25/09/2014 - 19:44

Đồng bằng sông Cửu Long

Vạch lộ trình cho cơ giới hóa nông nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có thế mạnh về nông nghiệp, chuyên sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của vùng chưa đồng bộ trong gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản… Với mục tiêu hỗ trợ nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp cho vùng ĐBSCL và cả nước, Hiệp hội Máy nông nghiệp Hàn Quốc (KAMICO) phối hợp với Trung tâm Phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) triển khai Dự án Cơ giới hóa Nông nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ thông qua chương trình tài trợ ODA không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc.

* Cơ giới hóa nhanh nhưng chưa đồng bộ

Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã có bước phát triển nhanh. Ở các vùng khác nhau có mức độ cơ giới hóa khác nhau, trong đó vùng sản xuất lúa tập trung có mức độ cơ giới hóa cao. Cụ thể năm 2013, cơ giới hóa làm đất lúa vùng ĐBSCL đạt 98%, khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Hiện năng lực sấy lúa của vùng đạt khoảng 45%, chủ yếu máy sấy tĩnh vỉ ngang chiếm khoảng 90%, máy sấy tháp 10%. Các địa phương có mức độ sử dụng máy sấy cao là TP Cần Thơ (70%), An Giang và Kiên Giang (50%), Long An (40-45%), thấp nhất là Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh (20%). Ở khâu tạm trữ, tổng công suất của hệ thống kho chứa lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL đạt khoảng 6 triệu tấn nhưng đa số dùng để trữ gạo. Kho chứa lúa chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 1 triệu tấn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhượng, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP), cho biết: "Ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã có bước phát triển nhanh. Một số khâu đã được cơ giới hóa ở mức cao, góp phần giải quyết lao động nặng nhọc, tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn ở mức cao, riêng ở lúa gạo từ 11- 13%. Do vậy, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nhất là cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch là vấn đề cấp thiết hiện nay".

Tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện đạt 65%. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp của hảng KOBUTA (Nhật Bản) ở ĐBSCL.

Theo thống kê từ các đơn vị sản xuất, cung ứng máy nông nghiệp, các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả chế tạo và lắp ráp) chỉ chiếm khoảng 15-20% nhu cầu thị trường. Còn lại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Trong khi đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ giới hóa nông nghiệp của vùng ĐBSCL còn hạn chế do đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chi phí đầu tư cao nên nông dân khó tiếp cận các loại máy nông nghiệp, trình độ sản xuất, chế tạo các loại máy nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế… Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, cơ giới hóa trong sản xuất là một trong những khâu quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp vừa là nhu cầu đối với phát triển nông nghiệp vừa là động lực để phát triển ngành chế tạo máy nông nghiệp trong nước, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn".

* Vạch lộ trình cơ giới hóa nông nghiệp

Tại Hội thảo Cơ giới hóa Nông nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ do KAMICO và Trung tâm Phát triển KVIP phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Cần Thơ, các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam, doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc, DN cơ khí máy nông nghiệp ở ĐBSCL đã cùng thảo luận về thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp tại Việt Nam, vùng ĐBSCL, chia sẻ các kinh nghiệm cơ giới hóa nông nghiệp của Hàn Quốc. Từ đó đề xuất những kế hoạch khả thi để cùng hợp tác triển khai Dự án cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ cũng như thực hiện thành công mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó, Dự án được triển khai trong giai đoạn 2014-2018 và KAMICO sẽ hợp tác với KVIP triển khai Dự án Cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ từ nguồn tài trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Dự kiến, tổng kinh phí tài trợ cho dự án là 25 triệu USD. Ở giai đoạn đầu, dự án sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận máy nông nghiệp đưa vào phục vụ sản xuất tiến tới thiết lập cơ sở sản xuất và cung ứng máy nông nghiệp tại Việt Nam đảm bảo phù hợp với địa hình điều kiện sản xuất tại Việt Nam. Song song đó, KAMICO sẽ đào tạo, tập huấn cho nông dân về cách thức vận hành máy nông nghiệp để ứng dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất.

Cơ khí nông nghiệp không phải là ngành mới nhưng còn nhiều cơ hội để đầu tư và đem lại lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để trụ vững, các DN tư nhân gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển sản phẩm. Theo ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên viên Tư vấn đầu tư của Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, khi triển khai dự án, phía Hàn Quốc có thể chuyển giao công nghệ lại cho các DN Việt Nam. Song, vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để nông dân có thể mua máy đưa vào phục vụ sản xuất và gia tăng lợi nhuận. Với trên 30 năm hoạt động trong lĩnh vực máy nông nghiệp ở ĐBSCL, Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ mong muốn được tiếp cận Dự án với vai trò đối tác trong khâu nghiên cứu và triển khai dự án để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Còn ông Choo Kang Moon, Tổng Giám đốc Công ty Dooson Global, cho rằng: "Qua ý kiến của các DN Việt Nam tại hội thảo, chúng tôi nhận định rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang chú trọng cơ giới hóa ở khâu sau thu hoạch, chế biến, bảo quản để tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm. Vì thế, trong quá trình xây dựng kế hoạch Dự án, Việt Nam có thể đề xuất đơn vị triển khai phía Hàn Quốc sử dụng một phần kinh phí của Dự án để tập trung cho lĩnh vực này nhằm hoàn thiện quy trình cơ giới hóa của Việt Nam một cách đồng bộ trong cả chuỗi sản xuất lúa gạo".

Chủ tịch KAMICO Choi Nak Woo cho biết: Ngoài việc cung ứng sản phẩm cho thị trường Việt Nam, Dự án sẽ hướng tới mục tiêu xuất khẩu đi các nước trong khu vực. Trong quá trình phát triển ban đầu, DN Hàn Quốc sẽ nhập khẩu linh kiện cần thiết tiến tới sử dụng các loại linh kiện phụ tùng từ các nhà cung cấp phía Việt Nam. Vấn đề là các nhà cung cấp Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của DN Hàn Quốc và có đủ năng lực cung ứng để tham gia vào chuỗi sản xuất máy nông nghiệp này".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết