14/09/2007 - 15:58

Tuổi xế chiều, bệnh tật và nước mắt...

Họ là những người có tuổi. Tuy hoàn cảnh, thân thế khác nhau, nhưng họ có điểm chung là sự già nua, nghèo khổ, bệnh tật… Đó là gia đình ông Nguyễn Thế Hằng ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ và ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Bà Mận đang chăm sóc đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam.

1. Đang đứng tần ngần trước căn nhà vắng lặng trong căn hẻm nhỏ ở đường Hùng Vương, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều thì một phụ nữ đi chợ về đon đả mời chúng tôi vào nhà. Bên trong căn nhà u tối và ẩm thấp, có một người đàn ông khoảng 80 tuổi, tên Nguyễn Thế Hằng, râu tóc bạc phơ đang thở mệt nhọc với những cơn ho dữ dội, liên tục. Ông không thể cất tiếng chào, chỉ biết vẫy tay gật gù với khách.

Bà Mận, vợ ông Hằng, người phụ nữ vừa đi chợ về, thấy vậy, kéo ghế cho chúng tôi ngồi. Lục trong giỏ ra nải chuối chín, bà bẻ lấy một trái đưa cho cậu con trai ngờ nghệch đang nằm rên trên giường. Bà nói: “Năm nay nó đã 30 tuổi rồi, nhưng cao có 1,2m, thần kinh không bình thường. Nó bị nhiễm chất độc da cam...”. Cậu con trai ăn xong trái chuối thì ngồi dậy nhìn dáo dác xung quanh, thấy có người lạ, cậu chạy ra đằng trước hét lên rồi chạy vào giường ngồi co ro một chỗ, mắt sợ sệt. Vợ chồng ông Hằng có 6 người con, 5 người kia khỏe mạnh và lành lặn, chỉ riêng có người con trai út tên Nguyễn Thế Tùy bị nhiễm chất độc da cam. Tất cả sinh hoạt hàng ngày của Tùy đều do vợ chồng ông đảm nhận, mỗi lần tắm hay thay đồ cho Tùy, ông bà rất khổ sở vì cậu cứ la hét làm náo động cả xóm. Ông Hằng nói: “Nó thức suốt đêm không chịu ngủ, chỉ biết cười chứ không biết nói. Tội cho nó khi mắc phải căn bệnh quái ác này!”. Nói xong, ông Hằng quay đi giấu giọt nước mắt đang ứa ra.

Ông Nguyễn Thế Hằng mắc bệnh hen phế quản đã 3 năm, nay chuyển sang tắc nghẽn phổi mãn tính. Ông phải thở bằng máy, vì thấy ông quá khó khăn trong từng hơi thở nên những người quen biết giúp cho mượn tiền để ông mua máy hỗ trợ thở vì mỗi khi lên cơn hen, do ông thường xuyên bị nghẹt thở. Tiếp chuyện với chúng tôi được một lúc, ông phải dựa vào thanh giường, ôm lấy ngực đau đớn. Bà Mận hốt hoảng lấy thuốc cho ông uống và nhanh tay lấy chiếc máy trợ thở đưa vào mũi chồng. Một lát sau, hơi thở ông mới trở lại bình thường. Ông Hằng ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mỗi khi đi nằm viện, bà Mận lại tất tả lo cơm cháo cho chồng rồi sau đó về nhà lo cho con. Bản thân bà Mận mắc bệnh bướu cổ, bướu càng ngày càng lớn, nhưng gia đình không có tiền mổ bướu cho bà. Mỗi bữa cơm, bà chỉ ăn được lưng chén, vì cổ đau nuốt cơm không nổi. Hiện nay, cổ của bà không quay phải, quay trái được, bà phải xoay cả thân người một cách khó khăn. Đêm đến, trong căn nhà có ba người bệnh tật ấy không ai ngủ được. Tùy thì cầm quạt chơi trong mùng suốt đêm, thỉnh thoảng lại la toáng lên. Ông Hằng ngồi gục đầu trên gối vì khó thở. Bà Mận bị cục bướu hành hạ đau nhức rên rỉ. Có lúc, bà mệt quá nên thiếp đi một chút, tỉnh dậy vội chạy sang giường chồng xem chừng bệnh tình ông thế nào. Hàng ngày, bà đi giặt đồ mướn cho những nhà hàng xóm để kiếm tiền mua gạo, có khi thì đi hái những đọt rau dại mọc ven đường đem ra chợ bán, trang trải tiền muối mắm trong nhà. Mỗi ngày kiếm được vài ngàn đồng, có khi không đủ tiền mua gạo ăn, bà phải nhường phần cơm của mình cho Tùy ăn.

Không có tiền chữa bệnh cho ông, bà Mận phải lần hồi đi cầm những đồ đạc gọi là có giá trị trong nhà để có tiền trang trải thuốc men cho ông. Nay trong nhà cũng chẳng còn món gì đáng giá. Trước kia, ông Hằng đi sửa xe đạp ngoài vỉa hè cũng xoay xở được chút ít. Từ ngày ông mắc bệnh, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai bà Mận. Giờ đứa con trai lớn của ông đi sửa xe đạp thay ông nhưng cũng không phụ giúp gì được cha mẹ, bởi anh còn nuôi đứa con 7 tuổi, vợ anh đã bỏ đi từ khi con anh mới lên ba. Có nhiều lúc do áp lực trước tình trạng không có tiền lo thuốc men, chi tiêu trong gia đình, tinh thần của bà Mận không được ổn định. Bà trằn trọc cả đêm vì bệnh tật hoành hành và lo cả sự sống cho chồng, con.

Bà Nguyễn Thị Son, Tổ phó tổ 10, khu vực 1, phường Thới Bình cho biết: “Hiện gia cảnh của ông Nguyễn Thế Hằng rất khó khăn, nhà nghèo, vợ chồng ông Hằng già, lại còn bị bệnh nặng. Các con của ông bà hoàn cảnh cũng nghèo nên không thể phụ giúp được vợ chồng họ. Rất mong được các nhà hảo tâm chia sẻ, động viên để gia đình ông Hằng có tiền trị bệnh, vượt qua khốn khó”.

Cả ba người trong gia đình ông Hằng đang đau khổ
vì bệnh tật. Ảnh: M.H

2. Những thanh niên trong rạch Trái Bầu (thuộc ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ) đi chơi khuya về thường hay thấy một phụ nữ cầm đèn lùng sục các bụi cây, ngọn cỏ để kiếm đọt chuối non, cỏ nhọ nồi, cây nổ đồng tiền để cầm máu cho cha của chị là ông Nguyễn Văn Bảy...

Năm nay 79 tuổi, ông Bảy mắc bệnh lao phổi đã 10 năm. Lúc trước, ông ở cùng gia đình người con trai thứ 5 ở tỉnh Kiên Giang, khi có đám tiệc mới về xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ. Ở với người con trai này một thời gian dài, thấy con nghèo khó, làm lụng nuôi vợ và 5 đứa con không xong mà vẫn cố sức nuôi, lo thuốc men cho ông, thấy xót lòng, một phần cũng vì đã có tuổi nên ông Bảy muốn ở nơi quê nhà.

Hôm đó, ông Bảy một mình trong căn chòi nhỏ dột mưa, trò chuyện với chúng tôi. Giọng ông run run: “Tôi ở một mình, có con Hai (con gái của ông) ở gần, bệnh trạng như vầy không dám ở chung, sợ lây bệnh cho con cháu. Tội cho con Hai, nó làm mướn làm thuê nuôi 2 đứa con nhỏ, tối hù mới về nhà, còn nấu cơm đem qua cho tôi ăn nữa. Có bữa không có tiền, mẹ con nó đói nằm co ro, có mấy củ khoai hàng xóm cho nó cũng để dành đem cho tôi ăn lót dạ. Tôi đi khám bệnh được vài lần, các bác sĩ cho biết bệnh của tôi có tiền điều trị lâu dài, mà khổ cái là 6 đứa con tôi có gia đình riêng, không ai khá giả gì, lo cho gia đình chúng còn không xong...”.

Ông Nguyễn Văn Bảy ngày càng yếu sức vì chứng lao phổi hành hạ. Ảnh: BÍCH ANH

Mắt của ông Bảy đã mờ, tai lãng, mấy năm qua, ông chỉ dám đi lòng vòng hàng xóm được vài ba căn nhà rồi quay lại, bởi tuổi già sức yếu đi lại khó khăn. Dù trên đôi mắt của ông hằn sâu vẻ mệt mỏi nhưng ông vẫn cố nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi bảo ông nằm tiếp chuyện cũng được nhưng ông từ chối. Ông nói: “Lâu lâu có khách lại chơi mà! Tôi nằm thì coi sao được...”. Thỉnh thoảng, ông lại lên cơn ho kéo dài, đỏ cả mặt, gân cổ nổi lên. Đột nhiên, trong cơn ho dữ dội, ông khạc ra một cục huyết thâm đen, rơi độp xuống đất. Sau một lúc im lặng vì mệt lả, ông cất giọng run run: “Phải chi giờ này con Hai nó ở đây thì hay biết mấy. Nó hái đọt chuối non, cây nổ đồng tiền hay lọ chảo cầm máu là dịu xuống ngay liền, mà nó ở nhà lo được cho tôi thì coi như nó không có việc làm, cả nhà nó và tôi cũng sẽ không có gì bỏ bụng”. Sau cơn ho, ông Bảy lại lật đật lần đến vách nhà, nơi có nhiều bọc ni lông đen đựng vô số lọ thuốc đã sờn nhãn, mắt ông đỏ hoe: “Mấy năm trước nhờ tiền tích cóp và tiền bà con giúp nên tôi mới có tiền chích thuốc, điều trị chút đỉnh. Giờ đành chịu vì bà con, con cái đều nghèo, đâu có tiền giúp hoài!”.

Trong lúc ông Bảy tâm sự về cảnh khổ cực với chúng tôi thì một phụ nữ hàng xóm đem qua cho ông mấy trái bắp luộc để trên bàn, bốc khói nghi ngút, ông cảm ơn rối rít. Đó là chị Chín, ở gần nhà ông Bảy thường cho ông thức ăn. Chị bộc bạch: “Ổng ho ra máu hoài càng lúc càng nặng, xóm giềng thấy tội lắm! Nhưng chỉ giúp được ít miếng ăn, còn tiền điều trị thì nói thật tôi cũng khó khăn nên không tiếp gì được...”.

Trước hoàn cảnh thương tâm của gia đình ông Hằng, ông Bảy mong các nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa hãy giúp đỡ để vợ chồng ông Hằng và ông Bảy có cơ hội điều trị bệnh tật đang hoành hành cơ thể.

Ghi chép: LIÊN HOA - MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết