05/08/2024 - 23:29

UAV cảm tử trong chiến tranh hiện đại 

Máy bay không người lái (UAV) cảm tử lâu nay được quảng bá như là “kẻ làm thay đổi cuộc chơi” trong chiến tranh hiện đại nhưng loại vũ khí này có thực sự mang tính cách mạng, có thể tái định hình chiến trường châu Âu và châu Á trong tương lai hay không hiện vẫn còn là nghi vấn.

Shahed 136, UAV được Nga chuộng dùng trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: AP

Tờ The War Zone hồi tháng rồi cho biết, Mỹ đang cân nhắc tiềm năng của UAV cảm tử trong chiến lược quân sự của nước này. Phát biểu tại phiên họp trực tuyến gần đây do Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell tổ chức, Tướng James Hecker, Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, cho rằng UAV cảm tử vừa là mối đe dọa và là cơ hội cho chiến lược quân sự. Theo ông Hecker, độ chính xác và sự phổ biến của các UAV cảm tử rẻ tiền, chẳng hạn như Shahed 136 do Iran thiết kế, khiến hệ thống phòng thủ của đối phương gặp nhiều thử thách. Những chiếc UAV này có giá dao động từ 50.000USD-150.000USD/chiếc, mang lại khả năng tấn công từ xa hiệu quả về mặt chi phí, đặc biệt là đối với các thành viên và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) có ngân sách hạn chế.

Và cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy UAV cảm tử là loại vũ khí tàn khốc trên chiến trường, có thể định hình lại khái niệm chiến đấu. Theo đó, Nga đã sử dụng UAV Shahed để nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine.

Theo Tướng Hecker, để chống lại những mối đe dọa từ UAV cảm tử, quân đội Mỹ cần phải có những cách tiếp cận mới, chẳng hạn như mạng lưới cảm biến âm thanh đặc biệt của Ukraine. Mạng lưới này sử dụng hàng ngàn điện thoại di động và micrô để phát hiện các cuộc tấn công bằng UAV sắp diễn ra, từ đó cảnh báo các đội săn UAV trên mặt đất, vốn chủ yếu được trang bị súng máy gắn trên xe tải. “Ðây là điều chúng ta không thể làm được. Chúng ta không thể chống UAV cảm tử bằng tên lửa đất đối không Patriot. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể sử dụng chúng và khiến đối thủ rơi vào tình thế khó khăn” - ông Hecker nói.

Hỏa lực UAV cảm tử của  Nga

Ngoài loại Shahed - 136 có nguồn gốc từ Iran nhưng được Nga cải tiến, có tầm hoạt động xa 2.500km và đặt tên là Geran-2, Nga đang triển khai nhiều loại UAV cảm tử khác trên chiến trường Ukraine, trong đó có Lancet, Italmas, Zala KYB.

Hiện Nga cũng đang sản xuất UAV cảm tử cỡ nhỏ Strela.  Loại này nặng khoảng 7kg, có thể mang đầu đạn 3kg và tầm hoạt động tiêu chuẩn tối đa 35km.  

Trong khi đó, trong một bài viết đăng tải trên tờ Bulletin of the Atomic Scientists hồi tháng 3-2023, chuyên gia quân sự Dominika Kunertova cho biết nhiều loại UAV đã xuất hiện trong cuộc xung đột ở Ukraine, gồm UAV loại I nhỏ (từ 10-150kg) cung cấp nhận thức quan trọng về chiến trường và UAV loại III lớn hơn (hơn 600kg) cung cấp hỏa lực ở khoảng cách xa. Bà Kunertova nói rằng UAV cảm tử đã làm thay đổi bản chất chiến tranh khi trở thành phương pháp cung cấp chất nổ mới, đặc biệt là trong các vùng trời tranh chấp. Theo bà Kunertova, UAV cỡ nhỏ đã “cách mạng hóa” nhịp độ hoạt động của pháo binh, cho phép nhắm mục tiêu và bắn nhanh, từ đó giúp tăng độ chính xác và tiết kiệm đạn dược. Bà này cho rằng việc sử dụng UAV đã dẫn đến sự thay đổi trong tư duy quân sự, khiến UAV có vũ trang dễ được chấp nhận hơn về mặt chính trị, qua đó cho rằng cần phải có hệ thống phòng thủ chống UAV hiệu quả.

Stacie Pettyjohn, thành viên cấp cao và giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), cho rằng Trung Quốc đang tăng cường năng lực UAV để chống lại hệ thống phòng thủ của Mỹ và Ðài Loan trong trường hợp nổ ra xung đột với Ðài Bắc. Họ cho rằng mục tiêu của Bắc Kinh là thiết lập chỗ đứng ở Ðài Loan và vô hiệu hóa hệ thống phòng không của hòn đảo này. Họ lưu ý đội UAV đa dạng của Trung Quốc, gồm UAV có vũ trang tầm xa và UAV cảm tử, trong trường hợp nổ ra xung đột với Ðài Loan sẽ được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các tài sản giá trị cao; hỗ trợ các cuộc tấn công bằng tên lửa; đóng vai trò là mồi nhử, đánh chặn, áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương; giảm thiểu các biện pháp đối phó của Washington và Ðài Bắc. Ngoài ra, Bắc Kinh có kế hoạch sử dụng UAV để giám sát hàng hải, tác chiến chống tàu ngầm và hỗ trợ chiến thuật cho lực lượng đổ bộ.

Tuy nhiên, bất chấp tính hiệu quả của UAV cảm tử trong cuộc chiến ở Ukraine và ý nghĩa quan trọng của chúng đối với xung đột ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, chúng không phải là loại vũ khí làm thay đổi cuộc chơi như thường được quảng bá. Trong báo cáo của CNAS hồi tháng 2, bà Pettyjohn lập luận rằng việc UAV cảm tử chỉ mang theo lượng nhỏ thuốc nổ đã cản trở tính hiệu quả của chúng. Hơn nữa, bà Pettyjohn cho rằng ngay cả lượng lớn UAV cũng không thể sánh được sức tàn phá của hỏa lực pháo binh hàng loạt, bởi đạn pháo thông thường chứa nhiều chất nổ hơn và có thể bắn nhanh với số lượng lớn hơn, vượt xa hỏa lực của một đàn UAV.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết