêm tiêu chí về nhà ở dân cư (tiêu chí số 9), nâng tổng số tiêu chí đạt lên 16/20 tiêu chí. Xã Thạnh Thắng đề ra mục tiêu hoàn thành tiêu chí về thủy lợi (tiêu chí số 3) và cung ứng dịch vụ công (tiêu chí số 20), phấn đấu đạt 15/20 tiêu chí. Riêng xã Trung An đề ra mục tiêu hoàn thành tiêu chí trường học (tiêu chí số 5) và được công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, kiến nghị: Thành phố, huyện nhanh chóng bố trí vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để xã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí cần vốn đầu tư lớn như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế, dịch vụ hành chính công… ; cần có chính sách hỗ trợ lãi suất để nông dân vay vốn, xây dựng hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, trạm bơm điện, cơ giới hóa sản xuất…) phục vụ phát triển sản xuất… Trên cơ sở quy hoạch, Đề án nông thôn mới được phê duyệt, xã Giai Xuân tập trung chỉnh trang, hoàn thiện các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ nông dân làm quen với định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn (mô hình “Cánh đồng lớn”, vườn cây ăn trái chuyên canh…).

Qua các buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn nhận định, XDNTM là công cuộc lâu dài và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy phải có nhận thức sâu sắc về tinh thần XDNTM, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khẳng định: Đối với công cuộc XDNTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp mang tính sống còn. Các xã cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trong dân, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM... Để làm được điều này, công tác tuyên truyền XDNTM phải đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”... Các thành viên trong Đoàn Giám sát đề nghị xã cung cấp số liệu cụ thể, sát với thực tiễn hơn nữa; đồng thời nêu bật những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị để thành phố sớm đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp; tập trung tuyên truyền nông thôn mới theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong dân…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: Để XDNTM chuyển mình, các xã cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về XDNTM. Các xã cần lên kế hoạch thực hiện từng tiêu chí; phân công trách nhiệm, phần việc cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo xã. Trước mắt, cần tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất gắn liền hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, từng bước tạo diện mạo nông thôn mới…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết