18/01/2023 - 10:30

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm sát và xét xử 

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết vụ án của ngành Tòa án Nhân dân (TAND) và Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) 2 cấp ở TP Cần Thơ đã góp phần tạo môi trường làm việc thuận lợi; đồng thời, tăng cường tính minh bạch, khách quan, giảm bớt thủ tục trong công tác truy tố, xét xử các loại án.

Xét xử trực tuyến góp phần đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch trong giải quyết án.

Xét xử trực tuyến góp phần đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch trong giải quyết án.

Tổ chức các phiên tòa trực tuyến là một trong những chủ trương lớn của TAND tối cao. Tại TP Cần Thơ, trong năm 2022, đã tổ chức được 17 phiên tòa trực tuyến. Trong đó, TAND thành phố tổ chức 4 phiên (2 phiên tòa hình sự sơ thẩm; 2 phiên tòa hành chính); TAND các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh đều tổ chức được 1 phiên; Thới Lai tổ chức 2 phiên; Ô Môn và Thốt Nốt mỗi nơi tổ chức 3 phiên. Ngoài ra, TAND 2 cấp của thành phố đã tổ chức được 174 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó TAND thành phố tổ chức 23 phiên tòa, TAND cấp huyện tổ chức 151 phiên tòa. Qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng điều khiển phiên tòa, chuyên môn nghiệp vụ cho thẩm phán.

Công tác đăng bản án, quyết định có hiệu lực lên cổng thông tin điện tử của TAND cũng được lãnh đạo tiếp tục quan tâm và chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định. Năm 2022, TAND 2 cấp của thành phố đã đăng tải được 4.809 bản án, quyết định. Trong đó, TAND thành phố đăng tải 533 bản án, quyết định; TAND cấp huyện đăng tải 4.276 bản án, quyết định. Những hoạt động này góp phần công khai, minh bạch các hoạt động xét xử của TAND 2 cấp. 

"Để nâng cao chất lượng xét xử, TAND 2 cấp thành phố tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của tòa án; thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả các phần mềm của hệ thống tòa án như: trợ lý ảo, quản lý án... thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng, giúp pháp luật được thực thi hiệu quả trên nền tảng công nghệ số" - ông Thái Quang Hải, Chánh án TAND TP Cần Thơ, chia sẻ.

Nhằm phục vụ tốt công tác kiểm sát, năm 2022, VKSND TP Cần Thơ xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; thúc đẩy chuyển đổi số. VKSND thành phố đã chủ động tổ chức cho tất cả công chức tập huấn kết hợp thực hành ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành do VKSND tối cao xây dựng; tất cả công chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý đều được cung cấp và sử dụng tốt chứng thực chữ ký số; tổ chức 2 đợt tập huấn về ứng dụng phần mềm vẽ sơ đồ tư duy trong việc giải quyết vụ án. Cán bộ, kiểm sát viên chủ động, thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; 100% tài liệu, văn bản được trao đổi trong ngành qua phần mềm quản lý văn bản và hệ thống thư điện tử (trừ văn bản mật). Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung nâng cao số lượng, chất lượng phiên tòa “số hóa hồ sơ” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, đảm bảo tính thuyết phục trong quá trình tố tụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giải quyết án bằng phần mềm vẽ sơ đồ tư duy, thông qua sơ đồ tư duy hệ thống được các quy định pháp luật, phân tích, đánh giá chứng cứ vụ án, rút ngắn thời gian báo cáo án, là một phương pháp khoa học chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ông Phạm Thanh Từng, Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ, cho biết: "VKSND thành phố xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết công việc là nhiệm vụ đột phá trong năm 2023. Ngành sẽ tập trung phát huy kỹ năng, kỹ thuật hướng tới số hóa trong thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ; vận dụng tốt các phần mềm để “vẽ sơ đồ tư duy” vụ án, vụ việc. Tiếp tục nâng cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu phần mềm dùng chung trong ngành và sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý đã xây dựng, vận hành. Đổi mới trang Thông tin điện tử tổng hợp VKSND TP Cần Thơ, chủ động thực hiện các bài viết tuyên truyền mang tính chuyên sâu gắn với hình ảnh hoạt động, gương người tốt việc tốt trong ngành; kịp thời phổ biến những chính sách mới, quy định của pháp luật".

Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ và tiến tới chuyển đổi số trong hoạt động, chỉ đạo điều hành là mục tiêu mà các cơ quan tư pháp thành phố đang hướng tới. Hoạt động này không chỉ giúp các cơ quan quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc một cách chuyên nghiệp mà còn phục vụ đắc lực cho công tác giải quyết án và kiểm sát xét xử, thể hiện sự công khai, minh bạch, rõ ràng, hạn chế thấp nhất các vụ án bị hủy, sửa...

Chia sẻ bài viết