30/07/2022 - 07:22

UAV trong cuộc chiến ở Ukraine 

Trong xung đột ở Đông Âu hiện nay, có hàng ngàn máy bay không người lái (UAV) đang được quân đội Ukraine lẫn Nga sử dụng để xác định vị trí của đối phương, phóng tên lửa hoặc tiến hành pháo kích trực tiếp.

UAV Orlan-10 trên bệ phóng. Ảnh: Wikiwand

UAV Orlan-10 trên bệ phóng. Ảnh: Wikiwand

Thiết bị UAV quân sự chính mà lực lượng Ukraine đang sử dụng là phương tiện bay Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Có sải cánh 12m, dài 6,5m và trọng tải hữu ích 150kg, Bayraktar TB2 được trang bị camera trên khoang cùng bom dẫn đường bằng laser. Khi vận hành, chúng có thể bay tự động hoặc được điều khiển từ xa bởi trạm kiểm soát trên mặt đất với vận tốc tối đa 222km/h, trong bán kính 150km từ trạm và thời gian 25-27 tiếng đồng hồ.

Trên thực địa, Bayraktar TB2 tỏ ra hiệu quả cao khi được Kiev sử dụng để tấn công vào các mục tiêu như kho đạn, góp phần ngăn đà tiến của quân Nga. Thành công này giúp UAV quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nâng mức độ hấp dẫn trước các vũ khí của Mỹ và Trung Quốc. Ngoài UAV kể trên, Ukraine hiện được Mỹ viện trợ khoảng 700 thiết bị bay Switchblade, vốn được gọi là UAV “sát thủ” vì chúng được lập trình tự động và bay trong không trung cho đến khi tìm thấy mục tiêu và chọn được thời điểm tấn công.

Trong khi đó, Nga chủ yếu sử dụng UAV chiến thuật Orlan-10 có sải cánh hơn 3m, chạy bằng động cơ xăng và hoạt động khoảng 16 tiếng. Các thiết bị được gắn máy quay và có khả năng phóng tên lửa. Trước khi xung đột bùng phát, Orlan-10 là UAV phổ biến nhất trong lực lượng Nga với hàng ngàn thiết bị được chế tạo và triển khai rộng rãi bởi các đơn vị pháo binh với nhiệm vụ là “mắt thần” trinh thám. Mát-xcơ-va đang bổ sung thêm thiết bị hỗ trợ để biến Orlan-10 thành các máy bay ném bom. Theo Nhà Trắng, Nga bên cạnh Orlan-10 còn đang mua UAV quân sự Shahid từ Iran.

Hiệu quả và hạn chế của UAV

Tiến sĩ Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu của Hoàng  gia Anh về quốc phòng và an ninh (Rusi) cho biết, UAV mà Nga và Ukraine sử dụng tỏ ra hiệu quả nhất khi tìm mục tiêu đối phương và dẫn đường cho các cuộc tấn công của lực lượng pháo binh. Theo đó, binh sĩ Nga có thể nã súng vào đối thủ chỉ trong vòng 3-5 phút sau khi UAV Orlan-10 phát hiện mục tiêu. Nếu không có chúng, phải cần 20 đến 30 phút để tiến hành một cuộc tấn công như vậy. Nhưng có một điểm trừ là động cơ Orlan-10 phát ra tiếng ồn rất lớn, do đó dễ bị phát hiện nếu áp sát mục tiêu ở tầm thấp. Các nhà vận hành UAV này buộc đưa chúng bay lên cao hơn để tránh bị đối phương phát hiện, khoảng cách này lại làm ảnh hưởng tới khả năng đánh bom chính xác của UAV chiến thuật.

Còn bên kia chiến tuyến, theo Tiến sĩ Martina Miron tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn (Anh), UAV quân sự cho phép quân đội Ukraine dàn trải lực lượng vốn hạn chế và giảm tỷ lệ thương vong. Nếu trước đây, quân đội phải cử các lực lượng đặc biệt và có nguy cơ mất binh sĩ để tìm kiếm vị trí của đối thủ, thì nay chỉ cần một chiếc máy bay không người lái.

Nhưng sau 5 tháng xung đột, đội quân UAV của Ukraine dần trở nên kém hiệu quả sau khi Nga cải tiến hệ thống phòng không. Nhiều chiếc Bayraktar vốn có kích cỡ lớn, di chuyển tương đối chậm và chỉ bay ở độ cao trung bình khiến chúng dễ dàng bị bắn hạ. Ngoài ra, chi phí đắt đỏ với mỗi chiếc Bayraktar TB2 có giá khoảng 2 triệu USD cũng là nguyên nhân khiến Ukraine cân nhắc chuyển sang UAV thương mại cỡ nhỏ, chẳng hạn như DJI Mavic 3 chỉ khoảng 2.000USD. Thường các UAV thương mại được dùng để tìm kiếm quân địch và tấn công trực tiếp. Chúng chủ yếu phù hợp với các loại bom nhỏ, nên uy lực cũng kém hơn so với phiên bản quân sự. Đơn cử như DJI Mavic, tầm hoạt động loại UAV này chỉ khoảng 30km và bay trong 46 phút.

Tiến sĩ Miron cho biết Nga sử dụng hệ thống phòng thủ bằng radar để chống lại UAV quân sự và thiết bị điện tử như súng bắn xung điện từ Stupor nhằm đối phó các UAV thương mại di chuyển bằng hệ thống định vị GPS. Bên cạnh đó là các hệ thống trực tuyến như Aeroscope để phát hiện và làm gián đoạn liên lạc giữa các UAV thương mại và người điều khiển chúng. Mát-xcơ-va cũng có khả năng khiến UAV gặp sự cố hoặc quay trở lại căn cứ và ngăn chúng gửi thông tin.

Trung bình, giới quân sự ước tính một chiếc UAV của Ukraine chỉ tồn tại trong một tuần. Gần đây, Kiev đã lên tiếng kêu gọi nguồn vốn từ cộng đồng để mua thêm 200 chiếc UAV quân sự, hướng tới mục tiêu phát triển đội quân không người lái nhằm xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Chính phủ Ukraine cũng kêu gọi quốc tế đóng góp UAV dân sự loại nhỏ, có thể gởi trực tiếp cho các cơ quan trong nước hoặc tới các nhà kho ở Mỹ hay Ba Lan trước khi đưa ra mặt trận cho quân đội nước này.

MAI QUYÊN (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết