10/06/2018 - 07:25

Tục thờ cá voi ở Cần Thơ 

Tục thờ cá voi là một tín ngưỡng dân gian rất phổ biến của các cư dân vùng biển. Hầu hết các làng ven biển ở ĐBSCL đều có thờ Ông. Thậm chí, ngay cả những vùng nằm sâu trong đất liền cũng có lăng thờ. Qua đó cho thấy, cá voi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân vùng sông nước.

Gian chính điện lăng cá voi ở Vàm Cái Trôm. Ảnh: TRẦN KIỀU QUANG
Gian chính điện lăng cá voi ở Vàm Cái Trôm. Ảnh: TRẦN KIỀU QUANG

Người Chăm kể rằng, cá voi vốn là hóa thân của vị thần Aih Va. Vì nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, vị thần này đã cãi lời thầy, tự ý biến thành cá voi ra sông lớn, nên bị thầy trừng phạt. Sau đó, bị các loài thủy tộc ở biển hành hình, hóa thành thiên nga, rồi trở lại làm người. Vị thần đổi tên, xưng là Pôn Ri Ăk, tức là thần Sóng Biển. Từ ấy trở đi, vị thần là ân nhân của những người đi biển bị đắm thuyền, mỗi khi nghe nạn nhân kêu cứu, thần hóa thành cá voi tới cứu thuyền và người bị nạn(1).

Một truyền thuyết khác lại cho rằng: Một hôm, trên tòa sen nhìn qua sóng gió Nam Hải, đức Quan Thế Âm Bồ Tát không khỏi đau lòng khi thấy muôn vàn sinh linh gặp cơn phong ba bão táp, phải bỏ mình vì giông tố, mà những nạn nhân đáng thương này là ngư dân hiền lành. Trước cảnh tượng đó, Ngài liền cởi pháp y, xé tan thành từng mảnh nhỏ ném xuống mặt biển mênh mông… Mỗi mảnh vụn theo nguyện ý của Bồ Tát đã biến thành một con cá voi cứu nguy ngư dân lâm nạn. Kể từ đó, cá voi là ân nhân của người sống trên biển cả. Tuy nhiên, hình vóc cá voi lúc đó tương đối nhỏ, không đủ sức chống chọi với sóng to gió lớn, do vậy đức Quan Thế Âm liền mượn bộ xương của Ông Tượng (voi) trên rừng cho đàn cá, nhờ thế đàn cá mới đủ sức mạnh chống lại bão tố từ đại dương. Cũng vì thế, đàn cá mang tên là cá voi. Cá voi vẫy vùng giữa biển cả, kèm giữ cho thuyền, ghe được thăng bằng, không bị tan vỡ trong bão tố, lại dìu ghe thuyền vào tận bờ biển. Tuy nhiên, do to lớn nên chậm chạp, nhiều trường hợp biết có thuyền chài lâm nạn, nhưng ở quá xa, cá voi cố sức bơi tới cũng không cứu kịp nạn nhân. Bồ Tát liền ban cho cá voi phép thâu đường, để ở bất cứ nơi nào cần cũng có thể đến cứu kịp thời(2).

Dù bắt nguồn từ truyền thuyết nào đi nữa, trong dân gian, nhất là trong tín ngưỡng  của ngư dân ven biển, thì cá voi là động vật linh thiêng, thường xuyên cứu giúp người gặp nạn trên biển. Ngư dân mỗi khi ra khơi, nếu gặp chuyện gì bất trắc thì lập tức cầu Ông, mong Ông đến cứu giúp.

***

Tuy nằm sâu trong đất liền, cách biển hơn trăm cây số, nhưng ở địa phận quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ lại có đến hai lăng thờ cá voi, một ở vàm Cái Trôm, phường Phước Thới, sát bên khu công nghiệp Trà Nóc II và một ở ấp Thới Thạnh Đông thuộc phường Long Hưng (trước kia là phường Thới Long). Hằng năm ở cả hai nơi này, bà con đều cúng tế trang trọng. Đặc biệt, ở di tích Lăng Ông, vàm Đông Thị Hơi, phường Long Hưng, lễ cúng đã trở thành ngày hội làng truyền thống. Bà con địa phương đi làm ăn xa xứ và ở các địa phương lân cận đều tranh thủ về dự để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Diễu hành trong Lễ cúng Cá Ông trên sông Hậu. Ảnh: DUY KHÔI
Diễu hành trong Lễ cúng Cá Ông trên sông Hậu. Ảnh: DUY KHÔI

Lăng Ông ở vàm Cái Trôm, phường Phước Thới có khuôn viên khoảng 2.000m2, quang cảnh xung quanh rất yên tĩnh, trầm lặng. Lăng Ông gồm ba tòa nhà nằm nối tiếp nhau. Phần trước là Võ ca, được coi như sân khấu, dùng làm nơi hát tuồng, chèo đưa Ông trong các kỳ hội lễ. Phần giữa là Chánh điện, thờ ngọc cốt, trên bàn thờ chính trong Chánh điện có thờ một xương sườn của cá voi được đặt trong lồng kính, phía sau bàn thờ có hai xương sống cá voi khổng lồ cũng được cho vào lồng kính. Ngoài ra trong Chánh điện còn thờ các bài vị Thủy Thần, Tiền Hiền, Hậu Hiền. Cuối cùng là phần Nhà khói (nhà sau) dùng để hội họp, tiếp khách và là nơi phục vụ.

Còn Lăng Ông ở vàm Đông Thị Hơi, phường Long Hưng, theo nhà văn Phương Huy, thực chất là một miếu thờ, được xây dựng vào năm 1873 trên phần đất rộng 20 công do ông Phạm Văn Cử hiến tặng và làm Trưởng ban Tế tự đầu tiên. Tài liệu không ghi rõ ai là người đầu tiên phát hiện ra cá Ông mắc cạn, nhưng nhiều bô lão truyền tụng rằng đây là một trong hai "ông Cậu" bị lạc, cùng "lụy" (chết) ở quá sâu trong đất liền (cá Ông còn lại ở vàm Cái Trôm, Phước Thới) và người bắt gặp xác Ông đầu tiên là ông Cử. Theo lời truyền thì cá Ông mắc cạn lúc đó nặng vào khoảng 45 tấn, người dân đưa Ông vào bờ và tiến hành rào lại xung quanh Ông, bộ xương của Ông được chôn ngay dưới bàn thờ chính trong Chánh điện. Ban đầu lăng xây dựng khá đơn sơ và theo thời gian đã bị xuống cấp dần. Năm 1920 thấy lăng bị hư hại nhiều nên ông Nguyễn Văn Du (tự Cả Du) đã vận động bà con tu bổ lại lăng và giữ chức Trưởng ban Tế tự. Lăng Ông ở Đông Bà Hơi còn trải qua bốn đời Trưởng ban Tế tự nữa là ông Trần Văn Hào đảm nhiệm vào năm 1937, ông Võ Văn Giang vào năm 1956; đến đời ông Nguyễn Văn Thơm làm Trưởng ban Tế tự vào năm 1961 thì ông đã cho làm một bờ kè để bảo vệ lăng Ông (vào năm 1969) và có sửa lại một phần Chánh điện.

Mỗi năm bà con ở vàm Đông Thị Hơi đều tiến hành cúng hai lễ. Lễ Cầu an vào ngày 19, 20 tháng Giêng âm lịch và ngày Lễ Chánh tế vào ngày 15 rạng 16 tháng 5 âm lịch. Không có Lễ Nghinh Ông hay Lễ Cầu Ngư như ở Vàm Láng (Gò Công - Tiền Giang), Sông Đốc (Cà Mau) hay ở các dinh Vạn khác dọc theo vùng duyên hải. Nghi thức cúng tế ở Lăng Ông Đông Thị Hơi có phần giống với những buổi lễ cúng đình.

Sáng ngày 15 tháng 5 âm lịch, Ban tế tự tề tựu về Lăng Ông để chuẩn bị hành lễ. Chiều 14 giờ, Ban tế tự làm lễ rước Ngư Ông an vị và nấu một mâm cơm chay để cúng. Sau đó, Ban tế tự công khai tài chánh trong năm, rồi cùng nhau dùng bữa cơm chay tại lăng và tiếp theo là tiết mục hát bội lần thứ nhất để phục vụ bà con xa gần.

Đúng 12 giờ khuya ngày 16 tháng 5 âm lịch, Ban Tế tự tiến hành lễ cúng tế Ông. Vật phẩm gồm một con heo luộc, hương đăng trà quả. Lễ tế chính thức được bắt đầu vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 5. Khi đó, Ban tế tự cùng đông đảo dân làng tập trung trước chính điện nguyện hương, khấn vái cho gia đạo bình an, mua may bán đắt, vụ mùa bội thu.

Sau khi cúng Chánh tế xong, đến 7 giờ sáng ngày 16 tháng 5 âm lịch, Ban tế tự làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sau đó làm lễ thỉnh cầu cho quốc thái dân an. Trong lúc Ban tế tự làm lễ, những người phụ giúp ở sau bếp lo nấu nướng để chuẩn bị cơm đãi khách. Ăn cơm xong đến tiết mục hát bội lần thứ nhì và hát bội lần thứ ba sẽ diễn ra vào buổi tối lúc 19 giờ 30 phút. Nội dung tuồng hát bội thường là "Tiết Nhơn Quý chinh đông", "Lưu Kim Đính hạ san", "Mộc Quế Anh dâng cây"… Kết thúc màn hát bội bao giờ cũng có màn Tôn Vương xem như hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai.

Ngoài Lễ Chánh tế, cư dân quanh vùng còn làm Lễ Cầu an vào ngày 19, 20 tháng Giêng âm lịch để cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận(3).

Tục thờ cá voi ở Cần Thơ thể hiện tín ngưỡng cổ truyền, lễ tế cá voi hằng năm là dịp để cư dân trong vùng đền ơn, đáp nghĩa với những người đi trước. 

TRẦN KIỀU QUANG

[1] Nguyễn Minh San (1994), Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.95.
[2] Nguyễn Phước Bảo Đàn (2000), Tục thờ cá voi, Tạp chí Xưa và Nay số 75 tháng 05.
[3] Phương Huy (2009), Di tích lăng Ông ở Cần Thơ, trong cuốn Văn hóa sông nước Cần Thơ, NXB Văn nghệ, tr.66-69.
Chia sẻ bài viết