23/10/2017 - 20:52

Ứng dụng trang thiết bị hiện đại điều trị sỏi mật trong gan và sót sỏi sau mổ 

Sỏi đường mật là bệnh lý thường gặp, dễ chẩn đoán, điều trị sớm vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, sẽ gây biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chi phí điều trị cao.

 Bác sĩ La Văn Phú thăm hỏi người bệnh sau điều trị lấy sỏi.    

Theo bác sĩ La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, thời gian qua, hầu hết các bệnh sỏi đường mật chính, sỏi trong gan được phẫu thuật nội soi kết hợp nội soi và tán sỏi đường mật trong mổ, đạt hiệu quả điều trị cao tại BV. Khoa Ngoại tổng hợp đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị sỏi đường mật, sỏi trong gan tái phát và cả sót sỏi sau mổ. Nhiều trường hợp nhập viện trễ, với các biến chứng nặng như sốc nhiễm trùng đường mật, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật do người bệnh chủ quan hoặc điều trị không đến nơi đến chốn, điều trị rất tốn kém, ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Điển hình như bệnh nhân Trương Văn N.  (53 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang), phát hiện bị sỏi ống mật chủ và sỏi trong gan từ đầu năm 2017, đến điều trị tại một BV trên địa bàn TP Cần Thơ. Ông N. được phẫu thuật lấy sỏi đường mật nhưng sau phẫu thuật, các bác sĩ kiểm tra còn nhiều sỏi trong gan chưa lấy được. Hơn 9 tháng qua, ông N. thường xuyên đến BV này để theo dõi tình trạng bệnh và BV khuyên ông lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. Điều kiện kinh tế khó khăn, ông đành chịu đựng các cơn đau bụng, tức ngực kéo dài và phải mang ống dẫn lưu Kehr, túi dịch bên hông, rất bất tiện trong sinh hoạt. Gần đây, ông N. đã đến BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị bằng kỹ thuật nội soi tán sỏi mật. Trong niềm vui chuẩn bị xuất viện, ông N. chia sẻ: “Mới nhập viện hôm trước, hôm sau tui đã được nội soi và tán sỏi, các bác sĩ nói lấy khoảng 50 viên 5 -12mm nằm ở đường mật trong gan. Trước khi bác sĩ can thiệp, tui đi đứng rất khó khăn, đau đớn, giờ khỏe rồi”.

Một trường hợp khác cũng được điều trị sỏi hiệu quả tại Khoa Ngoại tổng hợp BV Đa khoa TP Cần Thơ là bệnh nhân Trần Thị G. (76 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) bị sỏi ống mật chủ, sỏi trong hai nhánh gan và sỏi túi mật nhiễm trùng cấp tính, đã biến chứng thấm mật phúc mạc, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cùng lúc mở ống mật chủ lấy sỏi kết hợp nội soi tán sỏi đường mật trong mổ và cắt túi mật. Hiện tại hậu phẫu ngày thứ 5 sức khỏe bệnh nhân đã ổn và có thể xuất viện vài ba ngày tới.

Theo các bác sĩ, sỏi mật là tình trạng sỏi hình thành trong lòng đường dẫn mật hoặc túi mật; đây là bệnh lý khá thường gặp ở Việt Nam. Đường mật có nhiệm vụ dẫn mật liên tục từ gan xuống ruột để thực hiện chức năng tiêu hóa. Khi có sỏi, quá trình lưu thông mật bị cản trở, ứ lại, gây nhiễm trùng và làm giãn đường mật. Bệnh có thể gây biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng hay viêm phúc mạc rất nặng nề, có thể tử vong, nhất là ở người già. Tình trạng bệnh kéo dài có thể dẫn tới xơ gan do ứ mật. Bệnh nhân bị sỏi đường mật thường có dấu hiệu đau vùng hạ sườn phải lan lên vai phải hoặc ra sau lưng, kèm theo sốt cao lạnh run và vàng da, vàng mắt (gọi là tam chứng Charcot). Nếu vi trùng vào máu gây nhiễm trùng huyết nặng có thêm hai dấu hiệu là rối loạn tri giác, tụt huyết áp (gọi là ngũ chứng Reynolds).

Bác sĩ La Văn Phú cho biết, trước đây khi chưa có máy nội soi đường mật chuyên dụng và máy tán sỏi mật bằng điện - thủy lực, trong mổ các bác sĩ rất khó xác định đường mật còn sỏi hay không, nhất là sỏi đường mật trong gan. Do đó, bệnh nhân rất dễ bị sót sỏi; thậm chí nhiều trường hợp biết là còn sỏi đường mật trong gan nhưng cũng không thể lấy hết được, đành chủ động để sỏi lại và chuyển bệnh nhân lên các BV ở TP Hồ Chí Minh để điều trị tiếp. Từ ngày BV được trang bị đầy đủ trang thiết bị điều trị bệnh sỏi mật hiện đại từ nguồn vốn ODA, hầu hết các bệnh nhân bị sỏi đường mật, kể cả sỏi mật trong gan và sỏi mật tái phát đều được áp dụng phẫu thuật nội soi kết hợp nội soi tán sỏi trong mổ, giúp điều trị triệt để và giải quyết hết sỏi cho bệnh nhân. BV đã thực hiện nội soi tán sỏi mật qua đường hầm Kehr điều trị cho nhiều trường hợp sót sỏi mật trong gan sau mổ từ các địa phương khác tới.

Cũng theo bác sĩ La Văn Phú để thực hiện kỹ thuật này, đòi hòi kỹ thuật viên phải có kinh nghiệm trong phẫu thuật đường mật, được đào tạo nội soi tán sỏi đường mật, phải có máy nội soi và máy tán sỏi đường mật chuyên dụng. Đây là kỹ thuật khá phức tạp, chuyên sâu. Đối với nội soi, tán sỏi mật qua đường hầm Kehr  rất nhẹ nhàng, gần như không đau, bệnh nhân không phải mổ lại, đa số các trường hợp điều trị triệt để sỏi, sau khi thực hiện kỹ thuật 2 giờ, bệnh nhân có thể ăn uống đi lại bình thường, có thể xuất viện ngày hôm sau.  Hiện BV Đa khoa TP Cần Thơ đã thực hiện các kỹ thuật này một cách thường quy, đồng thời người bệnh BHYT được thanh toán chi phí điều trị theo quy định.

Bệnh sỏi mật liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhất là nhiễm ký sinh trùng, chế độ ăn uống và bệnh lý chuyển hóa. Để phòng bệnh sỏi mật và hạn chế sỏi tái phát, bác sĩ La Văn Phú khuyến cáo ăn uống hợp vệ sinh, chế độ ăn nhiều rau quả, trái cây, giàu chất đạm, hạn chế thức ăn giàu chất béo; ăn đủ ngày 3 bữa, thường xuyên vận động, tẩy giun định kỳ, khi có nhiễm trùng đường tiêu hóa phải điều trị triệt để; siêu âm gan mật định kỳ nhằm phát hiện sớm sỏi mật, nhất là bệnh nhân đã có tiền sử điều trị bệnh sỏi mật.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết