16/12/2021 - 08:13

UAE trong thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc 

Về việc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đình chỉ thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-35, giới phân tích coi đây là hành động thể hiện Abu Dhabi ngày càng “thất vọng” trước các nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế quan hệ hợp tác đang gia tăng giữa đồng minh vùng Vịnh với Trung Quốc.

Chiến thuật đàm phán?

Siêu tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II. Ảnh: Getty Images

Siêu tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II. Ảnh: Getty Images

Dẫn lời các quan chức UAE, Nhật báo Phố Wall (WSJ) hôm 14-12 cho biết Abu Dhabi đang xét lại hợp đồng mua F-35 với Mỹ do vấp phải các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, giới hạn hoạt động cũng như vấn đề chi phí/lợi nhuận. Trước đó vài ngày, UAE tuy không khẳng định nhưng việc họ chốt hợp đồng mua 80 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp trị giá 15,8 tỉ USD cho thấy Abu Dhabi có lựa chọn thay thế. Dù vậy, các quan chức khẳng định Mỹ vẫn là nhà cung cấp trang thiết bị quân sự ưu tiên của UAE và thương thảo hợp đồng F-35 có thể nối lại trong tương lai.

Thông báo trên được đưa ra vào thời điểm phái đoàn UAE chuẩn bị tham gia các cuộc họp đã lên lịch tại Lầu Năm Góc. Sự kiện này kết hợp với việc thư thông báo gửi từ UAE được viết bởi một quan chức cấp thấp khiến phía Mỹ tin rằng quyết định tạm dừng thương vụ F-35 chỉ là một chiến thuật đàm phán của Abu Dhabi, theo AP.

Được biết, đề xuất bán F-35 nằm trong thỏa thuận vũ khí trị giá 23 tỉ USD mà Washington đạt được với UAE ngay trước khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở. Đây là thỏa thuận bên lề của Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian, trong đó UAE đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel như chiến lược đối phó với Iran trong khu vực. Ngoài 50 chiếc F-35 Lightning II, lô vũ khí này còn gồm 18 máy bay không người lái MQ-9B cùng gói tên lửa không đối không và không đối đất.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng thỏa thuận khi các nhà lập pháp chỉ trích UAE tham gia cuộc chiến ở Yemen, cuộc xung đột được coi là một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Washington cũng lo ngại việc bán vũ khí vi phạm cam kết đảm bảo lợi thế quân sự của Israel trong khu vực. Nhưng vào tháng 4, Nhà Trắng quyết định xúc tiến thỏa thuận với điều kiện UAE không cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G, một yêu cầu dường như khó được đáp ứng.

Yếu tố Trung Quốc

Mỹ xem UAE là đối tác quan trọng, nhưng quan hệ đồng minh gần đây có dấu hiệu căng thẳng trong bối cảnh Abu Dhabi ngày càng cởi mở với Bắc Kinh.

Đơn cử thương vụ F-35, tờ WSJ cho biết bế tắc chủ yếu liên quan bất đồng giữa Mỹ - UAE trước yêu cầu của Washington về các biện pháp mở rộng để đảm bảo Bắc Kinh không dễ dàng tiếp cận siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5. Theo giới chuyên môn, F-35 trong tương lai chính là trọng tâm năng lực không chiến của Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Do đó, Lầu Năm Góc không thể mạo hiểm giữa giao dịch sinh lợi với nguy cơ gián điệp Trung Quốc sử dụng đặc quyền tiếp cận UAE để đánh cắp công nghệ phát triển F-35. Đây là mối đe dọa không thể chấp nhận đối với năng lực chiến đấu, khả năng sống sót và cơ hội chiến thắng của các lực lượng Mỹ. Vì thế, Chính phủ Mỹ nhiều lần thúc giục UAE loại bỏ Huawei khỏi mạng lưới viễn thông của họ, cho rằng công nghệ của tập đoàn này có thể đặt ra nguy cơ an ninh đối với hệ thống vũ khí F-35. 

Tuy vậy, các quan chức UAE từ lâu đã nghi ngờ về tuyên bố lý do an ninh công nghệ của Mỹ trong thương vụ  F-35 và họ bày tỏ lo lắng về việc bị cuốn vào một cuộc “chiến tranh lạnh mới” giữa đối tác thương mại hàng đầu và đồng minh chiến lược chủ chốt của mình. “Điều chúng tôi lo lắng là ranh giới giữa sự cạnh tranh gay gắt (giữa Trung Quốc và Mỹ) và một cuộc chiến tranh lạnh mới”, theo Anwar Gargash, cố vấn của ban lãnh đạo UAE. 

Lo ngại của Mỹ về nguy cơ Trung Quốc can dự và lợi dụng UAE như kênh thu thập thông tin tình báo quân sự không phải mới. Trước đó, UAE dưới sức ép từ Washington đã dừng hoạt động xây dựng do hãng tàu Trung Quốc Cosco vận hành trong khu cảng Khalifa. Tình báo Mỹ nghi Bắc Kinh đang lập “cơ sở quân sự bí mật” sau khi quan sát thấy các tàu quân sự cải trang thành tàu thương mại mà quân đội Trung Quốc thường sử dụng để thu thập tín hiệu tình báo vào cảng. 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP, CNN)

Chia sẻ bài viết