08/01/2021 - 23:17

Tương lai bất định chờ ông Trump 

Nếu Nội các không hành động, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố bà và các thành viên khác trong Quốc hội sẵn sàng kích hoạt thủ tục luận tội Tổng thống Donald Trump (ảnh) một lần nữa.

Ảnh: The Atlantic

Ảnh: The Atlantic

Sau một ngày im lặng, Tổng thống Trump trước áp lực từ các đồng minh đã lên án tình trạng “bạo loạn, vô pháp luật và bất ổn” khi người ủng hộ ông xông vào trụ sở Quốc hội hôm 6-1. Tuy không từ bỏ cáo buộc bầu cử gian lận, chủ nhân Nhà Trắng xác nhận chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20-1 như thông lệ. “Công việc chính của tôi hiện nay là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, có trật tự và liền mạch. Đây là thời điểm cho sự hàn gắn và hòa giải” - ông Trump nhấn mạnh.

Trước đó, bà Pelosi và lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer đã liên hệ Phó Tổng thống Mike Pence nhằm thảo luận về việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 để tước bỏ quyền lực của Tổng thống Trump liên quan cáo buộc kích động bạo loạn. “Tổng thống phải bị cách chức ngay lập tức vì những hành động nguy hiểm, đầy tham vọng mà ông ấy gây ra” - trích tuyên bố của bà Pelosi. Hàng chục đảng viên Dân chủ cùng một số quan chức Cộng hòa đã ủng hộ bãi nhiệm ông Trump trước thời điểm Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Hiện ông Pence vẫn chưa trả lời phe Dân chủ trong khi tờ Business Insider và New York Times tiết lộ phó tổng thống không ủng hộ việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 để loại ông Trump. Trong bối cảnh này, có tin nhiều nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện bắt đầu lưu hành bản thảo luận tội tổng thống với cáo buộc chủ nhân Nhà Trắng lạm dụng quyền lực để tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử được tiến hành hợp pháp. Theo chuyên gia nghiên cứu luật hiến pháp Frank Bowman tại Đại học Missouri, Quốc hội có toàn quyền trong việc xác định tội danh. Ông Bowman cho biết Tổng thống Trump có thể bị cáo buộc “kích động hành vi gây bạo loạn”, “cố ý lật đổ chính phủ” hay nghiêm trọng hơn là “không trung thành với Hiến pháp Mỹ và không giữ lời tuyên thệ nhậm chức”. Nếu đa số trong 435 dân biểu Hạ viện đồng ý đưa ra các điều khoản luận tội, tiến trình này sẽ được chuyển đến Thượng viện - nơi giữ vai trò xét xử. Để có thể kết tội và phế truất một tổng thống đương nhiệm, cơ quan này cần 2/3 phiếu thuận.

Trong diễn biến liên quan, tờ New York Times dẫn hai nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Trump kể từ sau cuộc bầu cử năm ngoái đã nhiều lần thảo luận với các phụ tá về việc ban lệnh ân xá cho chính mình. Một số chuyên gia pháp lý không chắc động thái chưa từng có tiền lệ như vậy phù hợp luật định hay không. Nhưng nếu không có lệnh ân xá, Hãng tin Reuters cho rằng ông Trump khó tránh khỏi cuộc điều tra hình sự và dân sự từ một số tiểu bang sau khi rời nhiệm sở. Năm ngoái, Tổng chưởng lý bang New York Letitia James từng đoán Tổng thống Trump sẽ từ chức trước khi nhiệm kỳ kết thúc để Phó Tổng thống Pence ân xá cho ông trong trường hợp không thể tự ân xá cho chính mình.

Iraq ban hành lệnh bắt giữ ông Trump

Hôm 7-1, một tòa án ở Iraq đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Trump trong khuôn khổ cuộc điều tra của nước này về vụ Washington tiến hành không kích bên ngoài sân bay ở thủ đô Baghdad đầu năm 2020 khiến chỉ huy đặc nhiệm Iran Qassem Soleimani thiệt mạng. Vốn là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, động thái của Iraq phản ánh sự phẫn nộ của Baghdad đối với chính sách của Washington gần đây; đồng thời cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Iran trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite tại quốc gia láng giềng.


MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết