Năm 2011, sản lượng lúa hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ ước đạt trên 1,33 triệu tấn, tăng 133.816 tấn so với năm 2010. Đến nay, diện tích lúa thu đông 2011 chỉ còn khoảng 170ha ở huyện Vĩnh Thạnh đang thu hoạch, nông dân các quận, huyện đang chuẩn bị giống lúa, vệ sinh đồng ruộng sẵn sàng cho việc xuống giống lúa đông xuân 2011-2012 khi nước lũ rút. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, về công tác chuẩn bị, cũng như khuyến cáo cho vụ đông xuân tới.
* Thưa ông, để đạt thắng lợi trong vụ đông xuân tới, ngành nông nghiệp có khuyến cáo gì đến nông dân trồng lúa trên địa bàn thành phố?
-Năm 2011, dù chi phí sản xuất lúa liên tục tăng cao, nhưng nhờ thực hiện tốt các biện pháp giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nông dân tại thành phố đã có lợi nhuận bình quân 58,7 triệu đồng/ha/3 vụ lúa, tăng hơn gấp 3 lần so với trước đó. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để có được kết quả tốt nhất trong vụ đông xuân tới.
Vụ đông xuân 2011-2012, thành phố dự kiến xuống giống 87.500ha lúa, chia làm 2 đợt. Trong đó đợt xuống giống trong nửa cuối tháng 11-2011 sẽ tập trung khoảng 70% diện tích, số còn lại sẽ xuống giống vào đợt 2 trong nửa cuối tháng 12-2011. Hiện nay, nước lũ chưa rút, nên nông dân cần chú ý liên kết các nông hộ trong cánh đồng cùng đê bao để bơm tát nước, làm đất chuẩn bị cho vụ lúa mới. Đồng thời, phải chọn lựa giống lúa phù hợp, có thời gian sinh trưởng bằng nhau, nhằm thuận lợi trong việc chăm sóc lúa và thu hoạch tập trung bằng máy gặt đập liên hợp trên cùng cánh đồng. Năm 2011, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp và dự đoán tình hình này sẽ tiếp diễn trong năm 2012. Do vậy, bà con nông dân cần theo dõi thời tiết và nắm chắc tình hình đồng ruộng để chủ động bơm thoát nước và thực hiện đúng các khuyến cáo về lịch thời vụ của ngành chức năng để tránh xuống giống bị thiệt hại do mưa lũ và các loại dịch hại, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa...
 |
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, năm 2011 nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đã có các vụ mùa bội thu. Trong ảnh: Thu hoạch lúa thu đông 2011 bằng máy gặt đập liên hợp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: CTV |
Năm nay lũ lớn, lượng phù sa bồi lắng trên đồng ruộng cũng nhiều hơn các năm trước, thời gian phân hủy rơm rạ và cách ly các mầm bệnh cũng dài hơn. Do vậy, nông dân nên lưu ý tiết kiệm chi phí bơm thoát nước và hạn chế bón phân, phun xịt thuốc cho lúa, nhất là trong giai đoạn đầu. Cần bón phân theo bảng so màu lá lúa và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tránh lãng phí để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Mặt khác, nông dân không nên sạ quá dày, vì kinh nghiệm cho thấy sạ dày vừa tốn nhiều giống mà năng suất lúa cũng không đạt cao, nên sạ từ 80-100kg lúa giống/ha.
* Như vậy, cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2011-2012 trên địa bàn thành phố được tính toán như thế nào, thưa ông?
- Nhằm đảm bảo cho việc sản xuất lúa 3 vụ trong năm, ngoài việc chủ động xuống giống sớm trong vụ đông xuân thì khâu giống rất quan trọng. Thường trong 3 vụ lúa, phải có 1 vụ sử dụng giống lúa ngắn ngày hoặc luân canh trồng hoa màu nhằm rút ngắn thời gian, đảm bảo sản xuất lúa vụ 3 chạy lũ. Vụ đông xuân là vụ lúa quan trọng, thành phố không khuyến khích nông dân sạ giống ngắn ngày mà ưu tiên sản xuất các giống lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao như: Jasmine, VD 20, OM4218, OM2517, Cần Thơ 1 (OM 7347), Cần Thơ 2, Cần Thơ 3... và một số giống mới triển vọng. Nông dân cần sử dụng giống xác nhận, chọn giống năng suất, phẩm chất tốt, đảm bảo độ thuần và ngâm ủ tốt trước khi gieo sạ, đảm bảo cây lúa khỏe ngay giai đoạn đầu.
Thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện mô hình sản xuất lúa giống 3 cấp. Qua kiểm tra thực tế việc chuẩn bị lúa giống tại nhiều quận, huyện khá tốt. Do vậy, đảm bảo vụ đông xuân đạt kết quả cao, các địa phương cần khuyến cáo nông dân gieo sạ cùng 1 giống lúa trên 1 cánh đồng để thuận lợi trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Song song đó, tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh chương trình sản xuất lúa giống 3 cấp, nhằm đảm bảo nguồn giống cho các vụ lúa tiếp theo. Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục để bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của nhà nước phục vụ cho việc phát triển sản xuất lúa giống, đầu tư lò sấy lúa, mua máy gặt đập liên hợp...
Đông xuân là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm và có tính quyết định đến thời vụ của các vụ lúa tiếp theo. Hiện giá lúa đang ở mức cao đã tác động tích cực trong việc tạo động lực giúp nông dân hăng hái chuẩn bị và mạnh dạn đầu tư cho sản xuất lúa đông xuân 2011-2012. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thành phố, để vụ lúa đông xuân tới đạt hiệu quả và giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận, các địa phương cần khuyến cáo nông dân sử dụng giống tốt, làm đất và làm vệ sinh đồng ruộng sớm, củng cố các đê bao, xuống giống tập trung từng vùng theo lịch thời vụ.
|
* Những loại sâu bệnh và dịch hại nào nông dân cần chú ý trong vụ đông xuân này, thưa ông?
-Có 4 đối tượng gây hại mà nông dân cần cảnh giác và chủ động phòng tránh là: rầy nâu; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đốm vàng, đạo ôn. Nông dân phải thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý các loại sâu bệnh, dịch hại lúa. Chú ý khi phòng, trị sâu bệnh bà con phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng đúng loại thuốc, phun đúng liều, đúng lúc, đúng cách. Không phun thuốc pha trộn, phun trước đón đầu sâu bệnh theo tập quán vì sẽ gây nhiều tác động xấu và có thể tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát mạnh hơn sau đó.
* Xin cảm ơn ông!
KHÁNH TRUNG (thực hiện)