29/11/2009 - 21:06

Ước mơ của những học sinh nghèo

Hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học sinh đã sớm đầu hàng số phận, buông xuôi việc học nhưng cũng có những em, nghèo khó lại là động lực để các em phấn đấu, vượt lên số phận, hướng tới một tương lai tươi sáng. Và những học sinh mà tôi đã gặp cũng là điển hình không đầu hàng nghịch cảnh, nghèo khó...

Nguyễn Tiến Đạt và cô giáo chủ nhiệm. 

1. Mới 15 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nhưng em Nguyễn Tiến Đạt (học sinh lớp 9A1, Trường THCS An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đã sớm bươn chải với đời... Chú Trần Thanh Tiếu, cha Đạt đã 59 tuổi, bị mất sức lao động do chứng bệnh vôi cột sống nhiều năm nay. Gần đây, chú Tiếu còn bị thêm chứng bệnh thận có nước. Hoàn cảnh quá khó khăn, nên chú không quan tâm đến chuyện chữa trị. Cô Võ Thị Thuận, mẹ của Đạt có chứng bệnh động kinh và bệnh tim, hoàn cảnh gia đình đã khó nay lại càng khó hơn. Từ năm lên lớp 3, học một buổi, Đạt tranh thủ buổi còn lại đi bán vé số với mẹ. Đến hè năm lớp 8, em tranh thủ nhận làm phụ hồ. Tiền công vài chục ngàn đồng mỗi ngày của em lúc này trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Sau 3 tháng hè, em dành dụm được hơn 100 ngàn đồng mua bộ sách giáo khoa cho năm học lớp 9. Cô Thái Thị Lan, cô giáo phụ trách môn ngữ văn Trường THCS An Lạc, cho biết: “Năm Đạt học lớp 7, tôi và nhiều thầy cô khác đâu biết gia đình em nghèo khó đến vậy. Trong một lần đi chợ, tôi tình cờ thấy em bán vé số. Đến chiều, thấy em đi học, tôi gọi em lại, hỏi: em đã bán vé số hết chưa? Em nói: Dạ... em bán chưa hết. Tôi gợi ý em đem vé số vào lớp để thầy cô và các bạn mua tiếp nhưng em lễ phép từ chối. Lúc ấy tôi không nén được xúc động”.

Trong căn nhà rộng chừng 80m2 do cha mẹ cô Thuận để lại nay đã xuống cấp, mái nhà lợp tôn phần lớn đã mục được thay thế bằng cao su tạm bợ, có 4 gia đình từ 2-3 thế hệ là các chị em của cô Thuận cùng chung sống. Những ngày hai mẹ con Đạt được làm thuê thì gia đình ăn uống đầy đủ hơn, còn những ngày không có thu nhập thì gia đình phải nhờ vào sự trợ giúp từ các chị em của cô Thuận. Hoàn cảnh khó khăn nhưng Đạt đi học đều và rất ngoan. Cô Nguyễn Thị Bạch Yến, giáo viên chủ nhiệm của Đạt, cho biết: “Đạt hiền lành, thật thà và rất chăm ngoan. Trong lớp, em tích cực phát biểu, xây dựng bài nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn phải phụ giúp nhiều cho gia đình, đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc học. Giá như em được quan tâm nhiều hơn, được tạo điều kiện để yên tâm học tập”. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong học tập nhưng Đạt rất năng nổ tham gia phong trào do trường, lớp đề ra. Cứ vào mỗi sáng cuối tuần, Đạt đi bộ từ nhà tới trường để làm nhiệm vụ vệ sinh phòng bộ môn, dụng cụ học tập của trường, được các thầy cô khen ngợi.

Lên lớp 9, Đạt nghe lời cô chủ nhiệm bỏ việc phụ hồ để tập trung chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Tuy vậy, những lúc rảnh rỗi em vẫn tranh thủ nhận làm thuê những công việc lặt vặt như giặt đồ, lau nhà, rửa chén,... cho những gia đình gần nhà. Nghe tôi hỏi: “Hoàn cảnh khó khăn, em có nghĩ mình sẽ nghỉ học?”, Đạt trầm ngâm trả lời: “Em sẽ cố gắng học thật nhiều để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô và để sau này có được việc làm ổn định”.


Nguyễn Thị Kim Tiến (ngồi bên phải) cùng bạn trong Hội thi kể chuyện sách - vẽ tranh theo truyện thiếu nhi do quận Ninh Kiều tổ chức. 

2. Cô Đặng Thị Hồng Nhan, mẹ của em Nguyễn Thị Kim Tiến (học sinh lớp 8A1, Trường THCS An Hòa 1, quận Ninh Kiều), cho biết: 13 năm trước, khi mới đến Cần Thơ sinh sống, trong những ngày đầu vất vả, gia đình chú Hảo, cô Nhạn nhờ có người chị bà con cô cậu ruột cho căn nhà nhỏ ở nhờ nên nhẹ bớt gánh nặng an cư. Lúc bấy giờ, cả nhà phải tìm kế sinh nhai nên không có nhiều thời gian để ý đến việc học của Kim Tiến. Cha của Tiến kể lại: “Lúc Tiến còn nhỏ, tôi chỉ mua cuốn sách tập đọc, tập viết của lớp mẫu giáo đem về rồi nó tự học một mình. Đến khi đủ tuổi, tôi cho Tiến vào học lớp 1 luôn chứ không hề qua lớp mẫu giáo”. Với sự cố gắng của chính bản thân mình, Tiến luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi suốt 7 năm qua, trở thành niềm vui, niềm tự hào của gia đình.

Hiện nay, cha và anh hai của Tiến làm nghề đóng la-phông thuê, thu nhập mỗi tháng từ 1,5 đến 2 triệu đồng, vừa đủ trang trải các chi phí ăn uống, sinh hoạt trong gia đình. Sau giờ học ở trường, Kim Tiến phụ mẹ làm công việc nhà, từ giặt giũ, nấu cơm đến quét dọn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch đẹp. Ý thức được hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên không khi nào em xin tiền mẹ mua quà bánh hay đua đòi theo bạn bè. Mẹ của Tiến nói: “Mấy năm học trước, đồng phục đi học của Tiến cũng là của người quen cho. Chỉ có hồi lớp 1 và đầu năm học này là gia đình mua đồng phục cho Tiến. Chiếc xe đạp Tiến đi học hàng ngày cũng nhờ cô của nó mua cho”. Tuy còn nhỏ, nhưng Tiến đã biết tự sắp xếp thời gian học tập và phụ mẹ làm việc nhà. Kim Tiến bộc bạch: “Trong các môn học, em giỏi nhất môn ngữ văn nhưng em cũng rất thích môn mỹ thuật. Em ước mơ được trở thành kiến trúc sư, vì thế, em sẽ cố gắng học thật giỏi”.

Không chỉ học giỏi, Kim Tiến rất tích cực tham gia các phong trào ở trường, lớp. Trong cuộc vận động sáng tác văn học dành cho trẻ em lần thứ I do tổ chức Room to Read cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ phối hợp tổ chức vào tháng 8-2009 vừa qua, Kim Tiến không ngần ngại tham gia thi vẽ tranh. Và, em đã đoạt giải khuyến khích ở phần thi cá nhân và giải B ở phần thi tập thể. Mới đây, ở hội thi kể chuyện sách-vẽ tranh theo truyện thiếu nhi do quận Ninh Kiều tổ chức, Kim Tiến cũng đạt giải B phần thi nhóm và giải A ở phần thi tập thể. Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa, giáo viên chủ nhiệm của Kim Tiến, nhận xét: “Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Kim Tiến học rất giỏi và rất chăm ngoan. Tiến rất nhiệt tình tham gia các phong trào, giao nhiệm vụ là em luôn hoàn thành tốt. Nhờ bản thân em cố gắng phấn đấu cộng với sự quan tâm chu đáo của gia đình và sự giúp đỡ từ phía nhà trường nên em đạt được nhiều thành tích tốt”.


 Lê Thị Ngọc Huyền tranh thủ ôn bài vào buổi tối để nắm vững kiến thức đã học.

3. Dù nghèo khó nhưng dẫu sao Đạt và Tiến vẫn thấy hạnh phúc vì còn có đủ cha mẹ cùng lo lắng cho hai em. Còn em Lê Thị Ngọc Huyền (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Thới Bình, quận Ninh Kiều), từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương của cha. Sự trưởng thành của Ngọc Huyền gắn liền với ngôi nhà của ông bà ngoại. Ông ngoại của Huyền năm nay đã 82 tuổi, bà ngoại cũng đã ở tuổi 74. Niềm vui của ông bà ngoại chính là thấy Ngọc Huyền lớn khôn và học giỏi. Có lẽ vì sớm hiểu được điều này mà từ bé Ngọc Huyền đã cố gắng học, suốt 7 năm qua, em luôn đạt thành tích học sinh giỏi, xuất sắc. Bà ngoại của Huyền nói: “Nhà nghèo nhưng thấy Huyền ham học, tôi với ông ngoại cháu cũng mừng. Mỗi lần ông ngoại đi họp đều nghe cô giáo khen cháu và trong sổ liên lạc được cô nhận xét tốt nên mẹ nó và tôi cũng an tâm. Hy vọng cháu tôi vẫn luôn ham học để sau này có được tương lai tốt đẹp”. Không có cha ở bên cạnh, mẹ em lại phải đi làm công suốt ngày ở nơi khác, nên cách 1-2 ngày mẹ mới ghé qua nhà ngoại thăm Huyền. Ngay từ nhỏ, Huyền đã phải sớm học cách sống tự lập. Từ chuyện đỡ đần ông bà ngoại một số việc nhà cho đến đi học ở trường, làm bài tập ở nhà, Huyền đều tự biết mình phải làm gì. Căn phòng rộng chừng 7m2 trên gác vừa là nhà bếp cũng vừa là nơi ngủ và nơi học bài của Ngọc Huyền. Vì không có đủ chỗ cho một góc học tập đàng hoàng, Huyền lấy chiếc ghế ngồi bằng gỗ, được bà ngoại xin của dì, làm chiếc bàn mini để kê tập sách mỗi khi học bài. Thời gian qua, nhờ sự trợ giúp của Hội Khuyến học phường nên Ngọc Huyền an tâm học thêm ít môn học vào buổi tối ở trường.

Ngọc Huyền tâm sự: “Bây giờ em chỉ biết mình phải cố gắng học thật nhiều. Em ước mơ sau này được học đại học ngành Quản trị kinh doanh”. Cô chủ nhiệm của Huyền cho biết: “Huyền là một trong những học sinh nghèo nhưng rất ngoan và học giỏi. Những thành tích mà em có được chính là nhờ sự tự trau dồi và phấn đấu của bản thân em. Hầu như tất cả các bài kiểm tra ở các môn học, Huyền đều đạt điểm 9 hoặc 10. Trong lớp, Huyền còn hay giúp bạn học tốt hơn”.

Gia đình ông bà ngoại khó khăn, các chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào tiền công chạy xe ôm của cậu Ngọc Huyền và lương hưu của ông ngoại nên Huyền sớm học cách cân đối chi tiêu. Những lúc mẹ ghé thăm, Ngọc Huyền được mẹ cho tiền ăn quà sáng hay thỉnh thoảng là tiền mua sách, vở... Huyền tiết kiệm từng chút để dành mua thêm tập sách hay một số đồ dùng khác để khỏi phải tốn kém thêm tiền của mẹ và ông bà ngoại.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với sự cố gắng hết mình của các em cùng với sự quan tâm của nhà trường và xã hội, hy vọng không chỉ có Tiến Đạt, Kim Tiến và Ngọc Huyền mà tất cả những em có hoàn cảnh khó khăn khác, nếu biết nỗ lực vượt khó sẽ có nhiều cơ hội bước vào đời với một tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết