02/08/2021 - 06:46

Ứng dụng cộng nghệ định danh khách hàng điện tử trong lĩnh vực tài chính 

Ngày nay, việc số hóa các quy trình nhận biết và xác thực khách hàng (KYC) là một yếu tố rất quan trọng góp phần tạo sự thuận tiện và giảm chi phí cho các dịch vụ tài chính. Một khía cạnh quan trọng của kỹ thuật số hóa là cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể phục vụ khách hàng hoàn toàn thông qua các kênh trực tuyến và di động được hỗ trợ bởi ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, loại bỏ hoàn toàn mọi sai sót khi nhập tay thủ công.

Giao dịch trên Mobile Banking, Internet Banking sẽ tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí cho khách hàng lẫn ngân hàng (ảnh chụp tại Ngân hàng Vietbank - Chi nhánh Cần Thơ). Ảnh: Thiện Khiêm

Giao dịch trên Mobile Banking, Internet Banking sẽ tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí cho khách hàng lẫn ngân hàng (ảnh chụp tại Ngân hàng Vietbank - Chi nhánh Cần Thơ). Ảnh: Thiện Khiêm

Theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện là “cho phép áp dụng quy trình nhận biết khách hàng đơn giản và gián tiếp từ xa bằng phương thức điện tử trực tuyến (e-KYC) đối với việc mở tài khoản tại các tổ chức được cấp phép để phục vụ cho nhu cầu thanh toán giá trị nhỏ của cá nhân và doanh nghiệp”. Chính sách này khi được triển khai tại Việt Nam cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong giao dịch mở tài khoản thanh toán cho người dân và góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì việc mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng qua kênh điện tử, qua đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 5-3-2021, cho phép các ngân hàng mở tài khoản cá nhân xác thực điện tử (e-KYC) từ xa mà không cần đến quầy giao dịch. Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối Khách hàng Cá nhân của HDBank - 1 trong 4 ngân hàng được NHNN cho phép thí điểm thực hiện xác thực khách hàng từ xa cho biết, có quy định e-KYC việc mở tài khoản trực tuyến chỉ trong vòng 2 phút ngay trên chiếc điện thoại thông minh (Smart phone) có kết nối internet, không kể khoảng cách thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, việc làm này còn giúp bảo vệ sức khỏe người giao dịch và giảm nguy cơ lây nhiễm khi các chủng mới của vi-rút Corona còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, e-KYC sẽ hạn chế các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được như làm giả chứng minh thư, thẻ căn cước, lừa đảo, rửa tiền…

Theo các ngân hàng, ứng dụng e-KYC góp phần khuyến khích người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại quầy sang giao dịch trực tuyến nhằm hướng đến một xã hội không tiền mặt. Mặc dù giai đoạn này e-KYC mới chỉ giúp ngân hàng thiết lập mối quan hệ với khách hàng, có thể tiếp cận các dịch vụ thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và là tiền đề cho các dịch vụ tài chính khác trong tương lai. Tuy nhiên, đây là bước đầu tiên và quan trọng trong chiến lược kinh doanh lâu dài của ngân hàng, ngân hàng kỳ vọng doanh thu tăng trưởng qua các giao dịch thanh toán trên ứng dụng (App). Bên cạnh đó, ứng dụng e-KYC còn tiết kiệm trong đầu tư vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Các quy trình tự động hóa sẽ giảm các thủ tục giấy tờ, tăng năng suất lao động lên gấp nhiều lần.

Hiện tại, một số ngân hàng đã áp dụng hình thức e-KYC trong việc mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ. Hoạt động cho vay là một trong những trụ cột doanh thu của ngân hàng, tới đây các ngân hàng sẽ áp dụng nhiều vào các khoản vay tiêu dùng tín chấp. Tuy nhiên, hoạt động cho vay trực tuyến sẽ theo xu hướng cấp hạn mức cho khách hàng còn các quy trình tuân thủ vẫn phải đảm bảo theo quy định về chứng từ và chữ ký trên hồ sơ vay vốn.

Theo các chuyên gia công nghệ, rủi ro lớn nhất của việc triển khai e-KYC đối với ngân hàng là khách hàng chưa có nhiều hiểu biết về e-KYC cũng như bảo vệ thông tin cá nhân còn thấp nên dễ có thể bị rò rỉ thông qua việc chia sẻ khi tham gia các hoạt động trên các môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, đối với ngân hàng các giao dịch bị gian lận từ việc bị rò rỉ thông tin có thể ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng mặc dù về mặt kỹ thuật các ngân hàng cũng đã chủ động phòng ngừa khá tốt. Chính vì thế các ngân hàng phải đẩy mạnh tuyên truyền để khách hàng nắm bắt và hiểu rõ về e-KYC; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin đến khách hàng để giảm thiểu rủi ro cho chính ngân hàng và khách hàng giao dịch từ xa.

e-KYC sẽ là một bước quan trọng trong việc mở rộng khách hàng cho các tổ chức tín dụng, nhưng mỗi ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần phải sử dụng công nghệ theo các chuẩn an toàn quốc tế để bảo mật cho chính tổ chức tín dụng và khách hàng giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, NHNN vẫn tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp lý để các tổ chức tín dụng phát triển số hóa các dịch vụ ngân hàng, tăng tiện ích phục vụ người dân giao dịch và hướng tới tài chính toàn diện. Khuyến khích các ngân hàng phát triển và sử dụng các chuẩn bảo mật quốc tế để đảm bảo an toàn thông tin tài chính cho người sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trên môi trường viễn thông, internet.

Theo các chuyên gia bảo mật của Kaspersky, nắm bắt được tính bảo mật mạnh của các ngân hàng, tội phạm mạng gần đây chuyển sang tấn công người tiêu dùng bằng cách tạo ra một trang web ngân hàng có giao diện giống với trang web ngân hàng hợp pháp nhằm đánh lừa người dùng. Nhất là khi người Việt ngày càng chuộng sử dụng ngân hàng trực tuyến, Kaspersky đề nghị người dùng tuân thủ các nguyên tắc bảo mật do chính phủ và các tổ chức tài chính đưa ra để chống lại các cuộc tấn công gian lận này. Phải luôn cảnh giác khi thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến như cẩn trọng với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi đây là những dấu hiệu của âm mưu từ tội phạm mạng. Ngân hàng số đang trở thành một xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2020, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên Mobile Banking tại Việt Nam là 200%, giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300.000 tỉ đồng/ngày.

Ths. TRẦN TRỌNG TRIẾT

Chia sẻ bài viết