17/05/2019 - 19:10

Tự hào là người lính Trường Sơn 

Ông ĐẶNG HỒNG TOÀN, Trưởng Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam TP Cần Thơ: 

Tôi là lính pháo binh của các Tiểu đoàn 14, 20. Đơn vị của tôi có nhiệm vụ bắn máy bay địch đánh phá các tuyến đường và xe vận tải chi viện cho các chiến trường. Hễ có xe của ta đi là có máy bay của địch đến ném bom. Vì vậy, ngày nào chúng tôi cũng chiến đấu gần như 24 giờ. Bởi nếu không bảo vệ kho tàng thì địch phá kho, không bảo vệ ngầm thì địch ném bom, xe không đi qua suối được. Có hôm, đại đội của tôi đánh nhau với 45 chiếc máy bay của địch, suốt từ sáng đến 15 giờ. Anh em trong đơn vị hô khẩu lệnh đến mất tiếng, phải dùng kẻng để làm khẩu lệnh bắn máy bay.

Ban đêm, chúng tôi bảo vệ xe, ban ngày thì bảo vệ nhau. Trường Sơn bạt ngàn cây cối nhưng mình bắn một phát là lộ trận địa ngay. Địch sẽ tập trung ném bom. Địch mạnh hơn nên chúng tôi phải nghĩ nhiều cách đánh trả, vừa bảo vệ đại đội vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đại đội của tôi có 4 khẩu pháo 37mm, bắn đêm ngày không nghỉ. Những ngày địch ném bom dữ dội, chúng tôi làm trận địa giả để chia lửa. Có lần máy bay đến đông, kính ngắm nhòe vì khói bụi, chúng tôi cứ nhắm những quả bom mà bắn vì nó nhiều quá. Rốc két địch bắn như vãi trấu, nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt tôi. Cũng có khi, chúng tôi mang súng lớn lên tận đỉnh núi, canh máy bay đến gần thì bắn để địch tưởng là ta có tên lửa mà rút chạy, không dám hung hăng…

Ông TRẦN QUANG TRUNG, nguyên Binh trạm phó Binh trạm 19: 

Đơn vị tôi đóng quân ở Quảng Bình, với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho bộ đội chiến đấu giữ thành cổ Quảng Trị 1972. Binh trạm có 1.500 quân, 3 đại đội thanh niên xung phong (TNXP) nhưng làm ngày, làm đêm vẫn không chuyển đủ vũ khí cho chiến trường. Trong trận đánh ở thành cổ Quảng Trị, chúng tôi vận chuyển rất nhiều súng. Vì máy bay địch ném bom như hủy diệt, súng của bộ đội hư hỏng rất nhiều. Những ngày bảo vệ thành cổ, tôi phải thức trắng đêm theo dõi các xe chở súng vào chiến trường đã đi đến đâu để báo cáo Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Trên đường bộ, xe của chúng tôi đi đêm ngày. Dưới sông, dân quân, TNXP nữ giả dạng người dân đi lại trên sông để chở súng, đạn và xăng khô. Mỗi chiếc ghe chở 10 tấn, gấp 3 lần chiếc ô tô. Sau khi chuyển vũ khí, chị em lại hóa trang chở thương binh từ thành cổ ra để cứu chữa. Tôi rất khâm phục sự gan dạ, mưu trí của các nữ TNXP. Làm việc vất vả, sống trong nguy hiểm nhưng có lần Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến thăm, hỏi mong ước của chị em là gì thì mọi người chỉ mong có bồ kết gội đầu. Tôi vẫn nhớ chuyện một nữ TNXP cùng anh trai đi nhận bồ kết. Trên đường về thì máy bay địch ném bom làm chết người em gái. Từ đó, chúng tôi ra lệnh không cho anh, em ruột ở chung một đơn vị. Vì bom đạn đâu có mắt, lại nhiều như muỗi mòng, lỡ người ở đơn vị này trúng bom hy sinh thì người thân ở đơn vị khác vẫn còn sống!

Ông PHẠM VĂN ĐANG, chiến sĩ lái xe thuộc Trung đoàn 512, Sư đoàn 571:

 Những năm Trường Sơn chưa có đường kín nên lái xe chở vũ khí, hàng hóa đều chạy ban đêm, với cái đèn gầm gắn trước đầu xe. Nhưng máy bay AC-130 của địch vẫn phát hiện vì nó có khả năng tầm nhiệt bằng tia hồng ngoại. Máy bay địch bắn một phát là trúng ngay xe. Một xe cháy là các xe phía sau bị ùn ứ. Vì vậy, chúng tôi chạy 2-3km thì dừng lại, tắt máy. Không nghe tiếng máy bay thì đi tiếp. Nếu có máy bay thì lùi vào các “mang cá” để tránh địch. Nếu địch có phát hiện, bắn trúng xe thì không tắc đường chính. Mình nghĩ cách chống lại máy bay địch thì chúng cũng nghĩ cách đánh phá xe của ta quyết liệt hơn. Khi phát hiện xe của chúng ta, máy bay AC-130 bắn cháy xe để công binh ra cứu xe, thông đường. Sau đó, địch tiếp tục dùng máy bay ném bom bi, bom tọa độ để gây sát thương cho bộ đội. Để hạn chế thiệt hại, Bộ Tư lệnh Trường Sơn cho xe chạy từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng thay vì 6 giờ sáng đã nghỉ như trước đây. Đồng thời xây dựng các tuyến đường kín đi vào rừng già, qua trảng cỏ thì ngụy trang để xe chạy ban ngày.

Mấy năm ở Trường Sơn, tôi có nhiều kỷ niệm nhưng nhớ nhất có hai chuyện. Đó là mùa khô năm 1972-1973, đơn vị tôi đang đóng quân ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, máy bay B.52 đến ném bom. Ban Chỉ huy đại đội của tôi đều hy sinh. Nhiều xe bị cháy, thiệt hại vô cùng nặng nề. Kỷ niệm thứ hai là tôi vinh dự được gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên năm 1971. Lúc đó, Tư lệnh hỏi lính lái xe chúng tôi chăm sóc sức khỏe ra sao, ăn uống như thế nào để đảm bảo chở vũ khí, hàng hóa ra chiến trường. Giờ thì Tư lệnh đã ra đi rồi. Ông đã về lại với những cánh rừng Trường Sơn!

Ông ĐỖ THẾ MẠNH, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 2 công binh, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 471:

Công binh chúng tôi có nhiệm vụ thông xe, thông đường, phục vụ cho việc vận tải. Hằng ngày, máy bay địch ném bom phát quang xong thì tới bom nổ chậm, bom từ trường… Bom từ trường nổ khi có vật kim loại đi qua nên công binh kéo cái thùng phi ngang để cho bom nổ. Sau này địch thả bom từ trường hay “cây nhiệt đới” đều có kèm mìn vướng để ta phá hủy khó hơn. “Cây nhiệt đới” có màu xanh, rơi xuống bụi rậm, tìm đã khó rồi; giờ có thêm mìn xung quanh nên nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi phá hủy “cây nhiệt đới” của địch. Thời gian đầu, địch chủ yếu bắn cháy xe để hủy hàng, vũ khí. Nhưng sau chúng dùng chiến thuật bắn ngay vào đầu xe để giết lái xe, hủy xe, gây tắc đường lâu hơn. Mỗi khi địch ném bom xong, công binh lại ra dùng thuốc nổ đánh văng chiếc xe bị cháy qua một bên, để xe phía sau đi được.

Mừng sinh Nhật của Bác Hồ năm 1974, đơn vị của tôi tham gia đánh Chi khu Đắk Pét - một trong những cứ điểm quan trọng còn sót lại của quân đội Sài Gòn ở phía bắc tỉnh Kon Tum. Địch trong chi khu thường bắn pháo ra các tuyến đường khiến việc hành quân, vận tải của ta gặp khó khăn. Tiêu diệt Chi khu Đắk Pét là nhiệm vụ quan trọng để tiến quân giải phóng miền Nam. Đại đội của tôi có nhiệm vụ mở đường cho xe tăng kéo pháo lên đồi. Nhưng xe tăng của ta chiến đấu nhiều năm, xích mòn hết, không thể vượt lên đồi. Chúng tôi nghĩ ra cách chặt cây le cắm xuống đường để xe tăng bám vô. Pháo của ta lên được đồi cao, bắn vào chi khu như mưa. Bộ binh cũng tiến đánh quyết liệt. Trận này, ta bắt sống hơn 400 tên địch, thu nhiều súng, đạn, pháo các loại.

Ông PHẠM ĐÌNH CẢI, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội phục vụ thủ trưởng Cục Xăng đầu Bộ Tư lệnh Trường Sơn:

Cục Xăng dầu có 4 trung đoàn đường ống, 7 tiểu đoàn xe téc vận tải, 1 trung đoàn hậu cần, 80 kho trạm lớn… để phục vụ cho các chiến trường. Đồng thời, có 1.400km đường ống xăng dầu chạy hai bên đông, tây dãy Trường Sơn. Việc xây dựng hệ thống đường ống xăng dầu hết sức khó khăn, vì mỗi đoạn ống nặng từ 45kg-60kg, vận chuyển chủ yếu bằng sức người. Tuyến đường có 174 trạm vận hành nên mỗi trạm có 1 tiểu đội trực để bảo vệ. Các trạm đều ở nơi heo hút, khó khăn, thiếu thốn và thường xuyên bị địch tấn công nhưng cán bộ, chiến sĩ đều gan dạ, vững tin, kiên trì thực hiện nhiệm vụ.

Những năm 1974-1975, tôi theo thủ trưởng Cục Xăng dầu đêm ngày đi kiểm tra các đơn vị vận chuyển, tiếp nhận xăng dầu phục vụ cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Một tháng chúng tôi đi kiểm tra ở đông Trường Sơn, một tháng thì kiểm tra ở phía tây Trường Sơn. Có lần chúng tôi đến trung đoàn đường ống ở Savanakhet (Lào) thì nơi đây vừa xảy ra vụ một trạm vận hành bị biệt kích địch tấn công. Không chỉ phá hoại đường ống, chúng còn bắt toàn bộ tiểu đội bảo vệ trạm trói lại rồi mở vòi cho xăng bắn vào người, xương thịt anh em chẳng còn gì! Kể lại để thấy rằng để có từng giọt xăng, dầu cho bộ đội ta đánh giặc, lực lượng làm công tác bảo đảm xăng dầu đã có nhiều gian khổ, hy sinh...

PHẠM TRUNG (ghi)

Chia sẻ bài viết