Những ngày tháng Giêng, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn quận Bình Thủy rực rỡ cờ, hoa, băng-rôn... truyền thông về Lễ Giỗ lần thứ 152 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Bao đời qua, địa phương luôn tổ chức trang trọng, thành kínhn Lễ Giỗ cụ Thủ khoa, thể hiện lòng biết ơn của hậu thế với bậc tiền hiền, danh nhân văn hóa đất Tây Ðô.
Quận Bình Thủy quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Chuẩn bị lễ giỗ
Tuyến đường Huỳnh Mẫn Ðạt dẫn vào Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy được trang trí đẹp mắt, tạo không khí rộn ràng trước ngày Lễ Giỗ. Khu tưởng niệm cũng được trang hoàng đẹp, khang trang và thu hút rất đông khách đến viếng.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, ngay từ tháng 1-2024, UBND quận Bình Thủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã có kế hoạch phối hợp tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 152 Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, với các công tác tuyên truyền, tổ chức... đảm bảo đúng tiến độ, nghi thức truyền thống, thu hút người dân và du khách tham gia. Theo đó, Lễ Giỗ cụ Thủ khoa sẽ diễn ra trong 2 ngày - 19 và 20 tháng Giêng âm lịch, với phần lễ và hoạt động trưng bày trái cây nghệ thuật.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: Phần nghi lễ trong Lễ Giỗ lần thứ 152 của cụ Thủ khoa cơ bản có 2 hoạt động chính. 9 giờ ngày 19 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tiến hành cúng Tiên thường và bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng 20 tháng Giêng sẽ tiến hành cúng Chánh Giỗ. Nghi thức cúng Chánh Giỗ dự kiến khoảng 60 phút, đảm bảo đúng theo nghi thức truyền thống, với nhạc lễ, học trò lễ, hương văn... tạo không khí trang nghiêm, thành kính, hướng về tiền nhân. Sau đó là phần lễ do địa phương tổ chức. Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, Ban Quản lý Khu tưởng niệm đã tiến hành chỉnh trang khuôn viên, sơn sửa, quét dọn ngay từ sau Tết Nguyên đán, phục vụ công tác tổ chức Lễ Giỗ.
Với phần trưng bày trái cây nghệ thuật, theo kế hoạch, mỗi phường trên địa bàn quận sẽ tham gia trưng bày 1 tác phẩm mô hình trái cây nghệ thuật với ít nhất 5 chủng loại trái cây, diện tích trưng bày khoảng 1m2.
Ông Mai Văn Ðiều, Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ: Phường vinh dự được mang tên danh nhân văn hóa Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và khu tưởng niệm tọa lạc trên địa bàn. Vì vậy, địa phương rất ý thức trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống đến nhân dân, nhất là học sinh, tuổi trẻ về tấm gương, nhân cách và tinh thần yêu nước của cụ Thủ khoa; chung tay tổ chức Lễ Giỗ cụ hằng năm. Năm nay, phường Bùi Hữu Nghĩa đã vận động xã hội hóa phục vụ công tác tuyên truyền lễ giỗ và đảm nhận phần hậu cần, khánh tiết. Ðặc biệt, tại Lễ Giỗ năm nay, gia đình chắt ngoại đời thứ 5 của cụ Thủ khoa sẽ trao 20 suất học bổng tặng 20 học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa. Ðại diện gia đình cho biết, sắp tới, sẽ nỗ lực khôi phục Quỹ học bỗng Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nhằm chung tay chăm lo học sinh vượt khó hiếu học, cũng như lan tỏa tinh thần hiếu học, đức độ của bậc tiền nhân.
Rồng Vàng Bùi Hữu Nghĩa
Ca dao Nam Bộ có câu:
“Ðồng Nai có bốn Rồng Vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”
Trước hết, cần hiểu rằng, bối cảnh xứ Ðồng Nai mà câu ca dao này nhắc đến không phải là địa giới hành chính hiện đại mà lúc bấy giờ xứ Ðồng Nai được tạm hiểu là gần cả Nam Bộ ngày nay. Trong 4 nhân vật được xưng tụng Rồng Vàng xứ Ðồng Nai, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa giỏi ở lĩnh vực thơ, bên cạnh các nhân vật khác giỏi về mỹ thuật, viết phú và ngón đàn. Ở một vùng đất rộng lớn như vậy, việc Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được vinh danh Rồng Vàng là một vinh dự lớn.
Ngoài ra, thời phong kiến, việc ví một nhân vật là Rồng Vàng cũng là điều hiếm có, khó tìm. Việc một người con của quê hương Bình Thủy, Cần Thơ được xưng tụng là Rồng Vàng thật đáng tự hào. Rồng Vàng ở đây được hiểu vừa chỉ tài năng, vừa chỉ đức độ.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807, tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Ðịnh, châu Ðịnh Viễn, dinh Vĩnh Trấn (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Cụ thi Hương năm Ất Mùi (1835) ở Gia Ðịnh và đỗ đầu, từ đó thường được gọi là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hay Thủ khoa Nghĩa. Cụ là vị quan thanh liêm, đứng về phía dân nghèo, không khuất phục cường quyền. Ðiển hình là vì bênh vực dân nghèo trong một vụ án ở rạch Láng Thé, cụ bị bọn tham quan, cường hào hãm hại, vu oan tội xúi dân làm loạn, chủ mưu giết người. Triều đình phán cụ Thủ khoa tội tử. Bà Nguyễn Thị Tồn đã lặn lội ra kinh đô Huế kêu oan cho chồng.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa còn được ca tụng với tài năng văn chương sáng chói. Các áng văn, thơ của cụ thể hiện tinh thần yêu nước, chống xâm lược, chống áp bức, bất công, giàu tình yêu thương. Ðặc biệt, cụ đã viết bổn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” (mối tình kỳ ngộ, đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Vô Hà). Ðây được xem là một trong những bổn tuồng cổ xưa nhất của nước ta và cũng là bổn tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp. Do vậy, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ngoài là nhà thơ tên tuổi còn là một trong những người khai phá nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Do chán ghét cảnh tham quan ô lại, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cáo quan, về quê ở làng Long Tuyền - Cần Thơ sống cảnh thanh bần, mở trường dạy học, làm thơ, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ qua đời năm Nhâm Thân 1872, thọ 65 tuổi.
Ðời truyền đời, người Bình Thủy, người Cần Thơ vẫn luôn tự hào về gương sáng “Rồng Vàng” Bùi Hữu Nghĩa, từ đó nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân, góp phần làm dày thêm bản sắc văn hóa cho vùng đất này. Tên danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa được chọn đặt tên cho phường, trường THPT, đường, quỹ khuyến học... của quận Bình Thủy. Ngoài ra, quận Bình Thủy cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia - Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (hiện nay gọi là Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa).
Khu tưởng niệm được mở cửa hằng ngày để phục vụ khách tham quan, lễ bái và có người trực thường xuyên để hướng dẫn bà con. Khi khách có nhu cầu nghe thuyết minh về di tích, có thuyết minh viên tại điểm sẵn sàng phục vụ. Cùng với các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa rất được quan tâm, và là điểm đến du lịch, giáo dục truyền thống tiêu biểu ở địa phương. Theo thống kê, năm 2023, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã đón và phục vụ khoảng 5.242 lượt khách tham quan, lễ bái, trong đó có nhiều đoàn học sinh, sinh viên.
*
* *
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa suốt cuộc đời vì dân, vì nước, sống đời thanh liêm, can trường nên được nhân dân quý trọng. Ðời nối đời, người Cần Thơ tự hào về Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ðể tháng Giêng hằng năm, không ai bảo ai, tìm về nơi an nghỉ cụ Thủ khoa, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ tiền nhân.
Bài, ảnh: DUY KHÔI