05/03/2022 - 15:30

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19 

Sáng 5-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp bàn các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.

Chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, dịch bệnh vẫn được kiểm soát - Ảnh 5.

Thủ tướng nhấn mạnh do kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt và càng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ này - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Ca nhập viện, bệnh nặng, tử vong giảm mạnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 4-3-2020, thế giới ghi nhận trên 442,7 triệu ca mắc COVID-19, trên 6 triệu ca tử vong. Riêng trong tháng 2-2022, thế giới ghi nhận thêm trên 52 triệu ca mắc mới, trong đó trên 200.000 ca tử vong.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 4.059.262 ca mắc, 2.589.436 người đã khỏi bệnh (chiếm 63,8% tổng số ca mắc), 40.609 ca tử vong. Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca). Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thay thế dần biến thể Delta. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong giảm sâu. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.

Đến ngày 3-3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ, đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine), tiêm được hơn 196 triệu liều. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1, mũi 2, mũi 3 ở người từ 18 tuổi trở lên, lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%. Với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỷ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%. Như vậy, nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, số ca mắc trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron (đã xuất hiện ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ). Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay, kể cả kháng nguyên nhanh, PCR vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện. Vaccine đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng được tăng cường. Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh thông thường.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng tới, dỡ bỏ dần cách ly với F1, cơ bản không cách ly, chỉ theo dõi sức khỏe để đảm bảo lực lượng lao động. Đồng thời, giảm thời gian cách ly và điều trị với F0, kiến nghị xem xét F0 đi làm, nếu không có triệu chứng và thực hiện một số quy định nhất định. Giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh.

Tại cuộc họp, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để hạn chế ảnh hưởng của biến thể Omicron đến hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội; hướng dẫn người dân mua, sử dụng thuốc Monulpiravir an toàn, kịp thời; nâng cao năng lực điều trị tại y tế cơ sở; chuyển khai báo y tế thành khai báo dành cho các F0 để tập trung quản lý người mắc COVID-19…

* Từng bước bình thường hóa với COVID-19

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine. Ảnh: H.HOA

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Tình hình dịch bệnh cơ bản đang trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước, đạt mục tiêu tập trung kiểm soát rủi ro các ca chuyển nặng, ca tử vong đã đề ra tại Nghị quyết 128/NQ-CP. Chiến dịch tiêm vaccine thành công, đạt tỷ lệ bao phủ rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Về công tác điều trị, đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và điều trị tại nhà. Với thuốc điều trị, Bộ Y tế đã cấp phép một số loại thuốc để phòng, chống dịch. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để nhanh chóng cấp phép thêm loại thuốc phù hợp tình hình, thông lệ quốc tế cũng như các quy định của luật pháp, giải quyết được bài toán không có tiền lệ. Bên cạnh đó, việc sản xuất vaccine trong nước được thúc đẩy với tinh thần tích cực, hạn chế tối đa thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học. Trong thời gian qua, công tác an sinh xã hội được thực hiện tích cực với kinh phí khoảng 78.000 tỉ đồng. 

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, do kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Từ mối quan hệ chặt chẽ của hai nhiệm vụ này, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng khi chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Thực tiễn cho thấy, vaccine là lá chắn quan trọng, an toàn nhất trong phòng, chống dịch. Tiêm vaccine sớm hơn, tăng cường mũi thứ 3 sẽ an toàn hơn. Việc bảo đảm thuốc chữa bệnh kịp thời góp phần ngăn chặn chuyển nặng, tử vong. Những kinh nghiệm khác là kiểm soát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao; đề cao ý thức người dân, chấp hành nghiêm thông điệp 5K; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự biết cách phòng, chống dịch; tăng cường lực lượng y tế cơ sở; thực hiện hiệu quả 4 tại chỗ và tích cực xã hội hóa trong phòng, chống dịch.

Dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước bình thường hóa với dịch COVID-19.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “đa mục tiêu”: Tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế; giải quyết, chăm lo các vấn đề an sinh xã hội; bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh.

Thủ tướng chỉ đạo cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I-2022; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3-2022, chuẩn bị chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4… Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng, chữa bệnh; tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường hơn nữa ý thức của người dân để tự bảo vệ mình và gia đình, cộng đồng, đất nước. Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định cụ thể về cách ly F0, F1; hướng dẫn sử dụng thuốc thống nhất, hiệu quả… Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trên toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về mở cửa du lịch từ ngày 15-3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về an sinh xã hội.

Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, Cần Thơ đã và đang chuẩn bị để ứng phó với các tình huống dịch tái bùng phát theo từng cấp độ 

Điểm cầu tại TP Cần Thơ. Ảnh: H.HOA

Tại điểm cầu của TP Cần Thơ, đồng chí Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; thành viên Ban chỉ đạo, Sở Chỉ huy... dự họp.

Tại cuộc họp, đồng chí Trần Việt Trường cho biết: 14 ngày qua (từ ngày 18-2 đến 3-3), số ca mắc mới tăng, tuy nhiên số ca chuyển nặng và tử vong giảm 64% so với 14 ngày trước. Cụ thể, thành phố ghi nhận 887 F0, tăng 659 trường hợp so với 14 ngày trước. Đã điều trị khỏi tại cơ sở y tế 188 trường hợp, giảm 81 trường hợp so với 14 ngày trước; tử vong 12 ca, giảm 21 ca so với 14 ngày trước.  Hiện thành phố đang có 3.970 giường tại cơ sở y tế và cách ly điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. Tính đến ngày 3-3-2022, hiện còn 214 ca COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế và 2.703 F0 điều trị tại nhà.

Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi là 97,5%. Ở nhóm tuổi 12-17, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là 90,4%. Thành phố đã tiêm 335.039 liều bổ sung và 241.004 liều nhắc lại, chiếm trên 51% tổng dân số.

Với tinh thần chủ động, sẵn sàng, thành phố đã và đang chuẩn bị để ứng phó với các tình huống dịch tái bùng phát theo từng cấp độ.

Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và thương mại của vùng vì vậy thu hút lượng lớn người giao thương, học tập, khám chữa bệnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn, nhất là tại một số khu vực dân cư đông, hẻm nhỏ hẹp. Nhân lực điều trị bệnh nhân nặng còn hạn chế.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương; nâng cao năng lực điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các điều kiện cần thiết khác; đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời. Tiếp tục triển khai quản lý, bảo vệ đối tượng nguy cơ. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không lơ là, chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết