18/06/2021 - 15:51

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “có vaccine nhưng tiêm chậm” 

Cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “có vaccine nhưng tiêm chậm.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo về chuẩn bị chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, tiếp cận, đàm phán nhập khẩu vaccine và các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vaccine trong nước. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Quốc phòng, các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “có vaccine nhưng tiêm chậm.”

Đây là yêu cầu của Thường trự Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, diễn ra vào sáng 18/6, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo nghe Bộ Y tế báo cáo về việc rà soát lại chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trên toàn quốc. Cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Quốc phòng, các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “có vaccine nhưng tiêm chậm.”

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo họp bàn, thống nhất các chỉ đạo cụ thể nhằm tạo điều kiện tối đa cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp có đầu mối tiếp cận, mua được vaccine phòng COVID-19, khẩn trương đưa về Việt Nam.

Bộ Y tế đã xử lý các đề nghị, gặp gỡ các doanh nghiệp đã tiếp cận nguồn cung cấp và mong muốn nhập khẩu vaccine; tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, đây là những nguồn cung cấp vaccine Bộ Y tế đã tiếp xúc trực tiếp.

Trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho việc nhập khẩu vaccine, song đại diện Bộ Y tế khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng về nguồn gốc xuất xứ của vaccine khi tiếp xúc với đơn vị trung gian chào bán; chỉ làm việc khi nhà cung cấp trung gian được nhà sản xuất ủy quyền chính thức.

Liên quan đến việc nhập khẩu vaccine của Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào đề nghị và nhu cầu của thành phố, Bộ Y tế trực tiếp làm việc với nhà cung cấp được ủy quyền và thành phố về việc này.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh từ nay đến cuối năm 2021 thế giới vẫn còn tình trạng “tranh mua vaccine,” đặc biệt vào khoảng thời gian trước tháng 10 năm nay. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp phải cân nhắc khi tiếp cận thông tin về vaccine, tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng giao vào năm 2022, không giao ngay trong năm 2021. Trong khi đó, sang năm 2022, dự kiến thị trường vaccine sẽ có thay đổi.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu Bộ Y tế có văn bản sớm để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Nghị quyết 21/NQ-CP gồm những người làm việc trong cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ… nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Bộ Y tế chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vaccine xong cho đối tượng ưu tiên, sẽ khởi động cơ chế vận hành hệ thống tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo về chuẩn bị chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, tiếp cận, đàm phán nhập khẩu vaccine và các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vaccine trong nước. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau khi Bộ Y tế đã báo cáo về tiến độ thử nghiệm các loại vaccine trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine "made in Vietnam." Nếu việc thử nghiệm đạt kết quả tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động.

Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) tiến hành nhận chuyển giao công nghệ vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ nhập khẩu nguyên liệu của Nga để đóng ống, dự kiến trong tháng 7 sẽ đưa vào sản xuất.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, trình Chính phủ chủ trương: một mặt, tiếp cận tất cả nguồn cung vaccine trên thế giới để từ nay đến cuối năm 2021 phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng; mặt khác có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vaccine trong nước, không chỉ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn hướng tới phát triển công nghiệp vaccine phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, hiện nước ta đã chính thức tiếp cận được 2 loại vaccine của Astra Zeneca và Sputnik V. Trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vaccine của Pfizer đã ký kết, Việt Nam dự kiến tiếp nhận thêm một số loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (gồm: 3 loại vaccine Astra Zeneca (sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu); Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nhận viện trợ song phương của các nước. Vừa qua, Bộ Y tế tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Astra Zeneca từ Chính phủ Nhật Bản và dự kiến những ngày tới, sẽ tiếp nhận vaccine cho Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tài trợ.

Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết