27/09/2017 - 20:16

Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường 

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và  công nghệ (KH&CN) cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Thời gian qua, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu KH&CN đã được triển khai và áp dụng ở TP Cần Thơ góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

TP Cần Thơ đang quan tâm tìm kiếm các giải pháp công nghệ xử lý rác thải. Trong ảnh: Phân loại rác tại bãi rác Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.

Kết quả bước đầu

Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Môi trường là một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Do vậy, thành phố luôn quan tâm ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống.

Thời gian qua, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường tại TP Cần Thơ đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả nhất định. Mùi hôi từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi là vấn đề cần xử lý. Năm 2014, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ nghiên cứu chế tạo thiết bị xử lý mùi bằng công nghệ enzyme và xử lý mùi bằng công nghệ oxy hóa sâu. Trong đó, công nghệ enzyme dùng nguyên liệu chính từ 80-120 loại vi sinh vật có ích, khi thiết bị hoạt động, dung dịch enzyme sẽ được đưa lên từ bình chứa enzyme và được phát tán nhanh trong không khí thông qua hệ thống quạt, phá vỡ các phân tử mùi. Với công nghệ oxy hóa sâu, khi hoạt động thiết bị sản sinh ra Ozone và khí này sẽ tự động lan tỏa trong không khí, Ozone sẽ oxy hóa làm gãy, phá vỡ liên kết của các phân tử mùi. Tùy vào điều kiện môi trường cần xử lý, có thể tách riêng hoặc sử dụng kết hợp hai thiết bị xử lý mùi này để tạo ra hiệu quả tối ưu. Thiết bị này được Công ty Thức ăn gia súc Meko lắp đặt từ năm 2015, góp phần đáng kể trong xử lý mùi hôi từ hoạt động sản xuất của công ty.

Cuối năm 2016, Sở KH&CN thành phố nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình cải tiến cụm xử lý nước tại các trạm cấp nước nông thôn dựa trên công nghệ oxy hóa sâu” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ chủ trì thực hiện. Dự án ứng dụng công nghệ oxy hóa sâu trên cơ sở tích hợp từ trường, điện phân và công nghệ va đập phân tử với oxy không khí (có tăng cường ozone) để lắp đặt vào hệ thống trạm cấp nước có sẵn nhằm cải thiện chất lượng nước cấp. Đồng thời, tạo điểm tham quan học tập về ứng dụng công nghệ mới trong xử lý nước sinh hoạt. Dự án đã chọn 1 trạm cấp nước có hàm lượng sắt cao (trạm Mỹ Ái, huyện Phong Điền), 1 trạm có độ cứng cao (trạm Long Tuyền, quận Bình Thủy) và 1 trạm có độ nhớt cao (trạm Thới Long, quận Ô Môn) để thực hiện phương pháp xử lý phù hợp với từng điều kiện nước. Qua 1 năm triển khai, theo kiểm định, chất lượng nước đầu ra cho kết quả đạt chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống với công suất 15m3/giờ/trạm, hiệu suất xử lý độ cứng trong nước là 40%, hàm lượng sắt là hơn 90% và xử lý hết độ nhớt, bước đầu mang lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.

Chú trọng giải pháp công nghệ xử lý rác thải

Vấn đề môi trường rác thải sinh hoạt đang diễn ra phức tạp, gây nhiều bức xúc tại các cộng đồng dân cư. Quản lý chất thải rắn là trách nhiệm chung của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Việc xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý chất thải rắn là nhiệm vụ cần thiết. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia nghiên cứu triển khai mạnh mẽ các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN thành phố thẩm định nhiều dự án của các doanh nghiệp trong xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam thực hiện dự án "Lò đốt rác thải nguy hại”. Lò đốt rác được thiết kế áp dụng công nghệ mới hiện đại với nhiều tính năng ưu việt, như: Không dùng nhiên liệu; xử lý mùi và khí thải ra môi trường; công suất vừa phải, vốn đầu tư ít, triển khai nhanh phù hợp cho thị xã, phường, thị trấn, nhất là các xã nông thôn mới; chi phí vận hành thấp, ít nhân lực.

Công nghệ sản xuất lò đốt rác thải sinh hoạt đã được giới chuyên môn trong nước và quốc tế quan tâm những năm qua. Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ phù hợp và tối ưu trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt nông thôn. Nhằm áp dụng quy trình công nghệ mới trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho việc xử lý rác thải mang tính ổn định, Công ty TNHH DV TM Minh Thông làm đơn vị chủ trì thực hiện "Cải tiến lò đốt rác sinh hoạt để nâng cao hiệu quả xử lý rác thải tại khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ". Bên cạnh đó, dự án còn góp phần giảm chi phí cho công đoạn phân loại rác, tăng năng suất trong việc xử lý rác thải sinh hoạt và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Với mục tiêu xử lý toàn bộ lượng nước rỉ rác phát sinh hằng ngày và lượng nước rỉ tồn đọng tại khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đã xây dựng “Dự án trạm xử lý nước rỉ rác công suất 100m3/ngày đêm tại khu xử lý chất thải rắn Đông Thắng”. Dự án được thực hiện gần khu vực các ao chứa nước rỉ rác hiện hữu thuộc khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công nghệ được lựa chọn là công nghệ xử lý tổng hợp dựa trên nền tảng các giải pháp đã và đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Dự án ngoài mục tiêu chính xử lý toàn bộ lượng nước rỉ rác phát sinh hằng ngày và lượng nước rỉ tồn đọng còn góp phần giảm thiểu các tác động môi trường do nước rỉ rác gây ra đối với khu vực xung quanh khu xử lý chất thải rắn Đông Thắng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động cũng như sau khi đóng cửa khu xử lý chất thải rắn Đông Thắng. Thời gian hoạt động dự kiến là 10 năm (thời gian khấu hao là 15 năm). Ông Hoàng Hậu Giang, cán bộ xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Thời gian qua, người dân khu vực xung quanh bãi rác khá bức xúc vì mùi hôi và nước rò rỉ từ bãi rác phát tán ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Do vậy, khi dự án xử lý nước rỉ rác được triển khai thực tế sẽ góp phần giải quyết bức xúc của người dân và bảo vệ môi trường.

Hoạt động KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 5 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển KH&CN đến năm 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012). Theo Luật Bảo vệ Môi trường, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có ứng dụng các giải pháp KH&CN mới, sẽ được hỗ trợ về vốn… Với những chính sách này, hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới từ các cơ quan, doanh nhgiệp để góp phần bảo vệ môi trường và phát triển thành phố bền vững...

Bài, ảnh: LẠC MẪN 

Chia sẻ bài viết